(GD&TĐ) - Từ năm 1998 đến nay thầy Bùi Tiến Sĩ trực tiếp giảng dạy môn Địa lý cho các học viên của Trung tâm GDTX tỉnh Điện Biên. Thầy đã chia sẻ kinh nghiệm 15 năm đứng lớp, tham gia ôn tập cho học viên dự thi tốt nghiệp THPT và CĐ, ĐH.
Thầy có bất ngờ khi 5 năm liền môn Địa lý vẫn có tên trong số các môn thi tốt nghiệp THPT không?
- Tôi hoàn toàn không bất ngờ. Bởi vì môn Địa tôi dự đoán năm nay vẫn thi vì môn xã hội có 3 môn trong khi thêm môn Sinh nên các môn tự nhiên có 4 môn. Thường khi chọn môn thi chỉ bỏ 1 trong 3 môn thi trắc nghiệm là Lý- Hóa- Sinh. Chính vì vậy, kể cả năm nay thì 5 năm liền Bộ GD&ĐT chọn thi tốt nghiệp THPT môn Địa tôi hoàn toàn không bất ngờ.
Việc tổ chức ôn tập cho học viên trong trung tâm được triển khai như thế nào, đặc biệt ở môn Địa lý do thầy phụ trách?
- Với học viên lớp 12, chúng tôi tổ chức ôn tập cho các em ngay từ đầu năm học. Sáng các em học chính khóa, chiều được GV phụ đạo miễn phí các môn Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa và Sinh. Cụ thể, một tuần phụ đạo 3 buổi, mỗi buổi thời gian kéo dài từ 2 – 3 tiết. Chúng tôi phụ đạo đan xen, luân phiên giữa các môn học.
Tuy nhiên, để công tác ôn tập và phụ đạo cho học viên hiệu quả, ngay từ đầu năm, trung tâm cho kiểm tra để phân loại học lực học viên, sau đó căn cứ vào lực học từng học viên, GV bộ môn xếp lớp. Riêng ở môn Địa lý, kết quả kiểm tra đầu năm cho thấy, tỉ lệ giỏi không có nhưng khá chiếm 8 - 10%, yếu kém chiếm 20%, còn lại là trung bình.
Thầy Bùi Tiến Sĩ |
Tại sao ngay từ đầu năm học nhà trường đã tổ chức phụ đạo miễn phí cho học viên tới 7 môn học?
- Mục tiêu của chúng tôi là giúp học viên có kiến thức cơ bản để tốt nghiệp THPT, còn những em nào học tốt hơn, GV có nhiệm vụ dạy nâng cao kiến thức những môn mình trực tiếp giảng dạy, giúp các em có vốn kiến thức nhất định có thể thi đỗ ĐH, CĐ. Việc tổ chức ôn tập, phụ đạo 7 môn học cho học viên là việc làm thường niên.
Nguyên do, đối với TT GDTX ngoài 3 môn học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa) có 3 môn xã hội là môn cứng gồm Văn, Sử, Địa. Đa số, do sức học có hạn nên học viên của GDTX đều chọn thi khối xã hội. Chủ trương của nhà trường là tập trung ôn thi các môn xã hội. Do vậy, ngoài 6 môn trên, trường chọn phụ đạo thêm môn Sinh vật cho học viên.
Vậy, sau khi Bộ GD&ĐT công bố chính thức môn thi tốt nghiệp, kế hoạch phụ đạo của bộ môn Địa được thầy triển khai như thế nào?
- Cũng như các năm trước, khi Bộ chính thức công bố môn thi có môn Địa lý, tôi tập trung định hướng kiến thức các em đã được học và dạy theo chủ đề và củng cố đề cương cho học viên tự học, đồng thời bám theo đề ra các năm trước đây của Bộ. Đặc biệt, phải dạy cho học viên bám chuẩn kiến thức kỹ năng. Chương trình ôn thi tốt nghiệp môn Địa lý tại trung tâm gồm tổng số 30 tiết học. Trong đó, 21 tiết tôi dạy phần kiến thức theo chủ đề, 9 tiết rèn kỹ năng cho học sinh.
Tôi hướng học viên tập trung vào phần kỹ năng vẽ biểu đồ vì phần này dễ gỡ điểm nhất, thường chiếm tới 30% tổng điểm môn thi; 20% điểm từ sử dụng Atlats Địa lý. Phần kiến thức môn thi chiếm nửa số điểm còn lại của cả bài thi, dạy tùy theo khả năng đối tượng lớp học viên để dạy.
Với học viên học lực yếu kém tôi dành cho các em ôn tập kỹ theo đề cương vì các em chỉ cần vượt điểm liệt để đỗ tốt nghiệp. Còn lại học viên trung bình, khá, tôi dạy kỹ phần kỹ năng, giúp học viên có kiến thức nâng cao, giải quyết kiến thức đề thi ĐH, CĐ.
Trước đây Vụ GDTX của Bộ GD&ĐT có bộ sách đề cương ôn thi tốt nghiệp THPT cho học viên GDTX thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao. Song từ năm 2005 đến nay do đổi mới chương trình, bám chuẩn kiến thức kỹ năng, kiến thức nhiều hơn, dàn chải hơn nên không thể ôm đồm được, GV phải bám chuẩn kiến thức kỹ năng để dạy cho học sinh, nhất là ôn tập thi tốt nghiệp THPT.
Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi này.
Việt Hoa (thực hiện)