Ông nội và nồi cháo xương

Ông nội và nồi cháo xương

(GD&TĐ) - Ông nội chín mươi bảy tuổi, vẫn còn đi lại được, dù có phải chống gậy. Cũng dăm bảy lần ông trượt chân ngã đau, có lần chảy máu đầu, nhưng kỳ lạ ở chỗ, ông không bị gãy xương hay dập xương, trật khớp gì cả. Chúng tôi bảo nhau: Ông ngã khéo tệ, ngã như mèo ngã. Trong khi chỉ với một cú ngã như của ông, với người ít tuổi hơn ông, có khi đã về chầu trời luôn rồi. Tôi thắc mắc lắm, nắn nắn xương ông rồi hỏi, sao ông chừng đây tuổi rồi mà xương chắc vậy? Ông cười kha kha, rồi bảo, đó là nhờ những nồi cháo xương từ thời chiến tranh.

Cháu ạ, ông nói tiếp, người ta hơn nhau ở cái nhìn và hành động. Ông có thể nhìn thấy cái mà người khác bỏ qua, và biến nó thành việc hữu ích.

Từ kết luận ấy, ông kể tôi nghe một câu chuyện dài.

Ông nội rời gia đình đi làm cách mạng từ thời Việt Minh. Nằm hầm cơm vắt, nếm mật nằm gai ông đã trải, hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ ông cũng từng qua. Sức khỏe, sự dẻo dai của ông quả là đáng nể. Hồi chiến tranh ấy, ông làm bên hậu cần một thời gian. Tất nhiên thời đó, cơm gạo còn thiếu nói chi đến thịt thà. Tuy nhiên không phải là không bao giờ được ăn thịt. Cũng có những lúc chiến sỹ được ăn tươi, con lợn, con gà hay con trâu ngả ra, thịt thú rừng ngả ra. Anh em chiến sỹ ăn xong thì những khúc xương lớn, không nhai được bèn bỏ đi. Ông nội nghĩ tiếc của nên gom lại  hết. 

Ông cứ tranh thủ được lúc nào thì ninh nồi cháo xương lúc ấy, ninh đi ninh lại, nước múc ra uống hết. Cho đến khi xương mềm nhũn, mủn ra như cháo đặc, thì ông múc cháo xương ra ăn, ăn dần cho kỳ hết, không bỏ đi tẹo nào. Vừa chống lại cái đói, cái rét vì thiếu năng lượng, lại vừa bồi bổ xương cốt. Ông bảo thế.

Hành quân tới đâu, trong ba lô của ông luôn thường trực những khúc xương khô và cái xoong quân dụng. Thật kỳ diệu là trong khi những đồng đội khác lăn ra ốm vì ngã nước, vì sốt rét rừng, thì ông nội tôi lại cứ khỏe đều đều. Rừng thiêng nước độc không quật ngã được ông. Ông cho rằng tại vì nồi cháo xương mà ra.

Sau này hết chiến tranh, thời bao cấp khó khăn, mỗi tháng chúng tôi chỉ được một lần ăn thịt tem phiếu. Khi mẹ tôi mang suất thịt hẻo về nhà, nếu có khúc sườn nào thì ông nội sẽ băm thật nhỏ ra, rang muối thật mặn và ăn với cơm, sườn băm quá kỹ nên khi ăn với cơm nó chỉ còn lật sật, ăn hết không bỏ đi tý nào. Nếu phải khúc xương to, thì ông nội lại cứ bài cũ - nồi cháo xương chiến tranh - mà diễn, tóm lại ông cũng không bỏ đi tẹo xương nào. 

Kinh tế thị trường, đời sống khấm khá lên, thịt thà ê hề, người ta thậm chí còn sợ ăn thịt vì quá béo, thừa cholesterone, sợ bệnh, thì nội tôi vẫn không chịu bỏ những khúc xương đi. Chúng tôi bảo ông nội thật là bệnh hoạn! Ông vẫn gom những khúc xương chúng tôi bỏ lại rìa mâm cơm, rửa sạch, rồi tiếp tục ninh xương, bởi ông ở quê nên chả sợ thiếu củi đun nấu. Nước xương còn ngọt thì ông nấu canh cải, canh rau ngót. Ông bảo “nhất bì nhì cốt, chúng bay đừng đùa!” Khi xương hết ngọt, thì ông ninh tiếp cho mủn ra, mỗi bữa sáng ông cứ một chén hạt mít rượu nếp, một bát cháo xương, khỏe re, rồi đạp xe còng cọc khắp xã, họp hành, góp ý tư vấn cho lãnh đạo xã bao việc công.

Bước vào tuổi 90, mắt nội yếu đi, chúng tôi không cho ông nấu nướng, dẹp luôn cái vụ nồi cháo xương của ông. Ông đành chịu. Già quá rồi không thể quát tháo lũ cháu đương sung sức được nữa. Bảy năm qua, gia đình chúng tôi cũng dần quên đi nồi cháo xương của ông.

Nhưng mà phải công nhận, ông nội nhà tôi là người có bộ xương chắc nhất làng Thanh này. Ông cứ ngã quần quật mà chẳng bao giờ gãy xương!

Cừu Thị Đan Len

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ