Ông bố bỉm sữa thực hiện giấc mơ du học ở tuổi 33

GD&TĐ - Giành học bổng du học Chevening ở tuổi 33, Lê Đức Quý đã tạm gác lại công việc, gia đình để lên đường du học.

Lê Đức Quý nhận chứng nhận Chevening - Ông bố bỉm sữa thực hiện giấc mơ du học ở tuổi 33. Ảnh: UK in Vietnam
Lê Đức Quý nhận chứng nhận Chevening - Ông bố bỉm sữa thực hiện giấc mơ du học ở tuổi 33. Ảnh: UK in Vietnam

Hiện Đức Quý đang theo học  ngành Sofware Engineering Msc tại ĐH Glasgow (Anh quốc). Đức Quý đã có những chia sẻ về những suy nghĩ, trăn trở của mình khi quyết định du học trên ebook của các Cheveners 2017 – 2018.

Quý chia sẻ đã tự đặt cho mình nhiều câu hỏi từ những ngày tháng 8/2016 – những ngày đầu tiên suy nghĩ có nên nộp hồ sơ học bổng Chevening hay không: “ 33 tuổi, đã lập gia đình, có vị trí tương đối trong công việc, một bằng MBA, một bằng kỹ sư Công nghệ thông tin – có nên tiếp tục đi học không? Có quá trễ để tiếp tục con đường học vấn trong khi bạn bè đa số đều lo làm ăn, ổn định gia đình? Liệu sau khi đi học về, công việc của Quý sẽ có gì thay đổi không?”

3 lần gác lại ước mơ du học

Đức Quý ôm giấc mơ du học từ khi mới tốt nghiệp ĐH Bách khoa. Mỗi khi nghe các thầy và anh chị đi trước kể về những trải nghiệm và kiến thức thu được từ môi trường nước ngoài, Quý thầm khâm phục và ước mơ có một ngày mình cũng sẽ được như vậy.

Nhưng như đa số bạn bè, sau 17 năm mòn mỏi đi học, Quý muốn kiếm việc làm để phụ giúp bố mẹ. Kế hoạch ban đầu là sẽ đi làm vài năm, sau đó tìm cơ hội đi học tiếp. Tuy nhiên, khi đi làm, công việc cứ cuốn Quý đi. Hết dự án này đến dự án khác, hết áp lực này đến áp lực khác làm dự định học tiếp của Quý xa dần… Giấc mơ du học của Quý tạm gác lại lần thứ nhất.

Năm 2007, FPT Sofware Đà Nẵng khai thác khách hàng đầu tiên ở thị trường Úc, và Quý may mắn được chọn là một trong những người tiên phong.

Trong một buổi chiều lang thang, Quý đã mò đến ĐH Queensland ở Brisbane. Nhìn ngắm ngôi trường với những bãi cỏ xanh mướt, khu tập thể thao rộng lớn, khu ký túc xá hiện đại, tối hom đó, khi gọi điện về cho mẹ, Quý đã nói: Mơ ước của con là có cơ hội được học ở trưỡng trường đại học như vậy (tất nhiên không phải xin tiền bố mẹ). Giấc mơ du học của Quý lần nữa nhen nhóm.

Nhưng sau đó một năm, Quý xin nghỉ ở FPT để chuyển sang Viettinbank, ra Hà Nội làm. Công việc thay đổi, môi trường sống thay đổi, đồng nghiệp mới, Quý gần như phải bắt đầu lại mọi thứ. Giấc mơ du học của Quý gác lại lần hai.

Quý đăng ký học CFVG – một chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh liên kết giữa Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Paris Daulphine của Pháp. Năm thứ hai có chương trình trao đổi, cho phép sinh viên được học một năm tại các trường đối tác với CFVG, nhưng sinh viên phải chịu toàn bộ chi phí ăn ở. Với Quý, bỏ khoảng 500 triệu để đi học là một điều quá xa xỉ. Với số tiền đó, Quý tự nhủ để bố mẹ dưỡng già sẽ hợp lý hơn.

Âm thầm tìm cơ hội học bổng, Quý tình cờ biết đến Chevening. Nhưng khi dự định nộp hồ sơ chỉ mới hình thành trong đầu thì gia đình Quý gặp biến cố lớn. Bố Quý mất vì ung thư phổi chỉ trong vòng 3 tháng.

3 tháng đó, Quý đã nghỉ việc để ở bên cạnh bố. Sau khi bố qua đời, Quý mất hơn hai năm để cân bằng trở lại. Quý chuyển việc từ Hà Nội về Đà Nẵng để ở bên cạnh mẹ. Khi đó, Chevening hay du học với Quý à những điều quá xa vời. Giấc mơ du học của Quý tưởng như gác lại vĩnh viễn.

Tuy nhiên, có lẽ ước mơ được đi học, được chứng tỏ mình luôn có trong Quý, nên sau khi những năm tháng khó khăn tạm qua đi, Quý lại tìm cơ hội để thực hiện giấc mơ dang dở của mình. Và một lần nữa, Quý lại tìm hiểu về Chevening.

Quý tự trả lời cho những câu hỏi ở trên của mình: Đi học không bao giờ là trễ, tốt nghiệp Thạc sĩ ở một trường ĐH uy tín trên thế giới không bảo đảm mình sẽ thăng tiến trong công việc, nhưng sẽ giúp tầm nhìn, nhận thức được mở rộng.

Nhưng cơ bản là không ai biết trước được tương lai sẽ thế nào cả. Và chinh phục Chevening còn là để thực hiện giấc mơ du học của Quý từ rất lâu. Quý phải làm để sau này không nuối tiếc gì.

Lang thang bắt Kangaroo ở Úc. Ảnh: Nguyễn Sỹ Trung

Lang thang bắt Kangaroo ở Úc. Ảnh: Nguyễn Sỹ Trung

Ở đâu có ước mơ, ở đó có con đường

Có những sáng đi làm, tôi cảm thấy rất mệt vì thiếu ngủ. Lại có những hôm con sốt, tôi phải vật vờ cả đêm
Lê Đức Quý

Khó khăn với Quý không phải là nghĩ ý tưởng trả lời cho các bài luận Chevening hay được các trường nhận học, cũng không phải là phỏng vấn, mà chính là vượt qua những lo lắng của bản thân và rào cản ngôn ngữ.

Quý cũng như các bạn khác, khi nghe đến danh tiếng của Chevening và đều biết mức độ cạnh tranh rất cao, chắc sẽ có những lo lắng giống nhau: Không biết mình có đủ tiêu chuẩn không, không biết hồ sơ, câu trả lời của mình ổn chưa…

Khi tìm hiểu mọi thông tin về Chevening, từ website chính thức đến blog chi sẻ của những người đi trước, Quý tìm thấy clip của chị Mai Thu Hà – nhân viên Đại sứ quán Anh phụ trách Chevening – phỏng vấn ông Steph Lysaght về Chevening.

Câu cuối trong clip, khi được hỏi nếu có gì nhắn nhủ với các ứng viên năm nay, ông Steph nói: “Nếu không ứng tuyển, bạn sẽ không có cơ hội được học bổng. Năm nay Việt Nam có 27 Cheveners. Nếu nghĩ tới điều này thì bạn hãy ứng tuyển đi, và năm sau có thể bạn sẽ là một trong số đó”.

Chính câu nói này giúp Quý có thêm tự tin, gạt bỏ những lo lắng không đáng để tìm mọi cách hoàn thiện hồ sơ từ bài luận cho đến thư giới thiệu.

Khó khăn thứ hai của Quý là tiếng Anh. Trước khi nộp đơn, điểm Anh văn của Quý là 79/120 (TOEFL Ibt), trong khi các trường ở Anh mà Quý nộp vào thường yêu cầu phải 90 trở lên (xấp xỉ 7.0 IELTS).

Thời điểm đấy, Quý vừa có con nhỏ khoảng 6 tháng tuổi, chưa kể cũng phải thường về nhà muộn để giải quyết công việc đang dồn dập. Về nhà thì lại dành thời gian chăm con. Sau khi chăm con thì lại dành thời gian cho vợ, cho mẹ…

Một ngày 24 giờ, Quý quay cuồng, không tìm được khoảng thời gian nào để đi luyện Anh văn. Cách duy nhất là tự học. Và Quý âm thầm luyện tiếng Anh từ 10 giờ tối đến 1-2 giờ sáng trong 6 tháng ròng rã.

Có những sáng đi làm, Quý cảm thấy rất mệt vì thiếu ngủ. Lại có những hôm con sốt, Quý phải vật vờ cả đêm. Nhưng những khó khăn đó không có hề gì. Chinh phục Chevening giúp Quý có thêm động lực để cố gắng.

“Tôi  tin mình sẽ làm được. Và kết quả là tôi đang ở đây – University of Glasgow. Xin chia sẻ câu ngạn ngữ Anh: When there’s a will, there’s a way”. Nếu ước mơ, mong muốn của bạn đủ lớn, bạn sẽ có cách” – Quý nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ