Ôn thi tốt nghiệp hiệu quả môn Lý, Hóa

Theo thống kê ở các trường THPT, trong số 6 môn tự chọn, Vật lý là môn có nhiều học sinh đăng ký thi nhiều nhất. Do khuynh hướng học sinh chọn môn thi tốt nghiệp theo khối thi ĐH nên hóa học cũng có nhiều người chọn vì đây là môn nằm trong 2 khối thi A, B.

Ôn thi tốt nghiệp hiệu quả môn Lý, Hóa

Môn Vật lý, tập trung cụ thể chương trình lớp 12

Học sinh nhất thiết phải nắm vững nội dung của các phần nêu trong cấu trúc đề thi. Mặc dù yêu cầu ôn tập của Bộ GD&ĐT là chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT nhưng thật ra tất cả câu hỏi của đề thi tốt nghiệp THPT đều dựa vào các nội dung cụ thể của chương trình 12.

Học sinh nên học thật kỹ lý thuyết, không chỉ các dạng câu hỏi ở mức độ vừa phải mà còn phải chịu khó học thuộc và tổng hợp được kiến thức. 

Đối với câu hỏi trắc nghiệm về lý thuyết, đề thi sẽ khai thác tối đa các hiện tượng, khái niệm hoặc công thức mà nếu bạn chưa nắm kỹ dễ bị nhầm lẫn.

Chẳng hạn, khái niệm cùng pha, lệch pha giữa các đại lượng vật lý; các khái niệm dao động điều hòa, dao động tuần hoàn, dao động cưỡng bức, dao động tắt dần, dao động riêng, dao động duy trì; tính chất và tác dụng của các bức xạ không nhìn thấy; tính chất và ứng dụng của các loại sóng vô tuyến điện; các hiện tượng tán sắc, giao thoa ánh sáng, hiện tượng quang điện, quang dẫn, hiện tượng phóng xạ...

Khi rèn luyện các dạng bài tập, học sinh nên mạnh dạn từ bỏ các loại bài tập thuộc vào một trong 3 điều sau: Đề bài quá dài, rườm rà hoặc hình vẽ phải mô tả phức tạp; bài giải cần nhiều giai đoạn biến đổi; kiến thức lý thuyết vật lý để giải bài tập không có trong nội dung sách giáo khoa và cấu trúc đề thi.

Môn Hóa, học theo hệ thống hóa, so sánh

Về lý thuyết, học sinh cần phải biết xâu chuỗi tính chất hóa học của các chất, nhóm chất bằng cách hệ thống hóa, so sánh những điểm giống nhau và khác nhau. Điều này sẽ giúp học sinh nhanh chóng chọn được phương án đúng.

Đây là phần có số lượng câu hỏi chiếm khoảng 70% đề thi. Không nên học từng chất riêng lẻ vì như thế sẽ khó nhớ hết được những phương trình phản ứng hóa học và sẽ xử lý chậm, mất nhiều thời gian để chọn phương án đúng.

Cụ thể, đối với hóa học hữu cơ,  học sinh cần có sự liên kết giữa các nhóm chất sau đây để so sánh: Amin, anilin, aminoaxit, liên kết với a xít hữu cơ, phenol; Cacbohidrat: Glucozơ, fructozơ, mantozơ, sacarozơ, tinh bột, xenlulozơ liên kết với andehit và ancol; Este, lipit cần liên kết với ancol, andehit, a xít; Phần polyme các em nên xâu chuỗi lại dựa vào sự phân loại: theo nguồn gốc, theo cách tổng hợp, theo cấu trúc, tên riêng của các polime.

Đối với hóa vô cơ - phần kim loại, cần liên kết phần tính chất hóa học chung, so sánh chúng trong dãy điện hóa. Ngoài ra, trong mỗi nhóm kim loại cần nắm phần tính chất hóa học đặc trưng riêng như kim loại phản ứng với nước, với dung dịch kiềm... Riêng phần kim loại sắt, cần quan tâm sự chuyển hóa giữa Fe(II) và Fe(III).

Học sinh cũng có thể hệ thống hóa từng loại phản ứng. Cụ thể như chất hữu cơ nào tham gia phản ứng thủy phân, với Na, với dung dịch kiềm, với Cu(OH)2… 

Kim loại nào tác dụng với nước, với dung dịch kiềm, với dung dịch a xít... Những oxit, hidroxit và muối nào lưỡng tính...? Nếu không làm được việc này, sẽ gặp nhiều lúng túng khi làm bài.

Các bài toán trong đề thi tốt nghiệp chiếm khoảng 30% số lượng câu hỏi của đề thi và khá đơn giản. Chỉ cần biết tính lượng chất tham gia phản ứng, chất tạo thành trong một phương trình phản ứng hóa học hay giải các bài toán hỗn hợp hai chất, hai ẩn số và có hai dữ kiện (có thể kèm theo hiệu suất phản ứng để tạo câu hỏi khó).

Ngoài ra, trong đề thi tốt nghiệp THPT thường có một số ít câu hỏi khá bất ngờ, không khó nhưng do học sinh ít quan tâm nên dễ chọn phương án sai. 

Ví dụ, một số tính chất vật lý đặc biệt của chất hữu cơ (như este có mùi thơm dễ chịu, anilin là chất lỏng không màu để lâu trong không khí chuyển thành màu đen...), các tính chất vật lý của kim loại: có khối lượng riêng lớn nhất, cứng nhất, có nhiệt độ nóng chảy cao nhất trong dãy kim loại cho sẵn,  hay các loại quặng, mỏ...

Muốn đạt được điểm cao, học sinh phải đọc thật kỹ các chi tiết ở sách giáo khoa lớp 12 ít nhất một lần trước ngày thi (nhớ lược bỏ những phần đã giảm tải).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.