Ôn thi THPT quốc gia: Phụ huynh kêu áp lực, trường nói “vì học sinh“

GD&TĐ - Theo phản ánh gửi tới Báo GD&TĐ, một số phụ huynh có con đang học tại Trường THPT Hậu Lộc 1 (Thanh Hóa) bày tỏ những thắc mắc về vấn đề tiền học và áp lực ôn thi THPT quốc gia đối với học sinh.

Chất lượng học sinh được giao trách nhiệm cho từng giáo viên
Chất lượng học sinh được giao trách nhiệm cho từng giáo viên

Học ôn không mang tính tự nguyện?

Trong thư phán ánh, phụ huynh viết: “Chúng tôi đóng tiền cả năm cho con là để cho con học hết năm, vậy mà chưa hết năm học đã tính sang tiền ôn thi đại học rồi. Cả năm đã hơn 6 triệu đồng, chưa kịp đóng hết cả năm đã phải lo gần 3triệu đồng để đóng khoản học ôn, và không trên tinh thần tự nguyện”.

Ngoài vấn đề tiền học, phụ huynh cũng bày tỏ những băn khoăn về lịch học. Theo đó, phụ huynh này cho biết, Trường THPT Hậu Lộc 1 đã lên lịch học kín buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7,một buổi học nhiều môn. Buổi chiều lịch học là 3 buổi nhưng lại học gần như là tất cả (có khi lại còn học thêm ca 5h-7h).

Phụ huynh cho biết rất cảm ơn các thầy cô giáo rất nhiệt tình và “Biết học là tốt cho con em chúng tôi nhưng học nhiều sẽ gây áp lực,nhất là thời gian cuối này sẽ không mang lại kết quả tốt “.

Trả lời thông tin trên, cô Bùi Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường THPT Hậu Lộc 1 cho biết: “Đó là những thông tin hoàn toàn không chính xác. Nhà trường tổ chức dạy ôn cho học sinh theo như hướng dẫn của Sở GD&ĐT và kế hoạch đã thống nhất với phụ huynh từ dịp họp phụ huynh đầu học kỳ 2 trong năm học. Tiền học ôn mỗi buổi là 15.000 đồng/em. Số tiền nộp học không nhiều như ý kiến phản ánh”.

Cũng theo cô Thanh, trong năm học, buổi sáng học chính khóa, còn buổi chiều nhà trường tổ chức dạy ôn thi cho học sinh các lớp với thời lượng 4 buổi/tuần.

Sau kết thúc năm học vào ngày 30/5, trường tiếp tục dạy ôn thi trong hè cho học sinh theo đăng ký. Đây là thời điểm nước rút, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, nhằm mục đích hệ thống lại kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh. Thời gian học là tất cả các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6.

Ngoài ra, trong thời gian trên, để công tác ôn tập hiệu quả hơn, nhà trường cũng đã phân loại đối tượng học sinh, lọc ra 2 nhóm: Học sinh có học lực khá giỏi và học sinh có học lực yếu kém. Bởi nếu tổ chức dạy học đại trà cho mọi đối tượng học sinh, thì không phù hợp với yêu cầu, mục tiêu học tập cũng như khả năng tiếp nhận của từng em.

Với đối tượng học sinh giỏi thì dạy ôn với kiến thức nâng cao hơn, để giúp các em đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia.

Còn đối tượng học sinh yếu, tăng cường phụ đạo các kiến thức cơ bản, tránh cho các em bị điểm liệt.

“Hai nhóm học sinh này, nhà trường tổ chức dạy ôn vào buổi chiều, và hoàn toàn miễn phí, không thu thêm tiền của các em. Học sinh của trường chủ yếu ở các xã nông thôn, kinh tế gia đình còn khó khăn. Các thầy cô dạy với trách nhiệm và lo lắng cho kết quả thi của học sinh. Việc học ôn tất cả các lớp sẽ kết thúc sau ngày 15/6”, cô Thanh cho biết.

Áp lực giữ chất lượng giáo dục

Học sinh trường THPT Hậu Lộc 1 ôn thi THPT quốc gia
Học sinh trường THPT Hậu Lộc 1 ôn thi THPT quốc gia 

Trường THPT Hậu Lộc 1 năm học này có 334 học sinh khối lớp 12, tỷ lệ học sinh đăng ký thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ khoảng 80%. Đây là trường có truyền thống và bề dày thành tích dạy học.

Năm học 2017 – 2018, tỷ lệ học sinh giỏi tỉnh của trường xếp thứ 2 trong tỉnh, chỉ sau trường THPT chuyên Lam Sơn. Năm học trước, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT là 99,96%.

“Chính vì thế, áp lực đối với nhà trường rất lớn, để giữ vững và phát huy được kết quả đó”, cô Bùi Thị Thanh – Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận.

Kỳ thi năm trước, kiến thức chỉ nằm trong chương trình lớp 12. Năm nay, cấu trúc đề thi có thêm 20% câu học nằm ở chương trình lớp 11. Ngoài môn Ngữ văn, các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh một mã đề. Tình trạng gian lận trong thi cử được hạn chế tối đa. Nếu học sinh không học, thì không thể làm tốt bài thi.

Để thúc đẩy phong trào dạy học, Ban giám hiệu giao chất lượng của từng lớp cho giáo viên bộ môn phụ trách. “Tôi biết các thầy cô rất căng thẳng và lo lắng. Nhưng nếu không tăng cường dạy học, ôn tập cho học sinh, thì các em không được rèn luyện thường xuyên, đảo kiến thức nhiều vòng, thì sẽ không nắm vững được để làm bài thi tốt”, cô Bùi Thị Thanh nói.

Với kinh nghiệm nhiều năm ôn thi, thầy Bùi Văn Dương – Tổ trưởng tổ bộ môn Vật lý cũng chia sẻ: Đề thi THPT quốc gia năm nay có 20% câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11, nhưng Bộ cũng không giới hạn kiến thức đó nằm ở chương nào, phần nào, nên học sinh phải học toàn bộ. Với đề thi tự luận, có thể khoanh vùng kiến thức trọng tâm, nhưng với đề trắc nghiệm, câu hỏi có thể ra vào bất cứ chỗ nào trong chương trình SGK.

Về việc tạo ra áp lực cho học sinh trong thời điểm gần sát kỳ thi, Hiệu trường nhà trường bày tỏ: Mục đích của nhà trường và các thầy cô giáo là muốn tốt cho học sinh. Kỳ thi THPT quốc gia là rất quan trọng, trước khi muốn xét tuyển ĐH, CĐ hay đi học nghề, các em rất cần đạt tốt nghiệp THPT. Hè lớp 10, 11 nhà trường không tổ chức dạy thêm, nên đến lớp 12 phải tăng cường ôn tập.

“Nhóm học sinh học lực yếu, khi trường bố trí thêm các buổi học phụ đạo, một số em không muốn đi mà ở nhà. Thầy cô còn phải đến tận nhà vận động, trao đổi với phụ huynh để nhắc các em cố gắng, dù dạy hoàn toàn miễn phí. Tôi cũng mong phụ huynh nếu có vấn đề băn khoăn, thắc mắc gì có thể trực tiếp gặp Hiệu trưởng nhà trường để phản ánh.

Thành tích của học sinh, cũng là thành tích của nhà trường. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề tuyển sinh lớp 10, trường có đạt được những kết quả tốt, thì mới nâng cao uy tín, chất lượng và thu hút học sinh đăng ký dự thi vào trường”, cô Bùi Thị Thanh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.