Ôn thi THPT quốc gia: Bám sát chuẩn kỹ năng kiến thức

GD&TĐ - Phân tích trình độ của HS để đưa ra phương pháp, chương trình ôn tập phù hợp là kinh nghiệm chung được nhiều trường THPT áp dụng. Ngoài việc củng cố, bổ túc thêm kiến thức cho HS, các trường đều chú trọng rèn luyện thêm kỹ năng làm bài, cũng như giúp cho các em ổn định tâm lý…

Các địa phương đang chủ động tổ chức củng cố kiến thức và ôn tập cho học sinh cuối cấp. Ảnh: Hữu Cường
Các địa phương đang chủ động tổ chức củng cố kiến thức và ôn tập cho học sinh cuối cấp. Ảnh: Hữu Cường

Tổ chức ôn thi theo tổ hợp môn

Do đặc thù đầu vào của trường thấp, lại nằm ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối khó khăn, 70% HS của trường là người dân tộc nên Ban giám hiệu Trường THTP Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) ưu tiên cho mục tiêu “chống liệt” và tập trung cho “mặt trận 5 điểm” nên ngay từ đầu năm học 2018 – 2019, HS lớp 12 đã được tăng cường thêm mỗi tuần 4 tiết để ôn tập các môn Ngữ văn, Anh văn và Toán.

“Các tiết tự chọn đều được nhà trường giảng dạy theo hướng bám sát, củng cố kiến thức và luyện những dạng bài cơ bản cho HS. Việc ôn tập được tăng cường vào đầu học kỳ II, ngay sau khi nhà trường tổ chức cho HS đăng ký tổ hợp môn tự chọn. 100% HS lớp 12 của trường đều chọn tổ hợp môn Khoa học Xã hội nên gần như các lớp ôn tập trái buổi đều được tổ chức như lớp học truyền thống, không có sự xáo trộn gì” - thầy Nguyễn Hữu Thịnh, Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng cho biết.

Từ phân tích kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Trường THPT Hướng Phùng chỉ đạo GV các bộ môn Lịch sử, Anh văn và Toán xây dựng đề cương ôn tập bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, tập trung cho mục tiêu “chống liệt”. Thầy Nguyễn Hữu Thịnh chia sẻ: “Trừ môn Ngữ văn, các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm, nhà trường quán triệt với GV trong quá trình giảng dạy cũng như ôn tập tránh trường hợp “khoanh vùng” kiến thức. HS sẽ phải hoàn thành chương trình với những kiến thức cơ bản trong SGK, không đặt nặng nâng cao, mở rộng với những môn không thi”.

Giờ ôn tập của HS Trường THPT Lê Thế Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị) . Ảnh: T.G
Giờ ôn tập của HS Trường THPT Lê Thế Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị) . Ảnh: T.G 

Trường THPT Lê Thế Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị) cũng tổ chức cho HS ôn tập trái buổi và phân lớp theo tổ hợp môn tự chọn. Thầy Thái Quốc Khánh - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Thời gian ôn tập là rất ngắn, nhà trường chỉ có thể giúp các em củng cố, hệ thống lại kiến thức và hướng dẫn các kỹ thuật phân tích đề, cách làm bài thi theo đặc thù từng môn. Nếu HS không có ý thức tự học thì sẽ khó có kết quả cao trong thi cử. GV cùng HS cần lập kế hoạch cho từng môn, từng ngày và tăng cường thời gian luyện tập thì mới mong có kết quả tốt nhất”.

Phân hóa đối tượng

Sở GD&ĐT Quảng Trị đã chỉ đạo công tác dạy học theo hướng phân hóa đối tượng, bám sát vào chuẩn kỹ năng kiến thức, bám sát vào khung chương trình quy định; hướng dẫn HS tiếp cận các đề thi minh họa đã được Bộ GD&ĐT công bố, các thao tác làm bài thi trắc nghiệm.

Ông Lê Văn Tính - Trưởng phòng Phổ thông, Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết: “Ngoài bổ sung thêm số lượng câu hỏi vào ngân hàng đề của Sở để cung cấp cho các trường, trong sinh hoạt mạng lưới cán bộ chuyên môn cốt cán của từng môn theo cụm trường, các bộ môn tập trung phân tích kỹ cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cùng những kinh nghiệm trong tổ chức ôn tập cho HS để các trường có thể triển khai”.

Ông Tính cho rằng, trong quá trình dạy ôn tập, với những HS có học lực trung bình yếu, tối thiểu HS phải “thoát” khỏi “điểm liệt” để chống trượt. Theo đó, trong quá trình dạy ôn tập, GV không quá ôm đồm cũng không lan man, dàn trải, phải tập trung làm sao cho HS nắm vững kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Điều này đối với HS vùng khó, có đầu vào thấp là điều không hề đơn giản”.

Không quá lo lắng về số lượng HS đỗ tốt nghiệp trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019 thấp hay cao khi kết quả học tập của HS chỉ chiếm 30% thay vì 50% trong cách tính điểm xét tốt nghiệp THTP và xét tuyển ĐH, nhiều trường THPT tập trung cho việc nâng cao chất lượng dạy - học. Thầy Thái Quốc Khánh cho biết: “Khi việc kiểm tra đánh giá đi vào thực chất, HS đặt vào tình huống phải học thì các em sẽ học được; vấn đề là nhà trường phải làm sao để các em ý thức được tầm quan trọng của kỳ thi cũng như những đổi mới trong quy chế thi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ