Ôn tập và làm tốt bài môn Giáo dục công dân

GD&TĐ - Để giúp các thí sinh ôn tập tốt, sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Châu - giáo viên môn Giáo dục Công dân (GDCD), Trường THPT Đông Đô (quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ những vấn đề trọng tâm cần lưu ý khi ôn tập bộ môn này.

Cô trò Trường THPT Nguyễn Thái Bình (TPHCM) trong tiết ôn tập
Cô trò Trường THPT Nguyễn Thái Bình (TPHCM) trong tiết ôn tập

Điểm chung cần lưu ý

Học sinh nên nắm vững kiến thức, học dần, đừng để dồn đến thi mới học. Học bài nào nắm chắc nội dung bài đó, ghi chép cẩn thận những nội dung giáo viên nhấn mạnh lưu ý trong bài. Các em cũng có thể đặt những câu hỏi với giáo viên về những vấn đề mình còn mơ hồ ngay trong giờ học để được giải đáp. Khi học bài nào, học sinh nên cập nhật kiến thức thực tế vào bài học ấy và kết hợp kiến thức của môn Sử, Địa vào bài thi.

Có thể thấy, môn GDCD không khó, tất cả đều là những vấn đề rất gần gũi và thiết thực trong cuộc sống hằng ngày và mọi người đều cần phải rèn luyện trong mọi lĩnh vực, trong mọi hoàn cảnh. Liên hệ bản thân trong mỗi bài học, từ đó từng bước tự hoàn thiện mình trở thành công dân gương mẫu và vận dụng điều đó đưa vào bài làm giúp bài thi đạt kết quả tốt nhất.

Đối với giáo viên bộ môn, khi ôn tập cho học sinh phải thường xuyên kiểm tra nhanh, sau đó chấm điểm và nhận xét, chỗ nào các em chưa hiểu, giáo viên nên giảng lại. Học sinh cũng có thể cùng trao đổi với bạn bè để học hỏi lẫn nhau, cùng nhau nắm chắc kiến thức bài học.

Về ôn tập kiến thức

Ở chương trình lớp 12, các bài học đều liên quan mật thiết đến nhau, học sinh đều phải ôn tập, hệ thống kiến thức cơ bản. Cụ thể 3 bài đầu gồm: Pháp luật và đời sống; Thực hiện pháp luật; Công dân bình đẳng trước pháp luật được cô đúc lại giống như phần pháp luật đại cương, còn những bài sau là cụ thể hóa phần đại cương.

Ở phần này, học sinh nắm chắc kiến thức: Sử dụng pháp luật; Thực hiện pháp luật; Áp dụng pháp luật, tuân thủ pháp luật. Hiểu được: Sử dụng pháp luật là quyền của công dân; Thực hiện pháp luật là nghĩa vụ của công dân; Tuân thủ pháp luật là không được làm những việc pháp luật cấm; Áp dụng pháp luật là các cơ quan có thẩm quyền, xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Phân biệt được 4 vấn đề này mới có thể trả lời các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến phần bài học.

Học sinh đặc biệt lưu ý: Cần nắm chắc và hiểu rõ về bài số 6 - Quyền tự do cơ bản công dân và bài số 7 - Công dân với các quyền dân chủ. Đây là hai phần kiến thức khác nhau nhưng một số em vẫn bị lẫn lộn khi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm do chưa nắm vững kiến thức cơ bản.

Ở bài số 6 - Công dân với các quyền tự do cơ bản: quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân; quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân; quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín; quyền tự do ngôn luận.

Còn ở bài số 7 - Công dân với các quyền dân chủ, đó là quyền ứng cử, bầu cử, quyền tham gia quản lý nhà nước, quyền khiếu nại tố cáo. Ở mỗi phần kiến thức, học sinh nên làm thêm một số câu hỏi liên quan để quen dần với cách đặt câu hỏi của thi trắc nghiệm.

Ở chương trình lớp 11, căn cứ vào đề minh họa có thể thấy có 4 câu liên quan về các quy luật kinh tế cơ bản: quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, hàng hóa, tiền tệ. Các em tập trung ôn tập các kiến thức cơ bản để trả lời câu hỏi trắc nghiệm. Các bài học đều có sự liên hệ xâu chuỗi với nhau nên tránh học tủ, học vẹt mà phải hiểu vấn đề.

Trong đề thi, ngoài các câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản còn có các câu hỏi vận dụng, nhằm phân hóa học sinh, thường rơi vào 5 câu hỏi cuối đề thi. Đây là phần vận dụng cao các kiến thức đã học vào thực tiễn, nên ngoài học các kiến thức cơ bản của SGK, học sinh cần có thói quen đọc sách báo, xem thời sự trên đài truyền hình.

Phần Dựng lại tình huống, các phiên tòa giả định được chiếu cũng rất bổ ích, qua đó có những tình huống học sinh xem, nghe và liên hệ thực tiễn tới bài học của mình để trả lời các câu hỏi về tình huống. đề thi có thể đề cập đến tình huống: hai em học sinh A và B có xích mích trong giờ ra chơi, em B lên mạng xã hội Facebook nói xấu biêu riếu A, bịa đặt những chuyện không có…, hoặc tình huống xả rác thải nhà máy dệt gây ô nhiễm nguồn nước, tình huống sử dụng bằng giả, vay nặng lãi, say rượu trong giờ làm việc, v.v…

Về làm bài thi

Căn cứ vào đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đưa ra, có thể thấy đề có 40 câu với lượng thời gian 50 phút làm bài. Nếu học sinh học kỹ, hiểu kỹ thì thời gian làm bài khoảng 40-45 phút là xong. Học sinh có thể dành một ít thời gian còn lại để dò bài trước khi nộp cho thầy cô thì với lượng thời gian 50 phút là đủ. Đề minh họa 40 câu trắc nghiệm là vừa phải đối với học sinh. Câu hỏi trong đề thi dàn trải trong chương trình lớp 12, trong đó có 4 câu kiến thức của lớp 11, như vậy, nếu nắm chắc nội dung bài học, các em có thể có điểm khá trở lên.

Để đạt điểm cao, các em cũng nên có những tập dượt, bằng cách làm một số đề thi cho thuần thục.

Có thể thấy, môn GDCD không khó, tất cả đều là những vấn đề gần gũi và thiết thực trong cuộc sống hằng ngày và mọi người cần phải rèn luyện trong mọi lĩnh vực, trong mọi hoàn cảnh. Liên hệ bản thân trong mỗi bài học, từ đó từng bước tự hoàn thiện mình trở thành công dân gương mẫu và vận dụng điều đó đưa vào bài làm, giúp bài thi đạt kết quả tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ