Ôn tập thế nào để làm tốt bài thi Lịch sử vào lớp 10

GD&TĐ - Lịch sử vừa được xác định là môn thi thứ tư trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 của Hà Nội. Cùng trao đổi với cô Nguyễn Thị Thục Anh - Giáo viên môn Lịch sử - trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) để hiểu tâm lý, tâm thế đón nhận và chuẩn bị ôn tập của giáo viên, học sinh giai đoạn nước rút.

Cô giáo Nguyễn Thị Thục Anh trong giờ dạy
Cô giáo Nguyễn Thị Thục Anh trong giờ dạy

Học chủ động, không ngại môn thi

Theo chia sẻ của cô Thục Anh, về tâm lý, từ đầu năm học, giáo viên (GV) và học sinh (HS) đã nắm bắt được chủ trương đổi mới hình thức tuyển sinh vào lớp 10, sẵn sàng với việc thi 4 môn, đặc biệt là môn thi thứ 4 được bốc thăm.

Vì vậy, việc học đều các môn, nắm kiến thức cơ bản từng môn luôn được chú ý. Khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ 4 là môn Lịch sử, đa phần tâm lí GV và HS không bất ngờ vì đã được chuẩn bị trước, một số người còn vui mừng vì bấy lâu môn Lịch sử bị "bỏ quên" thì nay đã được chú trọng.

Tuy nhiên, một bộ phận phụ huynh và học sinh cho rằng, Lịch sử là môn học thuộc lòng, kiến thức nhiều, nhiều mốc thời gian và sự kiện nên có cảm giác sợ. Một số học sinh còn lười học, lười tư duy, chưa chủ động nắm bắt kiến thức.

Từ nhiều năm nay, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đã tổ chức thi giữa kì và thi học kì với 4 môn chung cho khối 8 và khối 9 của tất cả các trường trong quận, gồm 3 môn Toán, Văn, Anh và 1 môn thứ 4 bốc thăm, thi theo hình thức trắc nghiệm. Vì vậy, việc dạy và học của các trường trong quận và trường THCS Chu Văn An cũng chủ động đáp ứng được với hình thức thi mới.

Từ đầu năm, BGH trường THCS Chu Văn An đã chỉ đạo các bộ môn chủ động vừa dạy kiến thức cơ bản, vừa định hướng ôn tập cho HS.

Ngay sau khi môn thi thứ 4 được chính thức công bố, nhà trường tiến hành họp GV bộ môn, lên khung chương trình ôn tập gồm 2 phần: phần kiến thức cơ bản và phần nâng cao hơn cho HS khá giỏi. Như vậy, việc ôn tập cho HS sẽ có sự thống nhất, đồng đều. BGH Nhà trường xác định trước hết cần tận dụng thật hiệu quả các giờ dạy chính khóa trên lớp.

Việc ôn tập thêm cần sát đối tượng, những HS học khá, giỏi đã nắm chắc kiến thức cơ bản có thể không cần học ôn, những HS yếu kém cần được hướng dẫn chi tiết, kết hợp chặt chẽ giữa GV-HS-PH. Cách làm này đã tạo tâm thế vững vàng cho giáo viên và học sinh chủ động trong ôn tập và sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng.

Một số lưu ý khi ôn tập hiệu quả môn Lịch sử

"Đón nhận việc thi môn Lịch sử với tâm thế chủ động, thoải mái là yếu tố quan trọng giúp các em ôn tập hiệu quả. Bên cạnh đó, các em cần nắm vững kiến thức cơ bản theo hệ thống các vấn đề. Trong mỗi vấn đề lớn lại chú ý đến từng vấn đề nhỏ hơn nữa. Nhiều vấn đề, sự kiện lịch sử có mối liên hệ với nhau, các em cần chú ý đến sự gắn kết đó.", cô giáo Thục Anh lưu ý học sinh.

Kỳ vọng đề thi năm nay sẽ tạo hứng thú học tập cho HS với môn Lịch sử, không làm các em sợ học Lịch sử, cô giáo Thục Anh bày tỏ mong muốn việc ra đề thi môn Lịch sử sẽ góp phần định hướng cho việc dạy và học các bộ môn khác trong nhà trường.

Để ôn tập hiệu quả, HS nên sơ đồ hóa kiến thức Lịch sử theo hướng: Chương, bài này gồm những vấn đề gì?; Chia nhỏ ra, mỗi vấn đề gồm những nội dung gì?; Mỗi nội dung cần chú ý những sự kiện gì?; Cần lưu ý những sự kiện nổi bật, có vai trò quan trọng...

Lưu ý, khi làm bài thi, các em cần đọc kĩ câu hỏi, chú ý các từ khóa quan trọng để xác định câu hỏi đề cập nội dung gì, tránh trường hợp làm bài sai vì đọc đề vội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ