Ổn định, chu đáo thực hiện nhiệm vụ năm học từ tháng đầu

GD&TĐ - Cả nước đã bước vào năm học mới tròn 10 ngày kể từ lúc tiếng trống khai trường rộn ràng cất lên. Cho đến thời điểm này công tác dạy và học trong nhà trường tại các địa phương đã đi vào ổn định, các tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học trên hầu khắp các lĩnh vực.

Ổn định, chu đáo thực hiện nhiệm vụ năm học từ tháng đầu

Bố trí đủ giáo viên đứng lớp

Hà Giang là tỉnh vùng cao, chịu ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt nhất là vào mùa đông, hàng năm phải cho học sinh nghỉ học nhiều lần để tránh rét. 

Thầy Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang - cho biết: Để chủ động quỹ thời gian dự phòng cho học sinh nghỉ học trong các ngày rét dưới 10 độ C và những biến cố thiên tai, bão lũ có thể xảy ra trong năm, từ trung tuần tháng Tám tỉnh Hà Giang đã cho học sinh tựu trường sớm đối với tiểu học và THCS.

Việc này cũng nhằm để cho các trường PTDTNT, PTDTBT ổn định nền nếp đời sống nội trú đối với học sinh. Nhất là những học sinh đầu cấp, các em phải làm quen với việc lần đầu tiên xa nhà, xa bố mẹ nên cần thời gian cho các em làm quen với đời sống nội trú, với nội quy sinh hoạt trong trường, với thầy cô giáo và các bạn, anh chị lớp lớn cùng phòng.

Có một vấn đề nổi cộm đầu năm học là tuy chỉ tiêu biên chế giáo viên không tăng nhưng quy mô, sĩ số học sinh của một số địa phương trong tỉnh lại tăng lên; Có địa phương như TP Hà Giang tăng thêm khoảng trên 1.000 học sinh ở các cấp học. 

Theo thầy Sử, để giải bài toán bố trí đủ giáo viên cho dạy các lớp học tăng thêm so với năm học trước, tỉnh Hà Giang đã giao quyền tự điều tiết giáo viên cho các địa phương. 

Trên cơ sở cân đối số giáo viên hiện có và số giáo viên đứng lớp tăng thêm, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, địa phương đó phải tăng thêm đối tượng giáo viên hợp đồng.

Kinh phí chi trả địa phương cũng tự điều tiết, tỉnh sẽ bố trí ngân sách bù chi sau khi có báo cáo chi tiết trình lên. Cho đến nay số lượng giáo viên đã được tỉnh Hà Giang bố trí đủ đứng lớp do quy mô học sinh tăng thêm. 

Các công tác khác như xem xét lại cơ sở vật chất, kịp thời tu sửa bàn ghế, sửa chữa nhỏ... đã được Sở GD&ĐT phối hợp với các huyện, thành phố rà soát chuẩn bị chu đáo cho năm học mới từ trong tháng 8.

Quyết tâm đưa HS về trường trung tâm để nâng cao chất lượng GD

Năm học này, tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện Đề án dài hơi của tỉnh: “Chuyển học sinh từ các điểm trường về học tại điểm trường chính”. 

Mục tiêu cụ thể đặt ra cho năm học 2015 – 2016 là thực hiện chuyển toàn bộ 1.188 học sinh của 52 điểm trường về điểm trường chính. Chuyển 7.497 học sinh của 528 điểm trường phải chuyển một phần học sinh về học tại trường chính; sáp nhập từ 23 điểm trường thành 11 điểm trường với 451 học sinh.

Thầy Sử khẳng định: Đề án này là giải pháp để ngành Giáo dục Hà Giang nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh cấp tiểu học. Hạn chế học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, học sinh bỏ học, nghỉ học thất thường. 

Tại trường chính, học sinh được học cả ngày, sinh hoạt tại trường; có điều kiện để tăng cường các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, đảm bảo chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

Cùng với đó, mạng lưới trường, lớp cấp tiểu học được đầu tư, củng cố có điều kiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và tạo cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học cao hơn. 

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, có điều kiện để xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng, tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học góp phần từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

Đảm bảo đủ sách vở cho học sinh

Theo thống kê sơ bộ năm học 2015 - 2016 ngành GD&ĐT Điện Biên hiện có 504 trường với 166.722 học sinh. Theo kế hoạch trong năm học này dự kiến sẽ thành lập mới 29 trường của bậc học mầm non, tiểu học và THCS. 

Để sẵn sàng bước vào năm học mới các trường trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp huy động học sinh ra lớp, duy trì sỹ số học sinh nhằm đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Trước đó, ngành Giáo dục Điện Biên đã phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền địa phương và huy động các nguồn lực từ nhân dân xây dựng phòng học mới, tu sửa phòng học và nhiều hạng mục khác, bổ sung thiết bị, đồ dùng dạy học, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học. 

Tuy nhiên, vấn đề cơ sở vật chất của Điện Biên tiếp tục là khó khăn lớn trong năm học này mà thầy và trò các nhà trường phải khắc phục, vượt qua.

Do năm nay chưa có hướng dẫn mới về hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng học sinh được hưởng, để đảm bảo nguồn SGK và giấy vở phục vụ năm học mới, Sở GD&ĐT Điện Biên đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền rộng rãi tới phụ huynh học sinh chủ động mua giấy vở cho con em khi bước vào năm học mới.

Cùng với đó là giáo viên các nhà trường vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa, sách tham khảo đã qua sử dụng; rà soát số sách giáo khoa hiện có cho học sinh diện chính sách mượn theo thứ tự ưu tiên… 

Đồng thời Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp bổ sung ngân sách mua SGK, giấy vở viết cho học sinh và thư viện trường học. Bước vào năm học mới, học sinh tỉnh Điện Biên đến trường cơ bản có đủ sách giáo khoa và giấy vở viết.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó

Trước thềm năm học mới, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các huyện, thành phố chuẩn bị tốt nhất các công tác cho năm học mới diễn ra thuận lợi. Đến nay các trường học trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đi vào nề nếp học tập ổn định. 

Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo bậc học mầm non tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; tăng cường hoạt động vui chơi và các hoạt động trải nghiệm, khám phá của trẻ; Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số.

Ở bậc trung học, ngay từ đầu năm các trường tiếp tục tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số như: dạy học theo tài liệu TV1 - CNGD, triển khai tiếp Mô hình Trường học mới ở lớp 7; Tiếp tục áp dụng các PPDH, kĩ thuật dạy học tiên tiến, hiệu quả như: Bàn tay nặn bột, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học…

Song song với đó, các trường PTDTNT, PTDTBT tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ngay từ đầu năm, chú trọng giáo dục văn hóa dân tộc, kỹ năng sống, hướng nghiệp cho học sinh dân tộc. 

Năm nay tỉnh thành lập 4 trường PTDTNT THCS&THPT trên cơ sở nâng cấp trường phổ thông DTNT huyện. Đồng thời Sở GD&ĐT đang thí điểm 2 trường PTDTNT xây dựng mô hình trường học gắn với hướng nghiệp, dạy nghề.

Tỉnh cũng đang tập trung đầu tư xây dựng trường chất lượng cao, trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (nhất là các trường học thuộc 17 xã phấn đấu hoàn thành nông thôn mới năm 2015), nhằm tạo điều kiện chuyển biến mạnh chất lượng giáo dục, tăng hiệu quả giáo dục. Đặc biệt chú trọng đầu tư cho trường học vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

Trong năm học này, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện “Đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp đến năm 2020” của tỉnh, quy hoạch mở rộng đất, huy động các nguồn lực để đầu tư, tăng cường điều kiện cho các cơ sở giáo dục theo hướng kiên cố, chuẩn hóa, hiện đại hóa; tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng phòng học, phòng ở công vụ giáo viên, phòng ở cho học sinh bán trú; các trường PTDTBT có đủ nước, công trình vệ sinh, nhà bán trú, bếp ăn, các điều kiện hoạt động văn hóa, thể dục thể thao...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ