Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, ngày 24/5. Ảnh: Reuters. |
"Chúng ta xây dựng thông lệ chung rằng tất cả quốc gia đều là quốc gia có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ thì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vẫn phải được tôn trọng. Các nước lớn không được ức hiếp nước nhỏ hơn. Tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình", Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết trong bài phát biểu trước 2.000 sinh viên, trí thức và doanh nhân Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Ông cho biết tại Biển Đông, Mỹ không phải là một bên có tranh chấp nhưng sẽ "sát cánh cùng các đối tác thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không, tự do thương mại không bị cản trở" và "mọi tranh chấp phải được giải quyết qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Tàu chiến Mỹ USS William P. Lawrence hôm 10/5 đã đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm "thách thức những tuyên bố quá đáng trên biển của một số bên" ở Biển Đông, nơi Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng các công trình có thể phục vụ cho mục đích quân sự.
"Mỹ sẽ tiếp tục bay, giương buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Và Mỹ ủng hộ các quốc gia khác thực hiện quyền này", Tổng thống Obama tuyên bố.
Tổng thống Obama cho rằng Việt Nam và Mỹ phải nỗ lực đảm bảo an ninh chung. "Hai bên đã nhất trí xây dựng niềm tin, tiếp tục công tác đào tạo, cung cấp thiết bị cho cảnh sát biển, năng lực bảo vệ hàng hải cũng như cứu trợ nhân đạo trong thiên tai."
"Tôi đã tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hoàn toàn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh. Chúng tôi muốn thể hiện rõ Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam".
Theo Tổng thống Mỹ Obama, dù sắp hết nhiệm kỳ, ông vẫn mong muốn đóng góp nhiều hơn cho quan hệ hai nước. Ông nhắc đến lịch sử mối quan hệ giữa người Việt và người Mỹ "có thể bị bỏ quên" bắt đầu từ 200 trước, khi Thomas Jefferson, một trong những người lập quốc Mỹ, đi tìm kiếm giống lúa gạo và đã đến Việt Nam. Tiếp đó, những con thuyền đã đến Việt Nam buôn bán. Trong thế chiến II, người Mỹ từng tới hỗ trợ cuộc kháng chiến của Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Obama cho biết ông ủng hộ mạnh mẽ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bởi nó giúp Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm hàng hóa ra thế giới.
"Điều này sẽ giúp Việt Nam không phụ thuộc vào một đối tác thương mại duy nhất", ông Obama nhận định.