Điều này nhằm làm tăng sự hiện diện của Mỹ, kết hợp các lực lượng địa phương ở Syria để chiến đấu với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các quan chức Mỹ cho biết.
Việc triển khai này sẽ tăng số lượng lính Mỹ ở Syria lên con số 300. Mục đích được đưa ra là nhằm tăng cường chống lại Nhà nước Hồi giáo, củng cố niềm tin về khả năng của lực lượng Mỹ hậu thuẫn bên trong lãnh thổ Syria và Iraq, tiến tới giành lại lãnh thổ.
Ông Obama sẽ giải thích về quyết định của mình trong một bài phát biểu vào sáng nay tại Hanover. Tại đây, ông đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào hôm 24-4. Họ sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu quan trọng khác sau bài phát biểu của ông Obama.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong lễ khai mạc Hội chợ Hannover Messe ở Hanover (Đức) vào hôm 24-4.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang thể hiện là một mối đe dọa lớn sau khi chiếm giữ các TP lớn như Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria, đồng thời thừa nhận gây ra các vụ khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái và Brussels vào tháng 3.
Mặc dù Obama không đồng tình việc đưa quân đội Mỹ vào Syria nhưng ông đã đưa 50 lính đặc nhiệm Mỹ vào Syria vào năm ngoái. Các quan chức Mỹ gọi đó là một nhiệm vụ “chống khủng bố”, thay vì cho rằng đây là nỗ lực mở rộng quy mô chiến tranh. Quyết định gia tăng quân số của ông được xác nhận chính thức từ hôm 1-4.
Ông Obama đã cam kết sẽ giảm dần các cuộc chiến tranh ở Trung Đông khi ông được bầu làm tổng thống lần đầu tiên vào năm 2008. Tuy nhiên, vào “hoàng hôn” nhiệm kỳ của mình, ông đã cho rằng việc giữ nguyên hoặc đưa thêm quân để giải quyết các cuộc xung đột ở Iraq, Syria và Afghanistan là cần thiết.
Ông Obama sẽ sớm kết thúc chuyến công du quốc tế dài sáu ngày của mình. Hành trình xuất phát từ Riyadh, nơi ông đã hội đàm với các quốc vương vùng Ả Rập, lo ngại rằng cam kết của Washington với Trung Đông đã bị giảm bớt. Sau cuộc gặp mặt, ông Obama đã né tránh câu hỏi về khả năng bổ sung lực lượng đặc biệt ở Syria. Ông nói rằng “không có lựa chọn nào là tốt” nếu các cuộc đàm phán chính trị để chấm dứt nội chiến thất bại.