Tắc đường “chôn chân” ở Hà Nội, ô tô báo tốn hơn 50 lít xăng cho 100 km

GD&TĐ - Cơn mưa chiều 16/11 khiến nhiều người chật vật di chuyển trên các tuyến phố Hà Nội, các phương tiện ùn ứ và trong tình trạng kẹt xe thì mức tiêu thụ nhiên liệu của ô tô báo cao ở mức đột biến.

Ô tô báo tốn hơn 50 lít xăng cho 100 km
Ô tô báo tốn hơn 50 lít xăng cho 100 km

Anh Trần Minh, một người sử dụng Hyundai Tucson, “khoe” trong nhóm với những người cùng đi dòng xe này khi mức xăng trung bình hiển thị lên mức 35 lít/100 km. “Cảm giác ngồi 3 giờ trong xe để đi hơn 14km, ôi đường Hà Nội trời mưa”, anh chia sẻ về hành trình của mình chiều tối qua (16/11).

Một chiếc xe báo mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình lên đến 50,5 lít cho 100 km
Một chiếc xe báo mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình lên đến 50,5 lít cho 100 km

Trong khi đó chị Đỗ Thu Hằng làm việc tại Cầu Giấy, Hà Nội, xem trên đồng hồ của xe thì thấy báo mức nhiên liệu trung bình là 42,3 lít cho 100km, sau khi mất 35 phút mà chỉ đi được 1,6 km. Tiếp tục “chôn chân”, đồng hồ nhảy lên mức 50,5 lít cho 100 km vì xe nổ máy nhưng gần như không thể di chuyển.

Dù đã tiên lượng được tình hình, nấn ná nghe ngóng tới 19h30 chị Minh ở Lê Văn Lương mới bắt đầu hòa vào dòng xe để di chuyển từ Học viện âm nhạc Quốc gia về nhà. Vậy nhưng đoạn được chỉ vài cây số kéo dài hơn 1h đồng hồ. "Xe đi được nửa đường thì đèn nhiên liệu bật sáng. Lúc này tôi hoang mang chỉ sợ hết xăng giữa đường thì không biết phải làm thế nào. Cũng may cuối cùng cũng về được tới nhà mà xe vẫn còn xăng. Kinh nghiệm lần tới đi ra đường lúc cao điểm xe phải đổ đầy nhiên liệu", chị Minh chia sẻ.

Cơn mưa nặng hạt đúng giờ tan tầm chiều tối ngày 16/11 đã khiến người dân Hà Nội vất vả trong nhiều công việc sinh hoạt, đặc biệt là đi lại. Các “điểm nóng” như Ngã Tư Sở, Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương… không chỉ tắc cục bộ mà kéo dài hơn ngày thường rất nhiều.

Do mất cả tiếng đồng hồ để di chuyển vài km nên thông báo mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình trên ô tô tăng vọt.

“Thực ra xăng cộ là chuyện nhỏ, lãng phí nhất là thời gian và khiến nhịp sinh hoạt bị đảo lộn”, anh Lê Văn Nam sống tại Văn Quán, Hà Đông nói. “Tắc đường ai cũng khổ, song dù sao mình cũng tránh được mưa lạnh, đỡ hơn những người đi xe máy”. 

Tắc đường trở thành "đặc sản" của Hà Nội khi trời mưa
Tắc đường trở thành "đặc sản" của Hà Nội khi trời mưa

Anh Nam cho rằng trời mưa khiến Hà Nội tắc đường hơn vì nhiều nguyên nhân. Trong đó phải kể đến lượng ô tô đổ ra nhiều, ai cũng có tâm lý vội vàng để rồi không nhường nhau hay thậm chí vi phạm luật giao thông. Còn bởi những người dừng đỗ để mặc áo mưa, ô tô lấn hết làn của xe máy, xuất hiện vũng nước khiến lòng đường bị thu hẹp… 

“Trước khi di chuyển, tôi thường mở ứng dụng Google Maps để xem chặng mình đi có tắc bất thường không, từ đó lên phương án di chuyển hợp lý”, anh Nguyễn Đức Toàn, một lập trình viên ở Duy Tân (Hà Nội), chia sẻ. “Ứng dụng cập nhật theo thời gian thực và ước tính thời gian khá chính xác”.

Trong khi đó, chị Lã Thu Quỳnh ở Đống Đa lại chủ động tránh giờ tắc đường. “Từ chiều, tôi đã nhờ ông bà giúp đón cháu sớm. Phần mình ở lại muộn hơn thường ngày một tiếng để làm tăng ca, lại tránh được tình cảnh chôn chân vì đã nhiều lần ra đường xong chỉ ước trở lại văn phòng”. 

“Chúng tôi đi xe máy, có áo mưa đấy nhưng cũng gần như ướt hết, trời thì rất lạnh. Mong các bạn đi ô tô hãy nhường cho chúng tôi một làn xe để di chuyển”, một thành viên chia sẻ trong nhóm về giao thông.

Bạn có gặp các tình huống tắc đường tương tự, muốn chia sẻ về văn hóa giao thông, xin để lại ý kiến trong phần bình luận bên dưới.

Theo Dân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.