Ô tô nội vẫn loay hoay tìm hướng đi

GD&TĐ - Theo lộ trình cắt giảm thuế theo Hiệp định AFTA, từ năm 2018, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế suất thuế NK đối với xe nguyên chiếc về 0%. 

Ô tô nội vẫn loay hoay  tìm hướng đi

Điều này có thực sự giúp ngành ô tô “tăng trưởng tốt” khi tỷ lệ nội địa hóa trong ngành này còn quá thấp. Vậy lối thoát nào thực sự hiệu quả để cứu nguy cho ô tô nội khi phải vừa đáp ứng nhu cầu mua ô tô giá rẻ của người dân, vừa phát triển của ngành công nghiệp này.

Những thách thức

Dự báo của các chuyên gia, khả năng bùng nổ thị trường ô tô của Việt Nam sẽ diễn ra vào năm 2020 – 2025. Khi đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ tăng lên và sản xuất nội địa nếu không đáp ứng nổi sẽ phải nhập khẩu và sẽ không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu khi có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ sở sản xuất, lắp ráp từ châu Âu, châu Mỹ sang châu Á.

Dự báo là vậy nhưng thực tế thị trường ô tô tại Việt Nam hiện nay ra sao? Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2017, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc là 42.000 ô tô nguyên chiếc, với trị giá 850 triệu USD, tăng 3,2% về lượng nhưng giảm đến 12,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Nếu tính hết các loại ôtô, 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 2,2 tỷ USD nhập khẩu ôtô các loại, giảm 4% so với cùng kỳ.

Điểm đáng lưu ý là giá xe nhập khẩu(chưa bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng…) ở mức 260 triệu đồng/chiếc, giảm 150 triệu đồng, trong đó ô tô con có giá khai báo trung bình 193 triệu đồng/chiếc. Xu hướng này được cho là diễn ra từ nửa cuối năm 2016 khi thị trường nhập khẩu ô tô trong nước bị tác động mạnh mẽ bởi những thay đổi chính sách về thuế, nhập khẩu xe cũng như tác động từ Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA).

Về áp lực cắt giảm thuế đối ô tô nhập khẩu, theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ô tô chỉ cam kết cắt giảm thuế trong ATIGA và Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác thuộc Danh mục loại trừ. Trong ATIGA, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ về 0% năm 2018; trong khi ACFTA, thuế nhập khẩu sẽ về 50% vào năm 2020. Theo Cục này, trong ASEAN, các quốc gia như Thái Lan và Indonesia có ngành ô tô rất phát triển. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành sản xuất ô tô của Việt Nam. Khả năng nhập khẩu các mặt hàng ô tô và linh kiện sẽ tăng trong các năm tới.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vừa có thể yên tâm phát triển vừa đối phó được với ô tô nhập khẩu giá rẻ đến từ các quốc gia trong khu vực? Bởi Việt Nam có nguy cơ bị rơi vào tình cảnh tương tự Philippines khi thị trường chưa phát triển, chính sách không rõ ràng, nhất quán, khiến các nhà sản xuất lắp ráp rút khỏi thị trường và chuyển sang nhập khẩu ô tô.

Làm gì để bảo vệ thị trường?

Chính thông tin gần đây từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết nhiều hãng ô tô Nhật có thể rút khỏi Việt Nam vì thực tế, công nghiệp hỗ trợ ở đây chưa phát triển cộng với nguyên nhân từ ATIGA.

Nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước đã bảo hộ cho ngành ô tô nội địa quá nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn “không chịu” nội địa hóa. Việt Nam muốn làm ô tô phải có lợi thế về quy mô (thị trường phải đủ lớn, có thể là thị trường trong nước và nước ngoài); phải có tính sản xuất phân khúc rất cao, theo mạng sản xuất chuỗi giá trị. Với thực tế trước mắt, chúng ta chỉ cần làm một bộ phận nào đó rồi chuyển sang lắp ráp. Nội địa hoá 100% giờ không còn phù hợp, thay vào đó, nên hình thành chuỗi cung ứng.

Dưới góc nhìn của một chủ doanh nghiệp đứng đầu ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay, đại diện công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng: Quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô ở các nước trên thế giới từ trước đến nay là bảo vệ thị trường hợp lý để được chuyển giao công nghệ và bắt đầu từ lắp ráp, từ đó phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện – phụ tùng, gia tăng tỷ lệ nội địa hoá cho sản phẩm ô tô. Bởi chỉ có sự phát triển công nghiệp phụ trợ với tỷ lệ nội địa hoá cao mới mang lại giá trị cho xã hội và nền kinh tế.

Tại cuộc họp với các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam mới đây để bàn về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam với mục tiêu duy trì sản xuất lắp ráp trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trong đó sẽ hỗ trợ thị trường bằng các hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại như khai báo thuế; đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu; hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn linh kiện, phụ tùng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.