Ô tô nội muốn được “giải cứu”

Ô tô nội muốn được “giải cứu”

Ế ẩm vì dịch bệnh

Theo số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ngành sản xuất xe có động cơ trong quý I bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành này giảm 2,5%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trên 17%. Ba tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu linh, phụ kiện ngành ô tô đạt gần 910 triệu USD, giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ 2019. 

Sản lượng xe sản xuất theo đó cũng giảm 10,4%, với 56.200 chiếc. Lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tồn kho tăng tới 122,5% so với cùng kỳ năm 2019. Dữ liệu này cho thấy, tiêu thụ ô tô đang gặp nhiều khó khăn do sức mua trong nước sụt giảm những tháng đầu năm. Theo dự báo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với trước đây.

Hầu hết doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn như Thành Công, VinFast, Toyota, Honda, Mercedes... vừa qua phải dừng sản xuất 15 ngày theo chỉ đạo cách ly của Chính phủ, địa phương. Các đại lý bán hàng theo đó cũng tạm đóng để bảo đảm phòng dịch bệnh. Sau nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp ô tô, đại lý đã hoạt động trở lại nhưng công suất sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở mức thấp do lượng tồn kho cao. Trong khi xe sản xuất lắp ráp trong nước tiêu thụ chậm, ế ẩm thì xe nhập cũng “tắc đường” vì Covid-19.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, khoảng 33.000 ô tô nguyên chiếc các loại được nhập về trong 4 tháng đầu năm, giảm hơn 30% với cùng kỳ 2019. Riêng tháng 4, lượng xe nhập về khoảng 6.000 chiếc, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Số xe nhập giảm chủ yếu từ thị trường Nhật, Thái Lan, Indonesia... do các đơn hàng bị huỷ bỏ vì Covid-19.

Trao đổi với Báo GD&TĐ ngày 4/5, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Honda Việt Nam Nguyễn Xuân Minh cho biết, do dịch bệnh Covid-19, một số nước cung cấp phụ tùng đóng biên giới, phong tỏa đất nước nên các cơ sở nhà máy cung cấp phụ tùng cũng tạm dừng sản xuất, ví dụ như nhà máy ở Malaysia nghỉ đến 28/4 hoặc Ấn Độ nghỉ đến 3/5. 

Honda Việt nam và các nhà cung ứng linh phụ kiện trong chuỗi giá trị có nguy cơ bị thiếu linh kiện, phụ tùng dẫn đến giảm sản lượng. Trong khi đó, các đại lý tạm dừng kinh doanh thực hiện theo chỉ thị giãn cách xã hội của Chính phủ dẫn đến giảm sản lượng bán hàng. Như vậy, thị trường ô tô suy giảm và có thể kéo dài sang các năm tiếp theo, công ty sẽ khó có thể khôi phục lại sản xuất như kế hoạch đề ra.

Cách nào giải cứu?

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Minh kiến nghị Chính phủ nên thông qua chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ và 50% thuế giá trị gia tăng cho khách hàng mua xe ô tô. Cùng với đó, hoãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả xe ô tô nội và ô tô nhập khẩu. Cùng với đó, Bộ GTVT chấp nhận kết quả đánh giá COP hoặc chứng chỉ ISO 9001 được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài còn hiệu lực để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận chất lượng cho xe và linh kiện nhập khẩu. 

Sau thời gian hết dịch thì doanh nghiệp tổ chức cam kết đi đánh giá COP theo đúng quy định. Về miễn thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng để sản xuất xe trong nước theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP, Honda Việt Nam đề xuất giảm yêu cầu sản lượng riêng, sản lượng chung tối thiểu trong năm 2020 và có thể xem xét hỗ trợ trong cả năm 2021 vì ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh.

Để “giải cứu” các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, Cục Công nghiệp một lần nữa kiến nghị sớm thông qua Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, cơ quan này đề xuất Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi quy định thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước theo hướng ưu đãi tỷ lệ sản xuất nội địa. 

Cơ quan này cũng kiến nghị sớm hoàn thuế nhằm giúp doanh nghiệp có thêm vốn tích luỹ... Theo đó, đầu tháng 4, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, kiến nghị cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết quý I/2021.

Trước đó, VAMA cũng đề xuất Chính phủ giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô để kích cầu tiêu dùng. Theo VAMA, hoạt động cung ứng linh kiện, vật tư và sản xuất nói chung đến nay về cơ bản việc vẫn tạm thời được duy trì. Tuy nhiên, thời gian tới, dự báo sẽ có nhiều nhà sản xuất linh kiện và nhà sản xuất xe bị ảnh hưởng trực tiếp do nhiều nước đã phong tỏa một hay nhiều khu vực, thậm chí cả quốc gia để đối phó với dịch Covid-19.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với đề xuất giảm thuế với động cơ, hộp số về 0% đến 2025, mức tương đương cam kết tại Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA). Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được đồng tình từ phía Bộ Tài chính.

Theo Bộ Tài chính, quy định về thuế hiện hành đã đủ khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nên không cần thiết phải tăng ưu đãi thuế. Thuế suất ưu đãi đặc biệt của các dòng hàng động cơ và hộp số ô tô tại ATIGA là 0%, trong Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Còn tại Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) mức thuế suất ưu đãi lần lượt là 0%; 4,2%; 13,3%; 18%; 20% tại năm 2019. 

Các mức ưu đãi hiện nay bằng hoặc thấp hơn so với thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) 2018. Như vậy, nếu điều chỉnh thuế suất trong AKFTA và VKFTA đang ở mức bằng hoặc thấp hơn MFN 7 - 25% về mức tương đương với cam kết ATIGA (0%) sẽ đẩy nhanh cam kết trong 2 hiệp định nói trên, đồng thời có thể gây ra chuyển hướng thương mại tới các nước được hưởng thuế suất ưu đãi của hiệp định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ