- Ở đời nhiều khi người ta được sướng mà không biết sướng cho sớm.
Vợ tôi rút ra kết luận như vậy từ ngày thuê ô sin. Thực ra gọi ô sin là quen miệng bắt chước người ta thôi, chứ chúng tôi coi cô như em út trong nhà vậy.
Vợ tôi hầu như không phải sờ mó gì vào việc quét dọn, giặt dũ, nấu nướng nữa. Thời gian trước kia phải dành vào việc nội trợ ấy thì giờ đây vợ tôi dành để tập thể hình, đắp mặt nạ, đi sop ping...
Được một năm thì cô ô sin nhà tôi xin nghỉ việc. Vợ tôi cuống cuồng thuyết phục cô ấy ở lại. Sau một hồi nghe vợ tôi dỗ dành, động viên, cô ô sin đồng ý ở lại với một điều kiện: Cô ấy phải được làm việc riêng trong những lúc rảnh rỗi. Vợ tôi nói:
- Em muốn làm gì cũng được, miễn là em hoàn thành tốt việc nhà như vừa rồi là được.
Việc đầu tiên làm trong lúc rảnh rỗi của cô ô sin nhà tôi là thêu tranh. Cô thêu khéo và nhanh lắm, khi bức tranh đầu tiên của cô hoàn thành, vợ tôi hỏi cô định gửi về quê hay làm gì, cô bảo để bán. Thế là vợ tôi mua mở hàng luôn.
Nhà tôi mặt tiền quay ra phố, cô bảo không buôn bán gì phí quá, thế là cô mua dưa, cà về muối bày bán. Rồi cô lại còn ngâm giá sạch để bán nữa chứ.
Có hôm cô mua cả rổ cà về ngồi nhặt cuống, thấy mẹ tôi ngồi xem ti vi, cô nói:
- Bà vừa xem vừa nhặt giúp cháu cho vui tay.
Bữa ấy nhà tôi được ăn cà miễn phí (!)
Có hôm cô đang làm cơm trong bếp thì trời đổ mưa, cô nói vọng ra nhà ngoài:
- Bà chạy giúp cháu mấy sảo dưa đang phơi ở sân với.
Mẹ tôi lại tất tả chạy ra bê mấy sảo dưa vào.
Hai đứa con tôi cũng được cô dạy cho cách quét nhà, lau cầu thang, tự gập quần áo... Cô bảo:
- Trẻ con phải tập cho chúng biết lao động, chứ cái gì cũng có người làm cho, thì sau này lười nhác, chả biết làm gì, động đến cái gì cũng ngại, hỏng người ra.
Một hôm cô nghe điện thoại xong thì nói với vợ tôi:
- Bạn cô muốn ăn giá sạch của cháu, cô mang giúp cháu đến nhà cô ấy nhé, cô ấy vừa gọi điện bảo thế.
Vợ tôi nửa đùa nửa thật nói:
- Chị định biến tôi thành người đưa hàng cho chị chắc?
- Cô cứ nói thế phải tội cháu chết, cứ coi như cô đi chợ giúp bạn cô một lần đi.
Dạo này cô ô sin nhà tôi không thêu tranh nữa vì tranh còn ế nhiều. Cô chuyển sang làm hoa giấy. Cứ tối đến là cô giở ra cắt cắt, dán dán. Thấy hay hay, mẹ tôi cũng xếp, gấp hộ cô. Cô bảo:
- Bà chịu khó làm, mỗi tối cháu trả bà mười nghìn.
- Hả!? Vợ tôi thốt lên, nhìn cô ô sin như chưa bao giờ nhìn thấy.
Dạo này vợ tôi có ý quan tâm đến sự "lạm quyền", "soán ngôi" của cô ô sin. Thỉnh thoảng lại đá xoáy tôi:
- Nhìn thái độ ung dung, nhiều khi đến dửng dưng của ông trước sự săn sóc của cô ô sin mà tôi khó tin lắm. Liệu mà giữ bản lĩnh của ông chủ, đừng để cho cô ta "điều" đấy nhé!