Ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Hạn chế các hoạt động ngoài trời

GD&TĐ - Liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho rằng, nhiều thông tin chưa chính xác. Tuy nhiên, không ít đơn vị giáo dục đã lên tiếng cảnh báo và đề nghị phụ huynh, HS tự bảo vệ sức khỏe, đồng thời dừng các hoạt động ngoài trời…  

Người dân dùng nhiều biện pháp bảo hộ vì lo ngại mức độ ô nhiễm không khí.
Người dân dùng nhiều biện pháp bảo hộ vì lo ngại mức độ ô nhiễm không khí.

Thông tin về ô nhiễm không khí chưa khách quan

Những ngày gần đây, thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới khiến người dân Thủ đô không khỏi lo lắng.

Có thời điểm, theo số liệu từ Air Visual, hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 TP trên thế giới ghi nhận Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí AQI ở ngưỡng 170.

Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 1/10, ông Vũ Đăng Định - Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, để biết chính xác chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội, đề nghị tham khảo trên website của UBND TP và Sở TN&MT Hà Nội.

Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại, mong người dân tham khảo, đối chiếu với các trạm quan trắc chính thức. Ông Định cũng cho rằng, đây là thời điểm giao mùa, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm nhiều, gây ra hiện tượng sương mù bao bọc toàn Thủ đô…

UBND TP cũng thông tin chính thức về các nguồn gây ô nhiễm chính. Nguyên nhân gây ô nhiễm được xác định từ 12 nguồn, bao gồm: Khí xả thải từ các phương tiện ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; phá dỡ các công trình xây dựng, xây dựng các công trình; vận chuyển vật liệu xây dựng; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước, các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; do đốt rơm, rác; khói bụi từ các cơ sở sản xuất, do tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa...

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm nặng hiện nay, Hà Nội triển khai các biện pháp quản lý, cải thiện môi trường không khí. Cụ thể, lắp đặt, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm.

Thay đổi việc thu gom rác thải hằng ngày từ thủ công sang toàn bộ bằng máy quét, hút bụi. Xử lý ô nhiễm ao hồ và triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”...

Gia tăng nồng độ bụi mịn

Ngày 1/10, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cũng đã có thông báo về chất lượng không khí tại Hà Nội trong thời gian từ ngày 12/9 - 30/9/2019.

Theo đó, từ nửa tháng 9 đến nay, chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố (1 trạm của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ), 11 trạm của TP Hà Nội và 1 trạm của Sứ quán Mỹ) đo được cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 tăng cao và duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23 - 29/9.

Trong các ngày từ 15 - 17/9 và 23 - 29/9 có đến trên 75% giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm vượt tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT. Đặc biệt, trong các ngày từ 25 - 29/9, toàn bộ các trạm đều có giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT.

Các khoảng thời gian ghi nhận giá trị PM2.5 tăng và duy trì ở mức cao thường là đêm và sáng sớm. AQI giờ những khoảng thời gian này cũng ở mức kém (AQI>100), thậm chí có những giờ lên đến mức xấu (AQI>200).

Đáng chú ý, trong sáng các ngày từ 25 - 30/9 ghi nhận một số trạm AQI giờ đã vượt ngưỡng 200, ở mức xấu. Tuy nhiên, AQI ở mức xấu chỉ có tại 1 số vị trí và có tính thời điểm. Đó là các trạm Hoàn Kiếm, Thành Công, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, Đại sứ quán Mỹ và 556 Nguyễn Văn Cừ, tập trung vào khung 0 - 6 giờ. Trong đó, từ 27 - 30/9 là những ngày có nhiều trạm và nhiều giờ AQI ở mức xấu nhất trong 2 tuần từ 12 - 30/9.

Hạn chế hoạt động ngoài trời?

Trước tình hình ô nhiễm không khí hiện tại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho rằng, HS Thủ đô nên nên tuân thủ khuyến cáo của Bộ TN&MT.

Theo đó, người dân và đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài, người dân cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ chiều 2/10, ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết, đã có biện pháp để chủ động hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe của HS và cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các trường học trên địa bàn.

Phòng GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh trường học và cảnh quan môi trường chung, đáp ứng tiêu chí xanh - sạch - đẹp - an toàn; kiểm soát nguồn rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền tới cha mẹ HS, nhắc nhở HS nếu ra ngoài nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để bảo đảm sức khỏe.

Khuyến cáo HS, GV hạn chế ra ngoài và tham gia các hoạt động ngoài trời, nơi đông người vào các thời điểm có chất lượng không khí kém.

Ngày 2/10, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, trước thực trạng ô nhiễm môi trường một số đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo TP Hà Nội phải có những giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng ô nhiễm, trong đó phải tính đến các giải pháp như di dời các nhà máy khỏi nội đô, hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân, kiểm soát những xe cũ nát, phát triển hệ thống cây xanh... Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp với TP Hà Nội khắc phục tình trạng ô nhiễm hiện nay, bố trí, đặt các trạm quan trắc hợp lý, mang tính đại diện hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.