Ô nhiễm cao su bủa vây trường học

Ô nhiễm cao su bủa vây trường học

Nhiều năm nay, xí nghiệp này bị “tố” gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới nhân dân và học sinh.

Xí nghiệp cao su hành dân

Nhiều năm qua, người dân ngõ 81, An Đà liên tục kiến nghị đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường từ cơ sở sản xuất cao su của Xí nghiệp Phương Viên nhưng không được giải quyết triệt để. Cơ sở sản xuất cao su Phương Viên rộng khoảng 2000m2 nằm xen kẽ trong khu phố chật hẹp, đông đúc. Nó cũng nằm sát Trường Tiểu học Đằng Giang. Xí nghiệp này thường xuyên xả bụi, tiếng ồn khiến sức khỏe của người dân, giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, người dân ở ngõ 81, An Đà cho biết, hơn 20 năm qua, nhà ông Thắng và các hộ dân sống quanh luôn bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của máy móc, bụi bặm của cao su trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm mùa hè, nhiệt độ nóng từ xí nghiệp phả ra, mùi hôi cao su càng khó chịu, nhiều người dân khó thở, buồn nôn.

Bà Trần Thị Hiền, trú tại khu phố An Đà phản ánh, Xí nghiệp Phương Viên gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nay. Người dân khu phố kiến nghị đến chính quyền nhưng vẫn không được xử lý.

Còn bà Hoàng Thị Liên, ngõ 81 An Đà bày tỏ nỗi lo lắng, sống ngay khu sản xuất cao su mùi hôi khó chịu khiến trẻ em người già đều ảnh hưởng đến hô hấp. Nhà ở phố san sát, ngõ đi chung chật hẹp nhưng hễ mở cửa ra là người dân "ăn đủ" mùi. Nhiều nhà quanh xưởng không chịu được đã đóng cửa, chuyển đi nơi khác ở nhờ.

Theo phản ánh của người dân An Đà, phường Đằng Giang, khoảng đầu tháng 6 tình trạng ô nhiễm môi trường càng trở nên nghiêm trọng khi tiếng máy nổ inh tai, mùi hôi khét nồng nặc. Trước tình trạng này, cư dân cùng nhau làm đơn kiến nghị tập thể gửi UBND phường Đằng Giang và các cơ quan chức năng mong muốn được giải quyết.

Ô nhiễm cao su bủa vây trường học ảnh 1
Xí nghiệp sản xuất cao su Phương Viên.

Trường học bị ô nhiễm "bủa vây"

Không chỉ sát vách nhà dân, xưởng sản xuất của Xí nghiệp Phương Viên nằm ngay đối diện với Trường Tiểu học Đằng Giang. Hàng ngày, tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hướng tới việc học tập, sinh hoạt của cán bộ, giáo viên và học sinh của nhà trường. Phụ huynh học sinh cùng Ban giám hiệu nhà trường đã kiến nghị nhiều lần về tình trạng này đến cơ quan chức năng.

Chị Hoàng Thị Hằng, một phụ huynh Trường Tiểu học Đằng Giang cho hay, mỗi lần đưa đón con ở cổng trường mùi hôi khó chịu bốc ra từ nhà xưởng khiến phụ huynh không yên lòng khi gửi gắm con tại trường. Các con ở trường cả ngày mà luôn phải hứng chịu không khí ô nhiễm sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và học tập.

Trao đổi với Báo GD&ĐT, bà Lê Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đằng Giang cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường từ cơ sở sản xuất cao su Phương Viên diễn ra nhiều năm nay. Trước đây, cô hiệu trưởng cũ của trường cũng đã có kiến nghị gửi cơ quan chức năng. Gần đây nhà trường cũng phản ánh đến UBND phường Đằng Giang. Lãnh đạo phường đã mời phía Xí nghiệp, nhà trường và người dân để giải quyết. Tuy công ty hứa sẽ khắc phục ô nhiễm nhưng nguyện vọng của phụ huynh nhà trường trong cuộc họp cuối năm là mong xí nghiệp chuyển đi chỗ khác.

Ông Trần Phương - Phó Chủ tịch UBND phường Đằng Giang cho hay, xí nghiệp cao su Phương Viên đã tồn tại 20 năm trên địa bàn. Gần đây phường nhận được phản ánh của nhân dân và phụ huynh cùng nhà trường về tình trạng ô nhiễm. Lãnh đạo phường cùng các đơn vị chức năng đã xuống kiểm tra. Nguyên nhân do công ty nhập lô hàng kém chất lượng nên gây ra tình trạng ô nhiễm như dân phản ánh. Phía công ty hứa sẽ khắc phục và mong sớm được di dời.

Xung quanh những kiến nghị của người dân, ông Trần Quang Việt – Giám đốc Xí nghiệp Phương Viên cho rằng, sản xuất cao su không tránh khỏi việc phát tán mùi và tiếng ồn. Tuy nhiên, mọi chỉ số đều trong ngưỡng cho phép. Gần đây, do công ty nhập lô hàng kém chất lượng dẫn đến tiếng ồn mạnh nhưng khi phát hiện công ty đã trả lại đối tác và khắc phục.

Ông Việt cho rằng, công ty đồng tình với kiến nghị của nhân dân và mong muốn được di dời ra khỏi khu dân cư tránh tình trạng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ