Ban đầu, tập thể được xây dựng để phân cho cán bộ-công nhân hai cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là: Nhà máy cơ khí công trình và Công ty Vật tư 401.
Với diện tích mỗi căn hộ khoảng 19 - 20 m vuông, có những hộ gia đình phải sinh hoạt với 10 nhân khẩu. "Không bếp. Không vệ sinh khép kín. Đun nấu ngoài hè" ông Trần Duy Hùng, 67 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố số 9 khu C5 tập thể Quỳnh Mai, cho hay.
Theo ông Hùng, khu tập thể thường xuyên bị ngập khi có mưa lớn, tình trạng ẩm dột diễn ra thường xuyên, từ tầng này ngấm qua tầng khác vì hệ thống mái ngói chưa từng được tu sửa kể từ khi xây dựng.
Qua quan sát của phóng viên, các dầm chịu lực tầng 2, 3, 4 đều đã nứt và yếu, tường nhà và trần bong tróc nhiều, nhà vệ sinh chung ẩm thấp, dột nát, trần ngấm nước từ nhà vệ sinh xuống tầng dưới khiến nhiều người phải vừa đi vệ sinh vừa... đội nón. Đặc biệt, mặt bằng tầng 1 lún sâu so với mặt đường tới 2m.
Chị Loan sống ở tầng trệt khu C5 chia sẻ: Mỗi khi trời mưa lớn chị và gia đình phải chịu cảnh nước ngập vào nhà. Căn nhà chị đang ở cũng phải cải tạo nhiều lần nếu không nguy cơ sụt lún rất cao
Diện tích nhỏ, nhà lại đông người, việc người dân cơi nới thêm khu sinh hoạt là điều khó tránh khỏi. Bà Hoa 61 tuổi, người dân khu C5 với 7 thành viên trong căn hộ 19m vuông đã tự cơi nới thêm diện tích sinh hoạt của gia đình thêm 20m vuông. Phần diện tích cơi nới thuộc khoảng không của khu tập thể.
Tháng 11/2008, người dân khu tập thể C5 đã làm đơn gửi lên Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội; Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình xuống cấp của khu nhà. Tới nay, hiện trạng của khu tập thể C5 Quỳnh Mai vẫn chưa có sự thay đổi.
Đầu tháng 2/2015, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã đưa ra bản khảo sát cải tạo xây dựng lại khu tập thể Quỳnh Mai. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng giải quyết cải tạo, người dân khu tập thể C5 vẫn hàng ngày vẫn phải đối mặt với những hiểm nguy ngay tại nơi sống của mình.