Nút thắt cần tháo gỡ trong bảo hiểm nông nghiệp

GD&TĐ - Nhằm giảm thiệt hại, rủi ro cho sản xuất nông nghiệp, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 315/2011/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. 

Nút thắt cần tháo gỡ trong bảo hiểm nông nghiệp

Tuy nhiên, đến nay, bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa đủ sức hút, nông dân không tha thiết, doanh nghiệp bảo hiểm cũng chưa mấy nhiệt tình tham gia. Nguyên nhân được xác định là những bất cập chưa được tháo gỡ, giải quyết như phí bảo hiểm cao, thủ tục xác minh thiệt hại rườm rà...

Quá nhiều vướng mắc

Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có từ năm 2011, nhưng đến cuối năm 2012, đầu năm 2013, hoạt động này mới được triển khai tích cực sau khi các bộ, ngành ban hành Thông tư hướng dẫn.

Theo thống kê của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến giữa năm 2016, cả nước có 304.017 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp, quá khiêm tốn so với tổng số 11 triệu hộ nông dân trên cả nước. Giá trị được bảo hiểm là 7.747 tỷ đồng, trong đó giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm vật nuôi là 2.713 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm thủy sản là 2.883 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm chỉ đạt 394 tỷ đồng nhưng số tiền bồi thường bảo hiểm lên tới 712,9 tỷ đồng. Trong số các hộ tham gia bảo hiểm nông nghiệp đến 91,9% là hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% hoặc 75% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Lý giải về điều này, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, quy mô sản xuất nông nghiệp ở nước ta phần lớn là nhỏ lẻ nên đã ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động bảo hiểm nông nghiệp. Trong khi tại nhiều nước trên thế giới, nông dân thường tham gia bảo hiểm cho diện tích sản xuất từ 100ha trở lên; đối với vật nuôi cũng từ vài nghìn con thì ở Việt Nam, nông dân tham gia bảo hiểm chỉ với chục con bò, vài chục con lợn hay vài héc ta cây trồng, vật nuôi, thủy sản... Chính quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy trình khép kín, rủi ro cao khiến các doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp thua lỗ, không còn mặn mà với chương trình.

Ngoài ra, việc xác định đối tượng được bảo hiểm cũng như quá trình xác định nhóm dịch bệnh để được hưởng bảo hiểm còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt, trong bảo hiểm thủy sản, hoạt động nuôi thả, lấy mẫu xét nghiệm bệnh yêu cầu phải có sự tham gia nhiều bên liên quan trong khi lực lượng cán bộ chuyên ngành bảo hiểm tại cơ sở hạn chế. Việc nông dân phải đợi lấy mẫu, kết luận rồi mới được tiến hành các bước tiếp theo để nhận chi trả bảo hiểm khiến các hộ tham gia bảo hiểm thấy nản.

Cần có chính sách đặc thù

Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), với một quốc gia sản xuất nông nghiệp, việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn, nhằm giảm thiệt hại, rủi ro cho nông dân. Ngoài ra, tham gia bảo hiểm nông nghiệp còn giúp nông dân hình thành thói quen, tư duy sản xuất khoa học theo quy trình, quy chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để chương trình bảo hiểm nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ và thu hút nông dân, cần có chính sách đặc thù cho các công ty bảo hiểm...

Về vấn đề này, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, Nhà nước và các bộ, ngành cần xây dựng quy trình về chính sách, đối tượng, hệ thống giá bảo hiểm hợp lý. Việc thiết kế chính sách, khung giá cần phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Mặt khác, Nhà nước cũng nên xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia lĩnh vực này chứ không chỉ riêng các công ty bảo hiểm.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo chuỗi, thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng sản xuất hàng hóa. Khi quy mô sản xuất lớn, chất lượng bảo đảm, giá trị cao... tất yếu sẽ nảy sinh nhu cầu về bảo hiểm nông nghiệp. Lúc đó, bảo hiểm nông nghiệp chính là mối quan hệ hai chiều với bản chất “đôi bên cùng có lợi” giữa công ty bảo hiểm và đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp.

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ, đề nghị xây dựng Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó nổi bật là việc ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo. Nếu được Chính phủ thông qua, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư cùng xây dựng Nghị định theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật 2015, dự kiến trình Chính phủ thông qua vào quý II - 2017, bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2018.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.