Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ bằng ước mơ

GD&TĐ - Trẻ nhỏ luôn có trí tưởng tượng bay bổng và sự hồn nhiên nên thường có nhiều ước mơ. Thế nhưng, nhiều phụ huynh thay vì định hướng ước mơ cho con lại thường phá hỏng hoặc vùi dập ước mơ đó.

Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ bằng ước mơ

Ước mơ con trẻ

Hầu hết trẻ em khi được hỏi “Lớn lên con sẽ làm gì?”, mỗi bé đều rất hào hứng với những ước mơ rất ngây thơ, nhân văn và rất cao đẹp như muốn được trở thành nhà khoa học, phi hành gia, nhạc sĩ; có bé lại muốn được làm họa sĩ hay doanh nhân như những người xung quanh. Tuy nhiên một số cha mẹ thường gạt bỏ và vùi dập ước mơ của con bằng lối suy nghĩ thực dụng và đầy toan tính.

Bé H.M.A - Trường Tiểu học Đại Từ (Hà Nội) từ bé đã nuôi mơ ước làm họa sĩ. Nhưng mỗi khi em mang những bức tranh vẽ về nhà với tâm trạng rất hào hứng thì đều bị bố mẹ chê là vẽ xấu thế này “làm sao lấy được tiền của thiên hạ”. “Học vẽ thì phải có năng khiếu chứ, đằng này… trông vẽ xấu quá”. Thế là vô tình bố mẹ làm cho bé mất hết hào hứng. Những lần sau không mấy khi M.A khoe bức tranh vẽ của mình với bố mẹ. Nếu ai vô tình hỏi sau này con thích làm gì, bé chỉ ậm ừ: “Con thích vẽ nhưng con sợ vẽ không đẹp”.

Bé P.B.N - Trường Tiểu học Thành Công (Hà Nội) chia sẻ: Con thích làm công nhân quét dọn đường phố nhưng bố mẹ con luôn bảo rằng nghề ấy dành cho những người không cần học. Bố mẹ con bảo con phải làm bác sĩ cơ, nghề ấy sau này kiếm được nhiều tiền. Cả nhà ai cũng cười và chế giễu sở thích chẳng giống ai. Bố con bảo: “Đúng là dở hơi. Sao không mơ trở thành nhà phát minh sáng chế, hay kiến trúc sư, bác sĩ? Ai lại mơ làm anh công nhân vệ sinh… Con buồn lắm”.

Những câu chuyện trên không hiếm trong mỗi gia đình. Các ông bố bà mẹ ai cũng kì vọng con sẽ thành ông nọ bà kia, vì thế ước mơ của con cũng phải trở thành những người nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền. Trước ước mơ con trẻ, thay vì đồng tình và khuyến khích những suy nghĩ tích cực của con, có bố mẹ lại chê con dại và “nhồi” cho con suy nghĩ không đúng.

Định hướng ước mơ cho con?

Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng, với mọi ước mơ của trẻ, sẽ thay đổi theo thời gian, phụ huynh đừng vội vàng dùng suy nghĩ của mình để “bóp nghẹt” ngay những điều con chia sẻ, nhất là những tư duy tích cực. Với trẻ nhỏ, có ước mơ cho thấy các em có niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống, rất cần được khích lệ. Một khi người lớn “giết” đi ước mơ của các em thì những mong muốn thành quả về học tập, về thành công sẽ rất khó đạt được kết quả tốt.

Đành rằng, trẻ cần được biết những khó khăn, những thực tế trong cuộc sống nhưng là để nhằm rèn luyện ý chí, khắc phục, có cái nhìn đa chiều về mọi vấn đề. Nhưng người lớn lại thường lôi ra khó khăn để làm các em nhụt chí, bi quan.

Theo TS tâm lý Lê Thị Linh Trang, nếu bạn không thấy con mình ước mơ gì cả thì hãy thường xuyên trò chuyện với trẻ về những nhân vật, hình mẫu đẹp trong sách báo và cuộc sống; khuyến khích, gợi mở để hướng cho con biết ước mơ một điều gì đó. Khi con lớn hơn, suy nghĩ dần gần gũi với hiện thực, ước mơ của trẻ bắt đầu phản ánh những bước đi nghề nghiệp, lúc này cha mẹ không chỉ động viên mà phải dẫn dắt, tạo điều kiện cho con thực hiện ước mơ của mình. Nếu mong ước của con chưa phù hợp với cá tính, năng lực, sở thích của trẻ thì cha mẹ có thể khéo léo giúp con thay đổi, hoàn thiện bản thân để định hướng tương lai cho chúng.

“Đừng ngăn cản ước mơ của trẻ, đừng ép con theo đuổi những mục tiêu mà chúng hoàn toàn không muốn. Điều đầu tiên con cần chính là sự động viên, ủng hộ từ cha me”, TS Lê Thị Linh Trang nhấn mạnh.

Cũng theo TS Linh Trang, có thể nói việc định hướng ước mơ, mục tiêu cuộc đời là một trong những việc làm cấp thiết của các ông bố, bà mẹ hiện đại. Để làm được điều này đòi hỏi các bậc phụ huynh phải khéo léo và kiên nhẫn. Đừng bao giờ tỏ vẻ nghi ngờ hoặc phê phán về những ước mơ của trẻ, chúng rất nhạy cảm vì điều này. Nếu cảm thấy ước mơ đó của bé chưa đi đúng hướng, cha mẹ hãy ngồi nói chuyện, chia sẻ cùng con. Hãy trở thành một người bạn tâm giao khi trò chuyện với chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.