Điều đặc biệt, anh đã dành nhiều thời gian và công sức để sưu tập khoảng 150 tấm bản đồ cổ của phương Tây khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Theo đuổi việc trao đổi văn hóa
Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em ở Quảng Ngãi, năm 1991, lúc mới tròn 20 tuổi, Trần Thắng đã theo gia đình sang Mỹ định cư.
Anh theo học và tốt nghiệp kỹ sư cơ khí Trường Đại học Connecticut. Năm 1999, anh được Công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney tuyển dụng.
Là cháu đằng ngoại của nhà thơ Tế Hanh, Trần Thắng cũng đằm sâu nỗi Nhớ con sông quê hương trong tim. Vì thế, từ thời là sinh viên, anh đã là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Connecticut.
Anh cũng thành lập Tổng hội Sinh viên Việt Nam vùng New England gồm 6 tiểu bang. Năm 1996, Trần Thắng sáng lập ra tạp chí "Nhịp sống" để làm cầu nối cho những người con xa quê.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2000, Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York được thành lập do Trần Thắng làm Chủ tịch với tôn chỉ hoạt động là giới thiệu và khuếch trương văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ thông qua các buổi biểu diễn âm nhạc, hội thảo, triển lãm, chiếu phim cũng như tăng cường giao lưu văn hóa, giáo dục và các hoạt động thiện nguyện khác.
Được GS Trần Văn Khê khuyến khích, Trần Thắng càng say mê với tâm nguyện theo đuổi việc trao đổi văn hóa giữa hai nước. Hơn chục năm qua, Trần Thắng liên tục đi về giữa Mỹ và Việt Nam để tổ chức gần 100 cuộc hội thảo về du học tại Mỹ.
Bên cạnh đó, Viện của anh cũng đã tổ chức trên 50 sự kiện khắp nước Mỹ để giới thiệu về âm nhạc, nghệ thuật cổ truyền, mỹ thuật, văn học, chiếu phim tài liệu và phim truyện Việt Nam.
Những ngày cuối năm 2013, chương trình Ba dòng sông - một cội nguồn do IVCE tổ chức đã mang âm nhạc truyền thống Việt Nam đến các trường đại học ở vùng Đông Bắc nước Mỹ.
Người có duyên với bản đồ biển đảo Việt Nam
Trần Thắng hiện vẫn đang sống với bố mẹ ở West Hartford (bang Connecticut). Anh nói: Trong ngôi nhà của mình, tiếng Việt vẫn được duy trì, như một cách nuôi dưỡng mạch ngầm với Đất Mẹ.
"Là người Việt, dù sống ở đâu, tôi có nghĩa vụ giữ gìn đất nước". Với tâm sự đó, tháng 7/2012, một lần đọc được tin TS Mai Hồng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Phả học Việt Nam -trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tấm bản đồ Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, Trần Thắng đã nảy sinh ý tưởng sưu tầm bản đồ về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Chỉ 5 tháng sau anh đã đã sưu tập được 150 bản đồ của trên 100 nhà xuất bản ở 7 quốc gia như Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nga phát hành từ năm 1618 tới 2008.
Nhiều nhà nghiên cứu về Biển Đông cho rằng, nếu các tranh chấp biển đảo được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế, bộ sưu tập bản đồ của Trần Thắng có thể được dùng làm bằng chứng lịch sử để phản bác các đòi hỏi của Trung Quốc.
Triển lãm Bản đồ và tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử diễn ra tại Hà Nội, TPHCM, Hà Tĩnh, Thái Nguyên trong năm qua đã gây được tiếng vang lớn với nhân dân Việt Nam và thế giới.
Nổi bật nhất là 3 cuốn Atlas củaTrung Quốc xuất bản do Trần Thắng sưu tầm được đều cho thấy biên giới cực nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
“Ban đầu tôi cũng khá mơ hồ về địa lý của Hoàng Sa và Trường Sa và các luật biển của Quốc tế. Khi bắt đầu mua bản đồ cổ, tôi cũng chưa xác định là sẽ mua bao nhiêu, tốn bao nhiêu tiền cho việc này.
Đến khi mua nhiều bản đồ quá và gặp các sách Atlas nhiều tiền thì tôi phải gọi điện thoại kêu gọi bạn bè đóng góp tiền. Nhưng tiền bạc cũng không hẳn là khó khăn lớn nhất, mà vấn đề là quỹ thời gian của tôi khá hạn hẹp, nên phải thu xếp rất nhiều mới có đủ thời gian để tra cứu và mua bản đồ cổ. Xem ra, tôi có “duyên” sưu tầm tài liệu bản đồ cổ liên quan đến biển đảo Việt Nam!” - Trần Thắng tâm sự.
Tuy vậy, Trần Thắng không sưu tầm những tấm bản đồ đó cho riêng mình. Vì đó là tài sản thuộc về đất nước, phục vụ quyền lợi của đất nước nên anh đã quyết định tặng lại toàn bộ bản đồ cổ cho TP Đà Nẵng.