Nước ngầm tại TPHCM đang có nguy cơ cạn kiệt

GD&TĐ - Tình hình khai khác nguồn nước ngầm đang ở mức báo động, UBND TP.HCM đã có kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường ngưng cấp phép khai thác, sử dụng nước ngầm trên toàn thành phố.

Giếng khoan được sử dụng nhiều ở các khu vực ngoại ô TPHCM. Ảnh: IT
Giếng khoan được sử dụng nhiều ở các khu vực ngoại ô TPHCM. Ảnh: IT

Theo số liệu từ UBND TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm với đường kính và độ sâu khác nhau. Tổng khối lượng nước ngầm đang được khai thác là gần 717.000 m3 mỗi ngày.

Trong đó, lượng nước ngầm được khai thác trong các hộ gia đình cao nhất là gần 356.000 m3 mỗi ngày; tiếp đến là các cơ sở kinh doanh không nằm trong khu chế xuất- khu công nghiệp với gần 173.000 m3. Thấp nhất là lượng nước ngầm sử dụng trong khu chế xuất - khu công nghiệp với hơn 58.000 m3 mỗi ngày.

Hiện các hộ dân ở TPHCM sử dụng song song hai nguồn nước máy và nguồn nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm không chỉ diễn ra trong các hộ gia đình, mà còn ở các hộ kinh doanh và trong các khu công nghiệp. 

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Cường, Phó phòng kỹ thuật công nghệ, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, cho rằng việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, làm mất cân bằng áp lực trong các tầng chứa nước và gây suy kiệt về trữ lượng lẫn chất lượng của nguồn nước.

Điều đáng lo hơn là hiện tượng sụt lún, dẫn đến sự hạ thấp mặt đất, kéo theo ngập úng, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Ngoài ra, sử dụng nước ngầm không qua xử lý cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Hiện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đang quản lý và cung cấp nước cho 23/24 quận, huyện của TP, với tổng công suất cấp nước lớn nhất là hơn 2,4 triệu m3 mỗi ngày, nhưng người dân sử dụng chỉ gần 1,93 triệu m3.

Thống kê mới nhất cho thấy, trên địa bàn TP có khoảng hơn 125 ngàn đồng hồ có chỉ số tiêu thụ sạch từ 0 đến 4m3 trên tháng, nhiều nhất là quận 12 và huyện Hóc Môn. Điều này, chứng tỏ việc khai thác nước ngầm hiện nay rất dễ dàng, chi phí rẻ và cũng là thói quen có từ lâu của người dân.

Theo ông Triệu Đức Huy - Phó tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên - môi trường), lưu lượng nước ngầm trên địa bàn TPHCM tại một số khu vực có nguy cơ cạn kiệt, do mật độ giếng dày và lưu lượng khai thác lớn. Vì thế, để đảm bảo khai thác đến 400.000m3/ngày đêm nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn, TPHCM cần phải có lộ trình giảm khai thác ở những khu vực đang ở ngưỡng "căng thẳng", còn ở một số bãi giếng có nguồn bổ cập tốt hơn, có thể tăng nguồn khai thác lên.

Được biết, năm 2018, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM đến năm 2025; với mục tiêu đến năm 2025, giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố còn 100.000 m3/ngày đêm, đồng thời thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước.

Trong khi TPHCM đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, để đạt 100% hộ dân trên địa bàn được dùng nước sạch thì người dân vẫn có thói quen dùng nước giếng khoan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh đội nắng ra về sau buổi thi đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia TP HCM ngày 7/4. Ảnh minh họa: VNUHCM

'Hạ nhiệt' cho sĩ tử

GD&TĐ - Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của học sinh các địa phương.
Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.