Nước Nga, mùa thu vàng

Nước Nga, mùa thu vàng

(GD&TĐ) - Có thể trên đời, chúng ta đã đi qua bao mùa rụng lá, trên mọi miền trái đất này  và chứng kiến thiên nhiên khoác bộ xiêm y vàng rực để bước vào mùa thu, nhưng có lẽ chưa nơi nào, thu lại dành ưu ái đến như vậy cho xứ sở bạch dương.

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 1

Mátxcơva, những ngày cuối thu. Chúng tôi may mắn được ngắm nhìn sắc vàng nở rực lần cuối của những rừng cây ven thành phố, kể cả sắc vàng lẻ loi trên những tán cây trên đường phố, trước khi thiên nhiên rùng mình trút bỏ bộ xiêm y, để trơ những thân cây khẳng khiu, giơ lên trời tội nghiệp, rồi bình thản, chậm rãi đi về phía mùa đông. 

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 2

Bạch dương có thân hình đẹp như cô gái Nga, gầy mảnh mai, nhưng đầy sức sống. Loài cây cao vút, vươn thẳng lên bầu trời, khi sát bên nhau, ta có cảm giác như cả thế giới của cái đẹp, hiển hiện và hội tụ về đây, chọn nước Nga làm điểm đến.

Từng lớp vỏ trắng, toát lên vẻ kiêu sa, bí ẩn và kín đáo bao bọc thân cây. Nó bảo vệ và tự mình làm thành những rãnh khía nhỏ gạch ngang thân cây theo từng lớp thời gian. Nếu bóc lớp vỏ ấy đi, vẻ đẹp sẽ không còn nữa. Nhiều nghệ nhân Nga, đã dùng gỗ bạch dương để làm những sản phẩm xinh xắn, độc đáo như : búp bê gỗ, vòng tay gỗ, vỏ hộp trang trí, thậm chí làm những sản phẩm đồ gỗ, trắng hồng và sang trọng. Lá cây bạch dương, như những búp tay chụm lại giơ về phía trước. Vào mùa thu, từng chiếc lá ngập ngừng rồi bay xuống thảm cỏ, ngay dưới gốc, tạo nên bức thảm vàng rực, chất chồng như muốn ủ suốt mùa đông. 

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 3

Giữa cái rét tái tê, thậm chí có 3 độ C, chỉ những tia nắng hanh hao mới hiểu tâm tình của bạch dương, khiêm nhường sưởi ấm cho cây. Hay là cây sưởi ấm những tia nắng ấy, tôi cũng không biết nữa. Đó đây, những cây phong, bạch dương lẻ loi núp mình sau góc phố. Nó lặng lẽ, khiêm nhường, mặc người qua đường đi qua hối hả. Chỉ những chiếc lá vàng bơ vơ, lẻ loi là nhắc nhở người qua đường mùa đông sắp đến.

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 4
Thu ở lại trong khuôn viên trường Viết văn Macxim Gorky

Nhiều người Việt cũng đã từng ngẩn ngơ trước sắc vàng của cây lá mùa thu nước nhà, nhưng sang đến nơi này, chứng kiến sắc thu phủ theo con phố, rồi men ra ngoại ô, mải miết chạy băng về phía đồng cỏ xa xôi đã không nén được cảm xúc. Cái sắc vàng của thu mà những hàng phong và bạch dương nặng lòng gìn giữ đón nhận và ký thác cho đất trời ấy, ai đã nhìn thấy một lần, đâu dễ nguôi quên.  Tại quảng trường Đỏ, hàng bạch dương nghiêng mình duyên dáng, trên thảm cỏ xanh, vì biết sắc màu của mình được du khách nuông chiều, chào đón.

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 5

Thảm vàng của lách chen giữa lùm xanh hiếm hoi. Nhưng dẫu có ẩn khuất bên những lùm cây khác  đi chăng nữa, từng chùm lá bạch dương  vẫn tô điểm cho khu quảng trường một vẻ đẹp mê hồn bâng khuâng khó tả. Sắc vàng ấy mắc trên vòm lá, trên nóc khu quảng trường, bên cạnh sắc đỏ của gạch. Cái giá rét cuối thu không làm cho bức tranh màu nóng được hòa quyện ấy phai đi. Tôi sững người, nhận ra cỏ dưới chân mình bớt xanh hơn, để còn nhường chỗ cho lá vàng bạch dương.

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 6
Sắc thu trong khu vườn nhà  của đại văn hào Leptônxtô

Một phụ nữ Nga, lặng lẽ đi giữa hai hàng bạch dương ở quảng trường Đỏ. Vẻ trầm tư nhìn về phía xa xăm. Vẻ trầm tư ấy khiến cho sắc vàng ngơ ngác, cô đơn.

Có đôi lứa yêu nhau, ngồi trên ghế đá, bẻ bánh mì cho đàn bồ câu ăn. Chung quanh họ, ríu rít tiếng chim câu, trên đầu họ, rực sắc vàng nôn nao, cháy đến tận cùng của bạch dương. Rất có thể, đã có nhiều đôi lứa nên duyên dưới tán bạch dương thơ mộng và quyến rũ này. 

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 7

Tôi thơ thẩn ngắm vẻ đẹp mê hồn của khung cảnh thần tiên ấy, chợt tiếng chuông điện Kremlin đổ. Tiếng chuông nhắc nhở thời gian, nhắc nhở mùa đã về trọn trong thu. Những ngày sau đó, khi đến thăm trường viết văn Mácximgócky, và  nhà của Leptônxtôi, chúng tôi nhận ra từng xấp lá vàng-chất chồng lên nhau. Nhưng, bên ngoài cùng của lớp lá ấy, vẫn rưng rưng một chút lưu luyến cố níu giữ mùa trong cơn tuyệt vọng.

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 8

Thời gian phủ lên ban công căn nhà của tác giả “ Chiến tranh và hòa bình”, dùng dằng rồi cố nén sự đau đớn trong tàn lụi để đâm chồi non, yểu mệnh. Căn nhà và khu vườn vắng lặng. Sự vắng lặng và yên ắng ấy khiến người ta nghĩ rằng thu không chịu về, để đất trời  ấm áp hơn. Nhưng không, chúng tôi đã nhầm. Nếu những con đường góc phố ngoài kia lộng gió, xám xịt, thì ở đây, vàng rực đến cháy bỏng một góc trời.

Thu đã về đây, gom cả sự ấm áp, lạnh se, cả sắc màu từng cấp đọ, và cháy lên vàng rực. Tôi ngồi xuống, vung từng đán lá dưới hàng phong và bạch dương trong vườn nhà văn, có cảm giác lớp lá vàng này đủ để làm tấm thảm ấm và đẹp cho băng giá không thể xuyên qua, đến được lớp đất gầy. 

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 9
Thu vàng ở Tula

Nhà văn bỏ đi về miền mây trắng, nơi không có tiếng còi tàu đau đớn trong sự trốn chạy cuối cùng, bỏ nàng Anna Karênina trong tác phẩm-một mình trong cơn tuyệt vọng đi tìm hạnh phúc, bỏ cả An đrây dưới gốc sồi với bao kỷ niệm…để phó mặc cho thu canh giữ ký ức. Bằng chứng là thu đã nép mình trên mái, ban công, cửa sổ-bằng thảm lá vàng  chuyệch choạc. 

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 10

Nhưng đó mới chỉ là vẻ đẹp của sắc vàng nơi góc phố, mảnh vườn. Chúng tôi đi qua những khu rừng bát ngát hàng bạch dương, trên đường tới Tula để thăm điền trang Leptônxtôi. Nơi mà thời thơ ấu cho đến khi từ giã cõi đời, nơi đại thi hào đã từng gắn bó. Ngoại ô Tula, được biết đến bởi hai ven đường cao tốc, rừng bạch dương và những cánh đồng Nga đẹp tựa trong mơ.

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 11

Con đường vắt ngang bức tranh tĩnh tại của mùa thu, chia đôi cánh rừng và đồng cỏ làm hai mảnh. Phía trước, như về cõi vô cùng, với sắc vàng ngút ngát mênh mang. Tôi dùng lại cánh đồng sau mùa gặt. Cỏ dại lún ngang người. Thỉnh thoảng có cây bạch dương nhoi lên, thân trắng xốp, khoe tán lá vàng với đất trời. Chỉ một mình nó cũng có thể nhuộm cả đất trời lạnh giá.

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 12

Thu ở đây được làm duyên, quyến rũ hơn bởi bầu trời thật xanh trong. Thỉnh thoảng, có chiếc máy bay bay ngang bầu trời, để lại sau nó vệt khói ngoằn ngoèo   trên bầu trời xanh thẳm, Nhưng vệt khói ấy không tan, chỉ trong chốc lát, nó tạo thành vệt thẳng, vì lạnh giá, luồng khói bị đóng thành băng trên bầu trời, như mũi tên nhằm về phía trước. 

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 13
Quảng trường Đỏ nhuốm tràn sắc thu

Tôi nhìn về phía xa xa…những căn nhà gỗ, hình tam giác im lìm bên nhau, mé bên cánh đồng vàng. Căn nhà gỗ màu trắng, núp mình dưới bầu trời xanh,lúp xúp dưới tán bạch dương, như những căn nhà trong cổ tích. Nếu có cô gái Nga xuất hiện trước cửa ngôi nhà, hoặc lấp ló sau cánh cửa kia, với cặp má hồng rực, cặp mắt xanh biếc, tay cầm chiếc giỏ đựng đầy táo, ngơ ngác đợi ai… là đã hoàn thiện một bức tranh của thế giới cổ tích. Mà hình ảnh này, ở Việt Nam, ta không bao giờ gặp được. 

Nước Nga, mùa thu vàng ảnh 14
Thu về trong công viên thành phố

Chúng tôi đi như bay giữa cánh đồng vàng. Cảm giác tiếc nuối, buồn cho một ngày thu sẽ ra đi…Nhìn con nước còn lại lẻ loi trên cánh đồng, xa xa là những mái nhà gỗ, xa nữa là những đám mây trắng bồng bềnh trên bầu trời xanh…Tôi có cảm giác miền đất này là nguyên cớ cảm xúc cho sự ra đời của kiệt tác “ Mùa thu vàng” của Lêvitan.  Bức tranh mùa thu tĩnh tại, nhưng lại nổi sóng trong tâm hồn con người. Đó là cảm xúc rưng rưng khi ta gặp lại mình trong ký ức xa xôi, ký ức và cảm xúc về cái đẹp của xứ lạ mà quen, gần mà xa…khi rời nơi đây trở về đất mẹ.

Tula, điền trang của đại thi hào cũng đang níu giữ mùa thu. Nhưng, ngay từ hàng cây bạch dương cao ngất trời mang tên Ánh sáng mà nhà văn đặt tên thuở nào cũng đã khẳng khiu sắp trơ trụi lá. Điền trang rộng bát ngát, hàng bạch dương gầy guộc, nuối tiếc sắc vàng đã rơi rụng dưới thân cây. Chỉ có ngôi mộ cỏ-nơi nhà văn yên giấc ngủ sâu, đầy hoa tươi và lá rụng vàng, là vẫn nhận được sắc nồng hậu của thu, như thể nữ hoàng băng giá chưa từng đến được nơi này.

Thu bao bọc thủ đô  Matxcơva, với  Quảng trường Đỏ, nhà thờ Thánh Basil, toàn cảnh bên ngoài Lăng Lênin, Vườn A-lếch-xan-đrô-xki, Điện Crem-li , Đài tưởng niệm các liệt sỹ vô danh, các nhà thờ, tháp chuông, súng Thần công vua, Chuông Hoàng Đế….bí ẩn và trầm mặc hơn. 

Thu khiến cho Nhà thờ Chúa cứu thế, Đồi Chim sẻ, Đại học tổng hợp quốc gia mang tên Lômônôxôp… pha sắc màu huyền thoại hơn…

Tôi về Việt Nam. Xếp từng xấp lá phong và bạch dương. Từng xấp lá lấy trong vườn nhà văn, trong điền trang của nhà văn…rồi ghi nhớ chiếc lá phong hay bạch dương đã lấy từ nơi nào…Lấy cả nhánh cỏ vàng như một vật báu của đất trời Nga; cả cái giá lạnh hanh hao của xứ sở xa xôi, có cả ánh mắt ngơ ngác của cô gái Nga đi bên cạnh người yêu trong ánh chiều trên Quảng trường Đỏ.

Đó là nguyên cớ, lý giải tại sao thu vàng xứ sở bạch dương luôn là nỗi nhớ không nguôi…

Chu Thị Thơm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.