Nước mắt ngày trở về của 9 ngư dân tàu QNg-66478

Nước mắt ngày trở về của 9 ngư dân tàu QNg-66478
Tàu cứu hộ CSB 6006 của Cảnh sát biển vùng 2 đang lai dắt tàu QNg-66478 và 9 ngư dân vào cảng quốc tế Gemadept Dung Quất – Quảng Ngãi.
Tàu cứu hộ CSB 6006 của Cảnh sát biển vùng 2 đang lai dắt tàu QNg-66478 và 9 ngư dân vào cảng quốc tế Gemadept Dung Quất – Quảng Ngãi.

Hạnh phúc “tràn ngập” ngày trở về!

Khi nghe tin họ trở về, ngoài những người thân của 9 ngư dân còn có hàng trăm người dân xa gần đã đổ về cảng quốc tế Gemadept Dung Quất, để đón họ.

Kể từ ngày họ bị bắt (11-9) khi khai thác hải thủy sản ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc hải phận của Việt Nam đến khi phía Trung Quốc tuyên bố thả vô điều kiện (11-10) có biết bao nước mắt của những người thân chờ tin của con, của cha, của chồng.

Bao dự đoán cho số mệnh của họ, trong đó có nỗi đau đớn mà họ phải nghĩ đến là lần này những người thân của mình có thể đã ra đi mãi mãi. Thế rồi, khi nghe tin Trung Quốc thông báo họ vẫn sống và được thả về thì cả xã An Hải huyện huyện Lý Sơn đã vở òa niềm vui, nhất là khi thuyền trưởng Mai Phụng Lưu gọi cho con gái: “Con ơi, ba vẫn còn sống!” Nhiều người dân Lý Sơn đã khóc vì sự kiện này, họ khóc bởi niềm vui 9 ngư dân còn sống, họ khóc vì những ngư dân này gánh chịu quá nhiều nỗi đau trong một chuyến ra khơi.

Nhưng rồi sự lo lắng của những người thân vẫn còn tiếp diễn, khi chuyến ra về của 9 ngư dân bị sóng đánh, thuyền lại trôi dạt và phải trú ẩn tại đảo Trụ Cẩu. Bởi thế nên sự trở về lần này của họ được dư luận rất chú ý và đông đảo người thân, bà con xa gần về đây chờ đón trong niềm vui và nỗi xúc động rơi nước mắt.

: Chị Chị Bùi Thị Trang (áo vàng) và Chị Phạm Thị Lành (mủ tím) ôm con nhỏ trên bến cảng đón chồng trở vê.
Chị Chị Bùi Thị Trang (áo vàng) và Chị Phạm Thị Lành (đội mũ) ôm con nhỏ trên bến cảng đón chồng trở về.
Lúc 10 giờ kém 20 phút, ngày 26-10 khi thấy tàu QNg-66478 xuất hiện, dù nó chưa cập cảng thì trên bến, dưới thuyền niềm vui hân hoan rộn rã cả bến cảng. Không chỉ những người thân của 9 ngư dân mà rất nhiều người chứng kiến phút giây cảm động này đã rơi nước mắt.
Bà Nguyễn Thị Lý, 64 tuổi vừa lau nước mắt, vừa tâm sự: “Thật cảm động, có ai lấy chồng đi biển mới thấm thía nỗi đợi chờ! Ngoài tình nghĩa vợ chồng, cha con. Nếu không may họ mất đi là cả gia đình rơi vào cảnh khốn cùng chú ạ! Thấy họ về mà mình như thấy con cháu mình về!”
Trên bến cảng ai ai cũng xúc động khi chứng kiến cảnh người thân của 9 ngư dân gặp lại nhau. Ôm chồng trong vòng tay, chị Phạm Thị Lan, nói trong nước mắt: “Ri mới biết chắc là anh đã về với các con, đã về với em!”
Rất đông người đã đến cảng quốc tế Gemadept Dung Quất – Quảng Ngãi đón các ngư dân trở về.
Rất đông người đã đến cảng quốc tế Gemadept Dung Quất – Quảng Ngãi đón các ngư dân trở về.

Chị Bùi Thị Trang, vợ của ngư dân Dương Văn Dũng, ôm người con nhỏ nghẹn ngào: “Những đêm qua em không ngủ được, cứ lo, cứ nghĩ, rủi ảnh có bề chi mẹ con em sẽ sống ra răng”.

Chị Phạm Thị Lành, vợ của ngư dân Bùi Văn Minh hay ông Trần Văn Khanh thân sinh của ngư dân Trần Văn Đủ... tất cả đều mừng rơi nước mắt khi thấy người thân trở về.

Bà Nguyễn Thị Xí, vợ lão ngư Nguyễn Đảng tuy già rồi nhưng vẫn lặn lội ra tìm chồng, bà tâm sự: “Bao nhiêu năm chờ chồng từ biển rồi trở về nhưng lần này sự chờ đợi sao mà quá lâu! Có lúc tui nghĩ dại, tui và ổng không còn gặp lại nhau! Khi hôm nghe tin ổng bị bắt và bị đòi tiền chuộc 70.000 nhân dân tệ, tui chỉ còn nước kêu trời! Vì nợ cũ 70 triệu còn đó, giờ lấy đâu ra tiền mà chuộc, hôm ni ổng trở về tui mừng lắm”

Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu cùng vợ trong ngày trở về
Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu cùng vợ trong ngày trở về
Lão ngư Nguyễn Đảng cùng vợ Nguyễn Thị Xí hạnh phúc ngày gặp lại.
Lão ngư Nguyễn Đảng cùng vợ Nguyễn Thị Xí hạnh phúc ngày gặp lại.

Tiếng nói, tiếng cười và cả sự nức nở làm xao động cả bến cảng! Đối với người dân Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung hôm nay quả là ngày đặc biệt.

Không bao giờ từ bỏ biển!


Sau khi dành những phút giây cảm động gặp người thân, các ngư dân đã dành thời gian cho chúng tôi, thuyền trưởng Mai Phụng Lưu cho biết: “Khi chúng tôi đang hành nghề khai thác thủy sản trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì tàu Trung Quốc ập đến, họ bắt chúng tôi và áp tải về đảo Phú Lâm”.

Thuyền trưởng Lưu còn cho biết: “Họ đã đòi tiền chuộc lến đến 200 triệu, tôi đã bị bắt đến 4 lần, tiền đâu còn để mà chuộc tàu, người. Tôi bàn với anh em, mình mà nộp tiền chuộc thì lần sau ra khơi nó cũng tìm cách bắt và như thế chỉ có nước bỏ biển. Nhất định không được, chúng tôi nhất quyết không chịu nộp. Họ cũng đã vu khống cho chúng tôi là dùng thuốc mìn đánh bắt hải sản. Nhưng nghề của chúng tôi là lặn bộ để tìm hải sâm thì dùng thuốc mìn để làm chi, chúng tôi nhất quyết không chịu nhận. Cứ hai ba đêm họ kêu tôi lên một lần, họ đánh tôi tàn nhẫn, họ còn chích cả roi điện vào người tôi. Ăn thì bữa đói bữa no. Bọn chúng hành hạ đủ điều, cực khổ vô cùng. Cuối cùng qua nhiều tiếng nói, nhiều sự đấu tranh, trong đó chúng tôi được biết báo chí và cả Bộ ngoại giao đã lên tiếng, can thiệp họ đã chịu thả chúng tôi vô điều kiện vào ngày 11-10”.

Các ngư dân tại buổi gặp mặt, sáng 26-10 do UBND và UBMTTQVN tỉnh tổ chức.
Các ngư dân tại buổi gặp mặt, sáng 26-10 do UBND và UBMTTQVN tỉnh tổ chức.
Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu phát biểu cảm ơn tại buổi gặp mặt sáng 26-10.
Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu phát biểu cảm ơn tại buổi gặp mặt sáng 26-10.

Anh Bùi Văn Minh còn cho biết: “Sau khi phía Trung Quốc thả tàu cá QNg-66478, chúng tôi đã tức tốc lên đường về quê nhà nhưng không may gặp phải thời tiết xấu, đi mới được 3 hải lý tàu bị chết máy trôi lênh đênh trên biển mấy ngày liền, đói, rét khiến chúng tôi gần như kiệt sức. Để chống chọi với sóng biển, thuyền trưởng Lưu đã ra lệnh anh em dùng mền, bạt để căng lên làm buồm điều khiển tàu nhưng vẫn không hiệu quả. Gió càng ngày càng mạnh, xé toạc tất cả các cánh buồm, con tàu mong manh giữa biển khơi. Trong lúc đói rét, lâm nguy, chúng tôi được một tàu của Trung Quốc phát hiện và đưa về đảo Trụ Cẩu. Ngay khi lên đảo an toàn, thuyền trưởng Lưu đã liên lạc bằng điện thoại về quê nhà!”

“Nguyên nhân của chết máy này cũng do họ mà ra, khi bắt mình nhốt, nó lấy tàu mình xài, xài đã nó nhấn chìm xuống nước, máy bị vô nước biển nên chạy một lúc là hư” – thuyền trưởng Lưu giải thích.

Anh Trần Văn Đủ còn cho biết: “Tại đảo Trụ Cẩu, cuộc sống của chúng tôi vô cùng khó khăn, tàu thì bị hỏng nặng, nhu yếu phẩm thì đã cạn sạch, gạo chỉ còn một bao, nước chỉ còn 1 phi cho 9 người, chúng tôi chỉ dám nấu cháo ăn vì sợ thiếu nước trong người. Bác Đảng lớn tuổi nhất, do quá cực và sự khắc nghiệt của thời tiết khiến bác đau nhừ tử cả đoàn lo lắng vô cùng. Trong lúc đó do ảnh hưởng bảo, ở Trụ Cẩu gió mạnh đổ vào, không biết mình có còn sống hay không nữa. Chuyến đi này quả thật quá cam go! Cho đến khi thấy tàu của Cảnh sát biển vùng 2 chúng tôi đã khóc, khóc vì mừng, vì biết mình sẽ sống, sẽ được về với quê nhà”

Khi được hỏi chuyến này trở về các anh có còn ý đinh ra khơi nữa không? Ông Đảng khẳng định: “Dù thế nào đi nữa chúng tôi cũng không bao giờ từ bỏ biển. Nhà nông có ruộng mần ruộng, chúng tôi làm nghề biển mà không ra biển thì lấy gì để sống. Phải bám biển thôi! Tui già rồi còn bám biển, lớp trẻ không thể từ bỏ biển khơi được”

Thuyền trưởng Lưu cũng khẳng định: “Nhất định thế, biển này cha ông để lại cho chúng ta, tại sao chúng ta không bám biển mà từ bỏ. Cho dù tui đã bị bắt đến đến 4 lần, đắng cay cực khổ đã quá nhiều nhưng nhất định chúng tôi sẽ ra khơi! Nhưng phải làm sao đó mà bảo vệ ngư dân. Chứ ngay trên biển mình mà bị nó bắt đánh đập thu đồ nghề thì tức quá! Chúng tui chỉ mong rằng nhà nước có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngư dân. Mần răng để có tàu to, sức mạnh mà ra khơi thì mới có hiệu quả!”

Sự trở về cũng như sự kiên cường bám biển của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu nói riêng và của cả những ngư dân nói chung thật đáng trân trọng. Bởi lẽ ngoài sự mưu sinh thì sự xuất hiện của họ trên biển Đông, nhất là khu vực quần đảo Hoàng Sa còn thể hiện ở sự khẳng định và bảo vệ chủ quyền của chúng ta.

Do đó những tâm tư, nguyện vọng của các ngư dân là hoàn toàn chính đáng, nhà nước cần cụ thể hơn trong chính sách giúp họ có đủ điều kiện ra khơi và bảo vệ an toàn cho họ hành nghề.

Ông Hoàng Lưu – PCT UB MTTQVN tỉnh Quảng Ngãi trao quà cho các ngư dân tại buổi gặp mặt.
Ông Hoàng Lưu – PCT UB MTTQVN tỉnh Quảng Ngãi trao quà cho các ngư dân tại buổi gặp mặt.

Tại buổi gặp mặt này, ông Cao Khoa - Phó Bí thư tỉnh ủy một lần nữa khẳng định Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam, việc Trung Quốc bắt ngư dân đánh bắt thủy sản tại đây là sai trái, đồng thời ông Khoa khẳng định, chính quyền sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngư dân bám biển.

Phút giây mừng rỡ của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu và các ngư dân khi gặp được các cán bộ chiến sĩ tàu cứu hộ CSB 6006 ra đón họ về.
Phút giây mừng rỡ của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu và các ngư dân khi gặp được các cán bộ chiến sĩ tàu cứu hộ CSB 6006 ra đón họ về.
Cán bộ chiến sĩ tàu cứu hộ CSB 6006 chuẩn bị lương thưc, nhu yếu phẩm tiếp viện tàu cá QNg-66478
Cán bộ chiến sĩ tàu cứu hộ CSB 6006 chuẩn bị lương thưc, nhu yếu phẩm tiếp viện tàu cá QNg-66478

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công bố quyết đinh khen thưởng Cục Lãnh sự Bộ ngoại giao và Đoàn công tác cứu hộ CSB 6006 của Cảnh sát biển vùng 2 đã phối hợp đưa các ngư dân về đất liền. Ngay trong buổi gặp mặt này, ngoài số tiền hỗ trợ của UBND tỉnh cùng UBMTTQ tỉnh 2.000.000 đồng/người, Cảnh sát biển vùng 2 đã hỗ trợ 2.000 lí dầu và mỗi ngư dân 1.000.000 đồng, ngoài ra còn có rất nhiều đơn, vị, doanh nghiệp đã hỗ trợ các ngư dân gần 150.000.000 triệu đồng./.

Bài và ảnh: Nguyên Khang – Thành Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.