Sáng 27/5, chị Loan nhận được tin nhắn Chương trình Trái tim cho em khám sàng lọc phát hiện tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, chị Loan bàn với chồng đưa đứa bé thứ 3 đi khám. Cháu Phạm Thị Kim Thư – con chị Loan – mới được 9 tháng tuổi, vừa bị bệnh đao lại thêm bệnh tim bẩm sinh.
Cả hai vợ chồng nhà nghèo đến không có nhà ở, hiện phải ở nhờ nhà của anh em họ - đồng thời cũng chủ thuê làm rẫy. Anh Phạm Văn Khoa – chồng chị Loan – chỉ đi thuê nuôi 5 miệng ăn. Ai thuê việc gì cũng làm, từ làm rẫy, tỉa bắp, phụ hồ, đào đất,… Mùa khô thì có việc đều, được 100.000 – 200.000 đồng/ngày. Mùa mưa thì ngày có ngày không.
“Hồi tháng 12/2015, vợ chồng em cho cháu xuống TPHCM khám ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Các bác sỹ bệnh tim này phải sang Viện Tim TPHCM mới đủ năng lực khám chữa. Trong túi còn có mấy trăm nghìn, hai vợ chồng lại ôm con về vì sợ khám tiếp thì thiếu tiền xe”, chị Thư vừa kể, vừa giở đống giấy tờ hai vợ chồng đi khám cho cháu bé. Cũng vì thế, khi nghe tin Chương trình Trái tim cho em có mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo, anh chị như bắt được vàng, cho cháu đi khám bằng được.
Bé Kim Thư là một trong hơn 120 cháu bé có chỉ định phẫu thuật trong hơn 1.200 cháu tham gia đợt khám sàng lọc ngày 28/5 của Chương trình Trái tim cho em tại TP Buôn Mê Thuột. Đợt khám sàng lọc lần thứ 5 năm 2016 của Chương trình đượccác bác sỹ Đại học Y dược TPHCM phối hợp cùng Viettel Đắk Lắk và Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện. Hàng nghìn người từ khắp các huyện đổ về Bệnh viện Đa khoa tỉnh vượt gấp nhiều lần dự kiến ban đầu của Ban tổ chức.
Tuy nhiên, toàn bộ số trẻ em được gia đình đưa đến đã được khám xong lúc 5 giờ 30 phút chiều. Những trường hợp phát hiện có bệnh đều được tư vấn về cách khám chữa, nếu là gia đình nghèo thì được hướng dẫn làm hồ sơ để được mổ miễn phí theo Chương trình Trái tim cho em.
TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM – Trưởng đoàn bác sỹ, chia sẻ: “Nếu so với tỷ lệ bệnh tim trung bình tại Việt Nam là 0,8%, và tỷ lệ các em mắc bệnh trong đợt khám này khoảng 10%. Sự khác biệt hơn 100 lần không phản ánh đúng thực chất.
Theo quan sát của chúng tôi, có nhiều em đã từng được khám phát hiện ra bệnh ở các cơ sở y tế khác rồi, nhưng không được chữa trị kịp thời. Khi biết thông tin về khám, gia đình lại cho các em đi khám tiếp để mong chờ giải pháp nào đó về bệnh tình của các em. Điều đó chứng tỏ khả năng chữa trị căn bệnh này là khó khăn đối với bà con”.
Vị trưởng đoàn bác sỹ cho biết có những trường hợp em nhỏ trong lần khám này đã ở giai đoạn quá muộn. Vì vậy, các bác sỹ mong muốn được sự hỗ trợ hơn nữa từ Chương trình và những nhà hảo tâm đồng hành để có thể sớm chữa trị cho các em.