Nước hồ thủy điện Hòa Bình thấp nhất trong 30 năm

GD&TĐ - Mực nước sông Hồng đoạn qua Hà Nội chỉ còn 20 - 30 cm. Các hồ thủy điện vừa và lớn trên toàn quốc đều không đạt mực nước dâng bình thường. Thậm chí lượng dòng chảy có nơi thiếu hụt đến 80%. Cảnh báo này được các chuyên gia Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia đưa ra.

Sông Hồng cạn trơ đáy đoạn qua nội thành Hà Nội
Sông Hồng cạn trơ đáy đoạn qua nội thành Hà Nội

Thiếu hụt 3 tỷ m3

Ông Nguyễn Đình Thủy, kỹ sư thủy văn Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, hơn một tháng qua, mực nước tại hồ thủy điện Hòa Bình chưa bao giờ vượt quá 103m. Đây là mực nước thấp nhất được ghi nhận trong 30 năm qua.

Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, hiện các sông suối ở khu vực Bắc Bộ lượng dòng chảy thiếu hụt từ 20 - 80% so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt từ 30 - 50%, có sông thiếu hụt trên 60%. Các hồ chứa hồ thủy điện vừa và lớn trên toàn quốc đều không đạt mực nước dâng bình thường.

Tổng dung tích các hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà chỉ đạt 65 - 85% dung tích thiết kế; các hồ ở khu vực Bắc Trung Bộ đạt khoảng 70 - 90%, Trung Trung Bộ đạt khoảng 40 - 70%, Nam Trung Bộ đạt khoảng 55 - 82%, khu vực Tây Nguyên đạt khoảng 80 - 90%.

Đối với sông Mê Kông trong mùa lũ năm 2019, lưu lượng dòng chảy vùng thượng nguồn (phần lưu vực thuộc Trung Quốc) về hạ lưu luôn ở mức thấp hơn TBNN. Từ 15/8 - 5/9, ở trung hạ lưu sông Mê Kông xuất hiện 1 đợt lũ, mực nước đỉnh lũ tại một số trạm chính đều vượt mức báo động lũ, sau đó xuống nhanh.

Tổng lượng dòng chảy trong tháng 8 - 10/2019 tại trạm Kratie (Campuchia) đạt khoảng 135 tỷ m3 thiếu hụt so với TBNN khoảng 82 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 112 tỷ m3. Hiện nay, mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông ở mức thấp hơn TBNN từ 0,5 - 3,0m và nhiều trạm đã ở mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ.

Cũng theo ông Vũ Đức Long, trong 6 tháng tới, nguồn nước trên các sông suối trên toàn quốc được nhận định là tiếp tục thiếu hụt. Khu vực Bắc Bộ, thiếu hụt nhiều nhất tập trung trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020 (từ 20 - 40%).

Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt từ 30 - 60%. Vùng ven biển Trung Bộ khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử. Khu vực Nam Bộ từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020 sẽ xảy ra thiếu nước. Xâm nhập mặn ĐBSCL ở mức sớm, sâu và gay gắt hơn so với TBNN.

Mực nước sông Hồng chỉ còn 20cm

Một cảnh báo vừa được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đưa ra là từ tháng 1 - 6/2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với TBNN.

Vào các tháng đầu năm 2020, lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 20 - 40%. Lưu vực sông Thao thiếu hụt từ 20 - 50%. Lưu vực sông Lô - Gâm - Chảy thiếu hụt 10 - 20%. Riêng hạ lưu sông Lô thiếu hụt từ 30 - 80%. Hạ lưu lưu vực sông Hồng thiếu hụt từ 20 - 30%, riêng tháng 1 - 2 xấp xỉ TBNN do các hồ thủy điện cấp nước tăng cường phục vụ đổ ải vụ đông - xuân.

Theo dự báo, mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội trên sông Hồng có khả năng ở mức 0,2 - 0,3m, xuất hiện vào cuối tháng 2 hoặc tháng 3/2020. Mùa khô 2020, tình hình thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra tại một số tỉnh khu vực Tây Bắc và Đông Bắc.

Từ nửa cuối tháng 12/2019 đến tháng 6/2020, mực nước trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên xuống dần và ở mức thấp. Trên một số sông, suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc.

Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 40 - 70% so với TBNN, một số sông thiếu hụt trên 80%. Nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi tại các tỉnh ven biển Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên.

Theo ông Vũ Đức Long, hiện dung tích trữ nước của các hồ thủy điện lớn trên lưu vực sông Hồng đang thiếu hụt so với yêu cầu tối thiểu theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực.

Các thủy điện lớn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cấp nước phục vụ đổ ải vụ đông - xuân năm 2019 - 2020. Công tác dự báo khí tượng thủy văn thường xuyên quan trắc, theo dõi và liên tục cập nhật tình hình để cung cấp cho các địa phương.

Theo dự báo, thời kỳ từ tháng 1 - 6/2020, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ phổ biến từ 0,5 - 1,5 độ C; riêng khu vực phía Đông Bắc Bộ tháng 1/2020 ở mức xấp xỉ trên so với TBNN. Rét đậm tập trung chủ yếu trong tháng 1 và tháng 2/2020 với khoảng 3 - 5 đợt rét đậm nhưng không kéo dài; trong thời gian này đề phòng khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết ở khu vực vùng núi thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ