Tôi năm nay 30 tuổi, gần đây tôi thấy xuất hiện nhiều vết nám và tàn nhang trên mặt. Nghe nói bôi nước cốt chanh có thể trị được tàn nhang. Xin quý báo cho biết, điều này có đúng không. Có cách nào để phòng bệnh được không?
Lê Minh Nga (Nghệ An)
Tàn nhang là bệnh về sắc tố da, khi mà sắc tố melanin (gây đen da) không phân bố đều, tạo nên những chấm nâu trên khuôn mặt. Những nốt tàn nhang hình thành do yếu tố di truyền, sự thay đổi nội tiết của cơ thể, chế độ sinh hoạt không hợp lý hay lạm dụng mỹ phẩm… Để chữa trị tàn nhang và vết nám là một điều không đơn giản. Trên thực tế, cho dù được điều trị tích cực, thì những nốt tàn nhang có thể chỉ thuyên giảm mà khó có thể dứt điểm được.
Để phòng tránh hoặc hạn chế tàn nhang cần tránh ánh nắng mặt trời một cách hiệu quả (hạn chế ra nắng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều; bảo vệ các vùng da bệnh bằng trang phục, khăn, mũ). Sau đó có thể bôi những thuốc làm nhạt màu các đốm nâu, hoặc sử dụng các biện pháp như laser, IPL theo chỉ địnhcủa bác sĩ chuyên khoa.
Chế độ ăn giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C cần được chú ý bổ sung, nhất là với người có tàn nhang. Trong nước cốt chanh có chứa nhiều axit, một phần trong đó là axit ascorbic (vitamin C) - giúp làm nhạt màu các đốm nâu và lột nhẹ chất sừng trên bề mặt da. Tuy nhiên, do tính chất lâu dài trong việc điều trị các đốm nâu, tàn nhang, việc bôi nước cốt chanh thường xuyên có thể gây thay đổi độ axit và kiềm cho da, gây kích ứng da, đặc biệt với những người có làn da nhạy cảm.