Nữ sinh Lào Cai “dinh” 8.5 điểm IELTS lần thi đầu tiên

GD&TĐ - Ngay lần thi IELTS đầu tiên, Nguyễn Thị Hồng Hạnh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lào Cai đã “dinh” 8.5 điểm. Kết quả này đến từ nỗ lực tự học tại trường lớp cùng thầy cô, bạn bè không qua “lò” luyện.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lào Cai
Nguyễn Thị Hồng Hạnh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lào Cai

Bật mí cách “dinh” 8.5 IELTS

Thành tích 8.5 IELTS từ lần thử sức đầu tiên có lẽ là mơ ước đối với không ít học sinh. Thậm chí từng trải qua các “lò” ôn bài bản và thử sức nhiều lần thì thí sinh vẫn chưa thể chinh phục số điểm đáng “nể” này. Thế nhưng với Hồng Hạnh “dinh” 8.5 IELTS có phần nhẹ nhàng.

“Do tham gia đội tuyển tiếng Anh của Trường THPT chuyên Lào Cai 3 năm nay nên ưu thế lớn nhất của em khi bước vào thi IELTS đó là kiến thức nền tảng đã được thầy cô của trường trang bị vững chắc.

Mặt khác, quá trình ôn thi học sinh giỏi Quốc gia 3 năm qua em cũng như các bạn trong đội tuyển phải giải quyết lượng bài tập với độ khó hơn nhiều so với thi IELTS. Khi đã có kiến thức nền vững vàng em chỉ tự ôn tập thêm trong khoảng 1 tháng trước cuộc thi IELTS diễn ra…”, Hạnh cho biết.

Cũng từ kinh nghiệm của mình, nữ sinh Trường THPT chuyên Lào Cai chia sẻ: Muốn thi IELTS đạt điểm cao phải thật vững kiến thức trong sách và tìm hiểu kĩ những bộ đề kinh điển. Nền tảng vững vàng thì dễ dàng ôn kiến thức cao hơn. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm tài liệu để tham khảo, nghiên cứu học hỏi thêm thầy từ thầy cô, bạn học… cũng quan trọng, cần thiết cho người  thi.

Cụ thể hơn trong việc ôn luyện từng kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, Hạnh cho biết: Với kĩ năng nghe, em thường nghe từ nhiều nguồn khác nhau như xem phim tiếng Anh; tìm và nghe nhiều giọng phát âm khác nhau của người Anh, Mĩ để hỗ trợ tai làm quen với phát âm đa dạng. Cùng đó có thể nghe thời sự bằng tiếng Anh trên mạng, hoặc xem youtube, các kênh tiếng Anh trên truyền hình…

Để luyện kĩ năng đọc, Hạnh thường đọc báo nước ngoài, sách truyện tiếng Anh; thích theo dõi tin tức thế giới qua báo chí thế giới ở các lĩnh vực đa dạng như Công nghệ, Khoa học, Giáo dục, Giải trí, Đời sống – Xã hội...  

“Em thấy việc đọc đa ngành, đa lĩnh vực sẽ trau dồi thêm vốn từ vựng rất nhiều, hỗ trợ tốt cho trong làm bài thi IELTS, không còn cảm thấy ngỡ ngàng…”, Hạnh trao đổi.

Với luyện kỹ năng nói, Hạnh cho biết đội tuyển tiếng Anh được luyện khá kỹ kỹ năng nói nên em thường nói theo phản xạ. Song vẫn có thể luyện phản xạ bằng cách lên mạng tìm các bạn đang luyện nói như mình để nói chuyện cùng nhau bằng Tiếng Anh…

Với kỹ năng viết, Hạnh đánh giá đây là kỹ năng khó nhất trong số các kỹ năng nghe, nói, đọc bởi nó không chỉ đòi hỏi về khả năng ngôn ngữ mà còn yêu cầu cao về tư duy.

Do đó Hạnh cũng luôn cố gắng tìm hiểu từ nhiều nguồn, học cách viết, ôn luyện từ vựng để có vốn từ phong phú. Quá trình viết em thường viết theo hướng tường minh, không viết câu quá dài hoặc dùng từ ngữ bóng bẩy khiến bài văn rườm rà…

“Bén duyên” cùng tiếng Anh

Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết những năm đầu THCS em chưa hứng thú với môn tiếng Anh, chỉ khi lên lớp 9 mới cảm nhận học tiếng Anh vui, cho mình cơ hội tiếp nhận nhiều nguồn thông tin, xem hiểu các chương trình tiếng Anh. Từ đó em chú tâm học. Và khi thi vào THPT, Hạnh đã chọn chuyên Anh làm nguyện vọng 1.

Một điều thú vị về cô học trò xinh xắn đó là trước khi thích và học tiếng Anh, em học giỏi đều các môn, trong đó môn Ngữ Văn nổi trội và từng đạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn cấp thành phố Lào Cai năm học 2017-2018.

Đến nay lựa chọn học chuyên tiếng Anh đã được em chứng minh hoàn toàn đúng. Em đã được chọn tham gia đổi tuyển học sinh giỏi của trường 3 năm qua và chuẩn bị bước vào kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Anh tỉnh Lào Cai năm học 2021- 2022.

Từ hành trình học tập của Hạnh có thể thấy, không chỉ tự học theo sách vở, tài liệu mà còn tích cực, chủ động học cùng bạn bè. Theo em, sự cọ sát, trao đổi lẫn nhau là một trong những yếu tố để “gặt hái” thành công ở môn tiếng Anh hiện nay.

Đặc biệt, Hạnh khẳng định đã học được nhiều kiến thức, cách học, tìm tài liệu nghiên cứu, tâm lý vững vàng thi cử… từ cô giáo lãnh đội tuyển Nguyễn Thị Thu Thương.

“Đôi khi trong những kỳ thi chúng em vì lo lắng quá mà dẫn tới không làm tốt bài thi. Hiểu được điều đó, cô Thương luôn giúp học sinh ổn định tâm lý thi cử.

Quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi cô tạo cảm giác thoải mái, không gây áp lực cho bất kỳ ai nhưng vẫn đủ truyền đến học sinh sự đam mê kiến thức và quyết tâm chiến thắng. Do đó, các bạn trong đội tuyển đều mang phong thái bình tĩnh khi thi…”, Hạnh trao đổi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thương cũng tự hào khi nhắc tới cô học trò giỏi giang, xinh xắn: “Hạnh có năng khiếu và say mê tiếng Anh. Em còn có khả năng tự học để tiếp cận kiến thức mới bên cạnh kiến thức giáo viên giảng dạy trang bị trên lớp và bồi dưỡng đội tuyển.

Kết quả thi IELTS mà Hạnh đạt được cao hơn dự tính ban đầu nhưng điều đó không bất ngờ bởi với khả năng và nỗ lực rèn luyền, ý trí trong học tập của Hạnh thì tất cả có thể đến…”.

Hiện tại Nguyễn Thị Hồng Hạnh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh. Thầy cô, bạn bè, gia đình cùng chờ đợi Hạnh sẽ đạt giải giải cao để bổ sung thêm giải thưởng vào “kho” thành tích nổi bật trong các cuộc thi Học sinh giỏi em đã đạt được thời gian qua.

Thành tích nổi bật của Nguyễn Thị Hồng Hạnh đạt được thời gian qua:

Giải Nhì kỳ thi HSG môn Ngữ Văn cấp thành phố năm học 2017 - 2018

Giải Ba kỳ thi HSG môn Tiếng Anh cấp thành phố năm học 2018 - 2019

Giải Nhất kỳ thi HSG môn Tiếng Anh cấp tỉnh năm học 2018 - 2019

Giải Nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp thành phố và giải Nhì cấp tỉnh năm học năm học 2018 - 2019

Giải Nhất kỳ thi HSG môn Tiếng Anh THPT cấp tỉnh năm học 2020 - 2021

Giải Nhì trong cuộc thi cụm liên trường do 4 tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lào Cai tổ chức năm học 2020 – 2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.