Nữ sinh khai sinh “Ẩm thực dạo Hà thành“

Từ những câu chuyện của bà, Nguyễn  Lê Phương muốn làm một điều gì đó để giữ gìn văn hóa ẩm thực truyền thống Hà thành, giới thiệu và quảng bá nền văn hóa đó tới du khách nước ngoài khi họ ghé thăm Thủ đô.

Nữ sinh khai sinh “Ẩm thực dạo Hà thành“

Tái hiện văn hóa ẩm thực Hà thành xưa

Trong câu chuyện của bà về các món ăn cổ truyền của Hà Nội, Nguyễn Lê Phương (năm cuối, Kinh tế Đối ngoại, trường ĐH Ngoại thương) sớm nhận ra giọng kể của bà chứa nhiều sự tiếc nuối. 

“Bà mình bảo, ở phố Hàng Buồm có hàng phở xào bắp bò là món ăn đêm ngon nổi tiếng. Trước đây, chỉ cần bước chân đến đầu phố, mùi thơm nức của món ăn đã dậy lên khiến người ta nao lòng. 

Giờ dọc phố này là hàng loạt các quán bar, khách khứa rầm rập, âm thanh loa đài, tiếng nói tiếng cười khiến bầu không khí ẩm thực không còn được như xưa nữa. 

Rồi bà còn kể rất nhiều về hàng phở này, quán bún kia đã có truyền thống mấy đời, người nào làm ngon nhất và hiện nay nó ra sao…” - Phương chia sẻ.

Phương còn để ý thấy, nhiều du khách đến Hà Nội rất muốn thưởng thức ẩm thực truyền thống của Thủ đô song do “lạ nước lạ cái” nên nhiều người chọn cách đi theo tour, đến các quán ăn mà công ty du lịch đã định sẵn. 

Nét đặc trưng của Hà Nội là các quán ăn ngon thì thường mang tính đường phố, trong khi đó, các công ty lữ hành thường đưa du khách vào các quán mà họ đã hợp đồng từ trước để hưởng lợi nhuận, “hoa hồng”. 

Từ những trăn trở đó, Phương bắt đầu suy nghĩ và ấp ủ về việc làm một điều gì đó để giữ gìn văn hóa ẩm thực truyền thống Hà thành, đồng thời, giới thiệu và quảng bá nền văn hóa đó tới du khách nước ngoài khi họ ghé thăm Thủ đô.

“Ẩm thực dạo Hà thành” được “khai sinh”thebox-anvatsgNghĩ là làm, Phương tìm hiểu thêm các kiến thức ẩm thực cũng như văn hóa ẩm thực của người Hà Nội xưa rồi dựa vào những hiểu biết đó “bắt mối” và rủ một vài người bạn tham gia dự án cùng mình. 

Nhóm 5 người gồm 4 cô gái (Trường ĐH Ngoại thương) và một chàng trai (Học viện Ngân hàng) cùng dự án “Ẩm thực dạo Hà thành” chính thức được “khai sinh”. 

Cô bạn cho biết, từ “dạo” ở đây vừa có nghĩa là đi dạo phố, vừa có nghĩa là những gánh hàng rong, hàng dạo. “Ẩm thực dạo” chính là nói đến những “món ăn đường phố” hoặc cũng có thể nói đến những món ăn theo từng con phố Hà Nội.

Ngoài việc đọc sách báo, Phương cùng nhóm của mình thường xuyên thực hiện các “food tour” theo chủ đề (món chay, món nước, món ngọt…), từ đó, so sánh các quán với nhau, cả về chất lượng lẫn thái độ phục vụ.

Nhóm cũng tiến hành khảo sát ý kiến của khách du lịch nước ngoài và nhận lấy những phản hồi của họ, nhằm đánh giá cách thức họ tiếp cận với món ăn Hà Nội, chất lượng đồ ăn, thái độ phục vụ, mong muốn cải thiện gì… 

Từ những phản hồi thu được, Phương cùng nhóm của mình sẽ phân tích, tiến tới xây dựng một kênh tra cứu địa điểm ăn uống hiệu quả cho tất cả mọi người, đặc biệt là những thực khách lần đầu đến với ẩm thực Hà Nội. 

Kênh tra cứu này (thông qua website, ứng dụng di động) sử dụng song ngữ tiếng Việt (miễn phí) và tiếng Anh (có tính phí), nhằm giới thiệu các món ăn ngon, nổi tiếng và cổ truyền theo từng tuyến phố. 

Các nhà hàng, quán ăn để góp mặt trong danh sách này thì cần tuân thủ theo đúng bộ quy tắc đánh giá chung mà nhóm dự án biên soạn, dựa trên ý kiến của các chuyên gia ẩm thực.

“Để xây dựng được bộ quy tắc này không hề dễ dàng vì nó phải bao gồm có các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, lại vừa phải đảm bảo đồ ăn ngon, đạt chất lượng và đúng là cổ truyền chứ không phải tự nhận mình là cổ truyền” - Phương cho biết. 

Hiện Phương đang là cộng tác viên cho một cơ sở đào tạo về ẩm thực Việt Nam, thường xuyên được tiếp xúc với các chuyên gia ẩm thực, các thành viên khác trong nhóm cũng đang viết bài cộng tác, blog về ẩm thực cho các báo, trang tin nên cũng có nhiều mối quan hệ với các cửa hàng quán ăn. Đây là một lợi thế rất lớn để nhóm từng bước hoàn thiện dự án của mình.

Hiện Phương và nhóm của mình rất “tích cực” đi ăn uống để góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các quán ăn cổ truyền Hà thành. Ngoài các món ăn đã phổ cập và có trong từ điển như phở, bánh mì… thì việc dịch các món ăn thuần Việt sang tiếng Anh không hề là chuyện dễ. 

Để “chạy” dự án, hiện nhóm còn phải tự kiếm tiền từ nhiều nguồn khác nhau rồi dùng chúng để duy trì các hoạt động chung. “Thỉnh thoảng, mình hay nhận được các cuộc gọi của bạn bè hỏi xem đang ở phố này, phố kia, nên ăn món gì thì ngon, hợp lý. 

Không biết từ lúc nào, nhiều bạn đã coi mình là cuốn “từ điển” ăn uống, điều này khiến mình ngượng nhưng cũng khiến mình cảm thấy vui và có động lực vì nhờ nó mà mình hiểu rằng dự án này rất thiết thực cho số đông mọi người” - Phương cho biết.

Theo Sinh viên Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...