"Nữ hoàng học bổng" và chiếc điện thoại màn hình đen trắng

GD&TĐ - Trương Linh Huyền - SV lớp Tài năng Sinh học (Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN) được người thân gọi vui là "nữ hoàng học bổng". Mới đây, Huyền lại đoạt giải nhì nhóm nghiên cứu khoa học công nghệ tế bào gốc chữa bệnh ung thư. Trò chuyện với nữ sinh tài giỏi, cảm xúc đọng lại mãi từ câu chuyện... chiếc điện thoại của cô gái yêu khoa học.

Trương Linh Huyền chụp ảnh với bạn sau khi nhận giải thưởng nghiên cứu khoa học.
Trương Linh Huyền chụp ảnh với bạn sau khi nhận giải thưởng nghiên cứu khoa học.

Những cái duyên đều gắn liền với Sinh học

Huyền nghiên cứu khoa học, thí nghiệm với những máy móc công nghệ, tham gia các chương trình giao lưu quốc tế như trao đổi hè tại Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc... nhưng bản thân cô gái lại dùng một chiếc điện thoại "màn hình đen trắng" chỉ có chức năng nhắn tin và gọi điện thoại.

Từ chiếc điện thoại giản dị của Huyền, lại có thêm những câu chuyện rất cảm động vì ý chí, nghị lực của cô gái nhỏ nhắn.

Huyền kể: Được đi học, được học đã là ước mơ cháy bỏng của em, nên em chỉ cố gắng làm sao để bản thân có thể học được nhiều nhất có thể. Tiền học bổng em đã trang trải những đợt học phí, và đầu tư cho nghiên cứu khoa học nên chưa chú ý nhiều đến việc "tân trang" cho điện thoại.

Không màu mè trưng diện, không điện thoại lướt Web , Huyền nỗ lực vượt khó đặt mục tiêu học thật giỏi để thoát nghèo.

Nhớ lại khi đỗ thủ khoa vào trường chuyên THPT ở Ninh Bình,  bố định lên rút đơn vì nhà không đủ điều kiện. Thầy hiệu phó đã ân cần động viên gia đình. Mắt bố Huyền đỏ hoe, run run cầm bảng điểm có tên con mình đứng đầu tiên, vui đến nỗi không nói nên lời

Huyền im lặng nhìn bố, vừa thương người cha già bao năm khắc khổ vì con cái, vừa muốn đi học trường chuyên. Cuối cùng, một phút khó khăn trong đời, bố cứng rắn quyết định con gái sẽ được học theo đúng năng lực của mình để theo đuổi ước mơ. 

Huyền đã bắt đầu với lớp chuyên Sinh của trường từ đó và những học bổng liên tiếp của cô đã an ủi phần nào sự hi sinh của gia đình.

Không có giới hạn cho nam và nữ

Duyên với Sinh học đến từ đây, Huyền thi đỗ vào lớp Sinh học tài năng của Trường ĐHKHTN, bắt đầu với những nghiên cứu về Sinh học, giành rất nhiều học bổng. Đặc biệt, cô gái trẻ tuổi còn đoạt giải nhì chung cuộc nghiên cứu khoa học về công nghệ tế bào gốc chữa bệnh ung thư.

 Huyền chia sẻ: Em may mắn được PGS. TS Hoàng Thị Mỹ Nhung- Phó trưởng bộ môn Sinh học Tế bào, Khoa Sinh học truyền cảm hứng với các hướng nghiên cứu của nhóm Ung thư học thực nghiệm do cô phụ trách.

Từ đó em cố gắng tìm hiểu thêm từ các thầy cô, anh chị khóa trên và bạn bè để bổ sung và nuôi dưỡng niềm say mê với Sinh học nói chung và Ung thư học nói riêng. 

Em rất mong muốn được góp phần công sức của mình vào cuộc chiến với căn bệnh Ung thư quái ác. Bởi mỗi khi nhìn thấy những bệnh nhân Ung thư với những đợt xạ trị, rồi đau đớn giai đoạn cuối, không có cách nào cứu chữa, em thấy không cam lòng.

Cũng vì lý do đó, Huyền cùng một người bạn thân lấy tên nhóm là Reventon cùng thiết kế ý tưởng: Thiết kế hệ dẫn truyền thuốc hướng đích tế bào gốc ung thư.

Ý tưởng trên được hình thành với mơ ước có một ngày chữa được triệt để căn bệnh ung thư, để không còn những nỗi đau đớn mỗi khi ung thư tái phát sau điều trị.

Là cô gái nhỏ nhắn và rất chăm chỉ, với những thành tích của mình, Linh Huyền vẫn rất khiêm nhường nuôi ước mơ để trở thành nhà khoa học nghiên cứu ra những điều có ích phục vụ cuộc sống.

Nhận được câu hỏi: Là con gái, nghiên cứu khoa học có khó khăn không? 

Huyền khẳng định: Làm khoa học là con đường không dễ đối với cả nam và nữ. Bản thân em cũng không quan niệm là con gái thì chỉ làm ngành này, mà không phù hợp với ngành kia. 

Đối với em, là giới nào cũng có thể làm được những việc mình yêu thích, khoa học không có giới hạn cho riêng nam hay nữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ