Một lần nữa khán giả được nghe và trò chuyện với giọng ca mà suốt hơn 50 năm qua đã đi vào lòng nhiều thế hệ người nghe nhạc Bolero.
Nhiều người cho rằng, Thanh Tuyền là một trong những giọng ca Bolero kinh điển của Việt Nam, ảnh hưởng đến nhiều lớp ca sĩ đàn em. Nhiều người vẫn nhớ, hồi năm 1965-1966 những người mến mộ đã gọi Thanh Tuyền là “Nữ hoàng Bolero”.
Trở về Việt Nam lần này, danh ca Thanh Tuyền tâm sự: “Tôi nghĩ trời sinh tôi ra để hát. Định mệnh trong máu tôi rồi. Hễ nhạc nổi lên là cảm xúc đầy ắp trong tim.
Tôi lớn rồi, không trẻ trung như các em trẻ nữa. Sân khấu đã cho mình quá nhiều điều, nhờ đó mà mình mới có được tình cảm của mọi người nên ca sĩ không bao giờ dám nói bỏ sân khấu.
Nếu ơn trên còn cho tôi hát thì tôi vẫn tiếp tục cho đến khi không thể nữa thì thôi. Tôi đã được lời nhiều quá rồi. Mọi thứ với tôi bây giờ là cộng thêm. Chính vì điều đó nên tôi giữ gìn sức khỏe thật tốt và sống bằng cái tâm”.
Không ít khán giả đã nhận xét rằng, dù đi hát thường xuyên và nhiều năm trôi qua nhưng bà vẫn giữ được chất giọng rất tốt, có thể nói là không khác so với lúc mới nổi tiếng.
Lý giải điều này, Thanh Tuyền chia sẻ: “Vì quá đam mê nên lúc nào tôi cũng giữ giọng hát như là báu vật. Chẳng hạn trước mỗi buổi diễn, tôi luôn lo lắng mình sẽ bệnh bất ngờ, cho nên giữ gìn từ ăn uống, giấc ngủ. Mọi chuyện đều có thể bỏ qua hết để tập trung trên sân khấu”. Bà cũng không giấu giếm mình là người ham học hỏi.
“Tôi học hỏi nhiều lắm. Cái gì cũng học. Tôi đã có chất giọng rồi thì tôi xem những rung cảm của họ diễn như thế nào. Nhưng nói chung nếu chỉ học hỏi mà không yêu nghề thì cũng không đi đến đâu.
Tôi hát một bài giống như là Thiền vậy chứ không phải chơi chơi. Khi hát tôi không cần biết khán giả ngồi dưới là những ai. Tôi chỉ đắm chìm trong từng lời ca. Sống phải có âm nhạc thì tôi mới sống được”.
Bây giờ, Thanh Tuyền đang sống ở Mỹ. Nhưng một trong những mong ước lớn của bà đó là thực hiện một tour diễn xuyên Việt. Trong show diễn này, tất nhiên, bà vẫn sẽ hát những ca khúc được khán giả yêu thích và nhắc nhớ.
Nhưng nữ danh ca cũng cho rằng, tùy ở mỗi địa phương bà sẽ có một số thay đổi để dung hòa cùng khán giả. Nếu không thế, các chương trình đều giống nhau. Mà Thanh Tuyền vẫn luôn “nặng tình” với khán giả.
“Khán giả lạ lắm, không thể diễn tả hết được. Họ thương mình từ ngày còn tóc xanh, cho đến bây giờ đã già lụm cụm. Phải dùng chữ “nặng tình” để nói về những tình cảm đó” - Thanh Tuyền tâm sự.
“Tôi là ca sĩ thì bất cứ dòng nhạc nào cũng hát được hết, nhưng tôi có duyên với Bolero nhất. Bây giờ dòng nhạc này đang quay trở lại cho thấy sức sống lâu dài vì đi sâu vào tình cảm thực tế của mỗi người. Dòng nhạc này chỉ có Việt Nam mới có”.
Nhưng ít ai ngờ, suýt thì đã không có một “nữ hoàng Bolero” Thanh Tuyền. Nhớ lại một thời đã xa, Thanh Tuyền kể: “Ba tôi là người xưa, quan niệm “xướng ca vô loại”.
Tôi còn nhớ nhà ở số 92 Duy Tân, Đà Lạt. Tôi ở trên gác. Mỗi lần đi hát là phải để đồ đi hát ở dưới nhà. Tôi mặc quần áo đồ bộ ở nhà thường thường thôi.
Canh lúc ba tôi không để ý là tôi tuột xuống nhà rồi nhờ cậu chở đi đến chỗ hát mới thay đồ. Lúc đó tôi mới 10 tuổi. Mê hát lắm.
Tới lúc tôi 15 tuổi được đài phát thanh ở Đà Lạt đến nhà xin cho đi hát, vì họ cần những giọng hát mới. Lúc đó ba tôi nể những ông trưởng ty nên cho phép tôi đi hát.
Cũng nhờ đài phát thanh mà chú Nguyễn Văn Đông mới tìm ra tôi vì chương trình phát về Sài Gòn. Từ đó tôi về Sài Gòn và nổi tiếng. Điều này đã thay đổi hoàn cảnh gia đình tôi.
Còn vì sao chọn nghệ danh Thanh Tuyền, bà tiết lộ: Tôi tên thật là Như Mai. Lúc đó Sài Gòn có rất nhiều ca sĩ tên Mai nên mọi người muốn đặt tên khác.
Thầy Nguyễn Văn Đông nói rằng tôi ở Đà Lạt có suối, thác, thông reo nên đặt là Tuyền nghĩa là suối, Thanh là cao nguyên xanh. Từ đó có tên Thanh Tuyền.