Nữ giảng viên luôn sát cánh truyền lửa cho sinh viên

GD&TĐ - Không chỉ tận tụy, đam mê, sáng tạo trong công việc giảng dạy, cô Mai Thị Ngoãn - ThS. Giảng viên chính, Trưởng khoa Cầu lông - Bóng bàn - Quần vợt Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội còn là người truyền cảm hứng, đam mê học tập cho sinh viên. 

Nữ giảng viên luôn sát cánh truyền lửa cho sinh viên

Dưới sự dẫn dắt của cô, rất nhiều sinh viên đã đem về những thành tích thi đấu thể dục thể thao ở các giải quốc gia và quốc tế.

Ở Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, mọi người đều rất quen thuộc với hình ảnh người nữ giảng viên dù trên giờ học hay trong hoạt động công tác xã hội, cô Mai Thị Ngoãn luôn sát cánh cùng sinh viên.

Mỗi tiết dạy cô đều cố gắng đưa những mô hình thực tế, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc của mình vào bài giảng để tránh tình trạng lý thuyết hóa kiến thức.

Sinh viên nào có khúc mắc cô sẵn sàng giải đáp hoặc có mặt ngoài giờ học khi họ cần, thậm chí chủ động ngồi lại cuối giờ để trao đổi. Có những buổi học dù đã kết thúc tới 6-7 giờ tối nhưng cô và sinh viên vẫn ngồi lại trò chuyện để nắm bắt tâm tư của các em và cũng là để trao đổi về chuyên môn.

Ngoài những giờ lên lớp, cô thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ để trò chuyện, động viên sinh viên cố gắng học và hoạt động câu lạc bộ trên tinh thần mình đã xây dựng.

Cô chia sẻ: đối với người giảng viên, điều quan trọng nhất là phải luôn tâm huyết với nghề, nhiệt tình với sinh viên, luôn giữ được những chuẩn mực về lễ giáo, luôn là tấm gương cho học viên noi theo.

Bên cạnh đó phải luôn nỗ lực không ngừng để nâng cao năng lực chuyên môn cũng như tìm tòi, nghiên cứu, tìm ra các phương pháp giảng dạy tích cực để truyền lửa cho sinh viên.

Nhất là với nghề đào tạo giáo viên giáo dục thể chất giảng viên không chỉ là người hướng dẫn sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, mà quan trọng hơn là biết khơi dậy ở các em niềm đam mê nghề để từ đó tạo động cơ học tập, nghiên cứu.

Bên cạnh đó người giảng viên cần phải có những yêu cầu về năng lực chuyên môn, yêu nghề và phải có năng lực thích ứng, năng lực quan sát để thích ứng được với yêu cầu đổi mới của giáo dục hiện nay, cũng như trong việc dạy học theo phương pháp dạy học tích cực.

Chính những suy nghĩ đó mà gần 20 năm giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, mặc dù đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác như Trưởng khoa Cầu lông- Bóng bàn - Quần vợt, Trưởng Ban nữ công trường, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Trường; Bí thư Chi bộ giảng viên, nhưng cô luôn tìm tòi và đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với nhu cầu của người học.

Nhiều đêm cô thức trắng với mong muốn tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, không chỉ để truyền đạt kiến thức mà còn truyền thụ nguồn cảm hứng về truyền thống cho học viên.

Cô luôn tự nhủ bản thân phải cố tìm “lối đi” hiệu quả nhất, phương pháp giảng dạy phù hợp nhất cho từng đối tượng học viên, làm sao để chuyển tải tốt nhất nội dung bài giảng. Từ đó, xóa bỏ lối tư duy cũ, phương pháp học theo lối mòn mà nhiều sinh viên vẫn đang nghĩ.

Vì thế cô dành nhiều thời gian để tập trung vào nghiên cứu khoa học sáng tạo. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay cô đã tham gia 8 đề tài cấp Bộ đươc ứng dụng cho chuyên ngành thể dục thể thao; biên soạn chủ biên nhiều giáo trình và tài liệu chuyên ngành nâng cao để sinh viên tham khảo…

Sự chịu khó tìm tòi, sáng tạo của cô đã được đền đáp không chỉ bằng sự tiến bộ của sinh viên trong học tập và rèn luyện, mà còn truyền lửa đam mê sáng tạo khoa học cho các thế hệ sinh viên nhà trường, giúp sinh viên liên tục tìm tòi về học thuật thể dục thể thao mang ý nghĩa thiết thực khẳng định qua những thành tích nổi bật.

Nhiều sinh viên được cô trực tiếp đào tạo đã không chỉ tốt nghiệp đạt kết quả loại giỏi và xuất sắc, mà ra trường đều phát huy được năng lực sở trường trong công tác.

Nhất là trong huấn luyện đội tuyển đi thi đấu, chỉ riêng 2 năm học 2015 - 2016 và 2016 - 2017, dưới sự hướng dẫn của cô, các đội tuyển sinh viên của trường đã đạt nhiều huy chương vàng bạc đồng.

Và mới đây là tham gia thi đấu giải Viên chức khối Asean đạt huy chương đồng; thi đấu giải Thể thao các nước khu vực sông Mê Công Lan Thương tại Côn Minh - Trung Quốc đạt 4 huy chương vàng…

Với những nỗ lực đó, liên tục nhiều năm liền cô đều đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp Cơ sở”, trong đó năm học 2012-2013 cô đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp Bộ”, được hiệu trưởng tặng hàng chục giấy khen. Được Chủ tịch Công Đoàn Giáo dục Việt Nam tặng 1 bằng khen, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng 3 bằng khen.

Và mới đây nhất cô được Hội đồng thi đua, khen thưởng Trường làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong giai đoạn từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2016 - 2017.

Đó thực sự là động lực để cô tiếp tục cống hiến. Còn đối với đồng nghiệp và sinh viên thì chính những hình ảnh tận tụy, đam mê, sáng tạo trong công việc giảng dạy của cô đang thực sự khơi dậy suối nguồn bất tận lòng yêu nghề tha thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.