Nữ giảng viên ĐH và những góc nhìn về định kiến giới

GD&TĐ - Mới đây, tại ĐH Thái Nguyên, Hội thảo về bình đẳng giới cho lãnh đạo nam/nữ trong trường đại học - một hoạt động của hợp phần nâng cao chất lượng tại các trường ĐH miền núi phía Bắc, được phối hợp tổ chức bởi Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4Skills) được tổ chức với hình thức đặc biệt: Hội thảo kín cho hai giới nam và nữ. 

Chuyên gia Cara Ellickson  trao đổi với học viên
Chuyên gia Cara Ellickson trao đổi với học viên

Câu chuyện của một số lãnh đạo nữ về những bất bình đẳng giới, định kiến giới mà họ từng trải qua khiến không ít người rơi nước mắt.

Chuyện lần đầu chia sẻ với đồng nghiệp

Hai chuyên gia của Chương trình, bà Cara Ellickson – Trưởng khoa Giới Trường ĐH Flinders và ông Glenn Davies - Chuyên gia về bình đẳng giới – được các nữ giảng viên, lãnh đạo Trường ĐH Thái Nguyên rất tin tưởng gửi gắm những tâm sự của mình - những góc nhìn về bất bình đẳng giới mà họ là nhân vật chính.

Một nữ giảng viên tâm sự bố mẹ chị đẻ 5 – 6 con gái nhưng vẫn cố đẻ thêm được con trai trong khi hoàn cảnh hết sức khó khăn. Khi đẻ được con trai, do sơ xuất của y tá, đứa trẻ bị ngạt rồi mất. Sau đó bố mẹ chị vẫn quyết tâm đẻ con trai tiếp và cũng toại nguyện. Nhưng trong tâm trí chị luôn hằn dấu về nỗi đau đớn, vất vả của mẹ.

“Mình trình bày thế này nhé!”
“Mình trình bày thế này nhé!”
Câu chuyện của một nữ lãnh đạo khác lại liên quan đến việc bố mẹ chị có 3 con trai, cố đẻ thêm con gái là chị. Nhưng mẹ chị chỉ ở bên con gái 18 tháng thì mất. Chị phải tự lập từ bé, hoàn cảnh sống khó khăn. Sau này chị lấy chồng lại hiếm muộn con cái, phải chịu nhiều điều tiếng, dị nghị từ những người xung quanh. May mắn 10 năm sau khi kết hôn chị sinh được một cô con gái. Niềm vui này khiến chị cảm thấy cuộc sống có nhiều thay đổi. Nghĩ đến hoàn cảnh của mình, chị cố gắng hết sức bù đắp cho con, để con không cảm thấy cô đơn như mình ngày trước…

Một nữ phó phòng chia sẻ câu chuyện của bản thân hết sức xúc động. Chị cảm nhận về định kiến giới từ khi còn rất nhỏ. Nhà chị có 3 chị em gái. Mẹ chị vì áp lực họ hàng cố đẻ thêm con trai nhưng lại là con gái. Em chị do ốm yếu nên mất sớm. Sức khỏe mẹ chị cũng suy giảm. May mắn thay, bố mẹ chị quyết định dừng lại, bằng lòng với 3 cô con gái hiện có.

Sau này lớn lên, lấy chồng, sinh con, nhận thức về định kiến giới của chị càng rõ rệt hơn. Chồng chị làm trưởng họ nên cũng bị áp lực từ mọi người xung quanh khi vợ đẻ 2 con gái. Nhưng chị đã thuyết phục chồng và thể hiện thái độ kiên quyết của mình: Cuộc sống là của mình, việc đẻ con cũng theo ý mình chứ không theo ý của người khác! Rất may mắn, chồng chị hiểu vợ và cũng “ngầm” ủng hộ vợ trong việc này.

Ông chồng đổ rác buổi trưa!

Các học viên thảo luận nhóm
Các học viên thảo luận nhóm 

Trong câu chuyện của các nữ giảng viên chia sẻ với chuyên gia luôn luôn có bóng dáng các ông chồng. Đa số đều thấu hiểu và chia sẻ với vợ. Và có câu chuyện về ông chồng lý tưởng khiến các chị em rất thú vị.

Một nữ giảng viên trìu mến kể về chồng luôn giúp đỡ vợ việc nhà. Anh coi việc nấu cơm, đi chợ, đổ rác, quét nhà, rửa bát… là việc đương nhiên mình phải làm và không có gì đáng phải bàn cãi. Thế nhưng, những người xung quanh lại xì xầm, có phần chế giễu, bảo: Ơ, đội vợ lên đầu kìa, đàn ông sao phải làm vậy… Dần dà, nói nhiều quá khiến anh lại phải tìm cách khác để làm sao vừa giúp được vợ, vừa giữ được “sĩ diện” trước mọi người.

Ví như buổi chiều anh về nấu cơm cho vợ, nhưng nếu có bạn bè đến tìm, anh sẽ mặc quần áo chỉnh tề từ phòng ngủ ra rồi bảo khách: Đến rồi à, mình vừa đi làm về! Mọi khi đổ rác vào buổi tối, nhưng đi lúc đó nhiều người nhìn thấy lại nói nọ kia, giờ anh đổ rác vào… buổi trưa. Thoắt ẩn thoắt hiện rất nhanh để không ai thấy! Từ chối nhậu với bạn bè nhưng sẽ tìm một cớ khác, chứ không thật thà bảo: “Tôi về nấu cơm cho các cháu” như mọi khi. Có lần, bạn đến nhà, mẹ anh nói: “Cháu ngồi chơi một tý chờ anh đang rửa bát rồi ra”, anh cằn nhằn mãi, nói: Lần sau mẹ nói con bận nhé, đừng bảo là rửa bát…

Cứ thế, người đàn ông đảm đang giúp vợ con lại phải tìm mọi cách để giấu đi những việc làm tốt của mình, chỉ để không bị khác biệt, không bị bàn tán.

Thế giới thay đổi khi ta thay đổi

Sau hai buổi hội thảo tập huấn về bình đẳng giới, TS Phan Thị Thu Hằng - Giám đốc TT đào tạo theo nhu cầu xã hội – Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) – cho rằng nhiều khi bị tác động, do định kiến về mặt xã hội, mọi người coi những người đàn ông giúp vợ con trong gia đình như một điển hình và có những cách đánh giá khác nhau dẫn đến về mặt tâm lý người đàn ông trở nên e ngại. Nên coi đó là việc đương nhiên, việc bình thường trong xã hội.

Tiếp thu kiến thức từ các chuyên gia Australia, các nữ giảng viên đã lan tỏa những góc nhìn tích cực về giới, bình đẳng giới, định kiến giới ngay trong gia đình mình, rồi đến sinh viên trong các bài giảng trên lớp, lồng ghép những nội dung này trong các bài học phù hợp. Ví như các giờ học của các giảng viên lồng ghép nội dung về tôn trọng sự khác biệt. Hay như TS Phan Thị Thu Hằng, với vai trò vừa làm công tác quản lý, vừa làm công tác giảng dạy, hoạt động nữ công, công đoàn, các hoạt động chị tổ chức đều hướng tới nữ và tranh thủ sự ủng hộ của nam kể cả cấp lãnh đạo, tổ, nhóm.

Cứ thế, mưa dần thấm lâu, các nữ giảng viên ĐH mong sẽ dần phá bỏ những định kiến giới tồn tại lâu nay trong xã hội.

"Thế giới thay đổi khi ta thay đổi. Vì vậy mình phải thay đổi trước thì mới khiến được người khác thay đổi theo. Để phá bỏ định kiến giới, tôi thể hiện sự tự lập, khẳng định mình, không thái quá nhưng thay đổi quan điểm vợ phải phụ thuộc vào chồng" - chị Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Hành chính Tổ chức - Trường ĐH Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.