Vẫn như con tằm rút ruột nhả tơ
Tôi cũng không muốn viết những câu đại loại như dù sao, chị vẫn là người nghệ sỹ nhân dân trong lòng công chúng, bởi những lời có cánh ấy chỉ đóng vai trò là lời an ủi suông.
Thế nhưng, cuộc sống là cuộc sống, tuy không tránh khỏi những lúc chạnh lòng, nhưng Minh Hằng vẫn như con tằm rút ruột nhả tơ cho đời. Như phải thế.
Khán giả bây giờ, nếu nhắc đến chị, thì sẽ kể đến những vai diễn trên truyền hình, bởi mức độ phủ sóng của ngành công nghiệp giải trí này là không phải bàn cãi.
Sẽ trầm trồ bởi chị vào vai bà Phó Đoan ngọt quá, như thể vai diễn được dành riêng cho chị. Sẽ chăm chú theo dõi các vai Táo Quân của chị dịp cuối năm.
Và việc khen diễn xuất của chị, nói một cách dân dã, chẳng khác gì việc khen “phò mã tốt áo”. Thế nhưng trong nghệ thuật, cũng như các ngành nghề khác, thành công không phải tự nhiên mà có được. Đến với sân khấu một cách tình cờ, để có được như ngày hôm nay, Minh Hằng đã phải cố gắng rất nhiều.
Sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, bố mẹ làm ngành y, chị bước vào lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ bằng sự hồ hởi của tuổi trẻ và bằng sự khó khăn vì không phải con nhà nòi.
Khái niệm “con nhà nòi” trong nghệ thuật tồn tại là có lý của nó. Được nuôi dưỡng trong môi trường nghệ thuật, người ta đã quen với ánh sáng sân khấu, quen với cách nhập vai từ lúc còn nhỏ là thời điểm dễ tiếp nhận thông tin nhất.
Minh Hằng thì không, chị khởi nghiệp từ con số 0 tròn trĩnh. Và nhìn lại những gì chị đã cống hiến cho đời, thì người ta chắc đủ hiểu, chị đã phải cố gắng như thế nào.
Lợi thế của Minh Hằng trong nghề diễn nằm ở khuôn mặt đậm chất Á Đông của chị. Với đôi mắt biểu cảm, với lối diễn tự nhiên như không diễn, chị luôn là đích ngắm của các đạo diễn cả sân khấu lẫn điện ảnh cho các vai cá tính. Ngoài ra, chị làm chủ rất tốt đài từ.
Cũng những lời thoại ấy, khi chị thể hiện, chúng được đẩy cao đến mức nếu ở những diễn viên đài từ kém, khán giả sẽ không nghe được.
Còn khi Minh Hằng thể hiện, khán giả vẫn nghe rõ từng từ, kể cả khi chị nói rít qua kẽ răng, hoặc khi chị nén hơi xuống, hoặc bóp tiếng để tạo ra một giọng riêng biệt cho nhân vật. Nghe qua thì tưởng đơn giản, nhưng để thành công ở những kỹ xảo ấy, người nghệ sỹ phải luyện tập rất chăm chỉ và thường xuyên.
Những vai Minh Hằng thể hiện đều mang đậm dấu ấn riêng của chị. Ngay cả khi chị vào những vai chanh chua, đanh đá nhất, khán giả vẫn thấy nhân vật ấy “đáng ghét một cách đáng yêu”.
Có khi là vai một bà mẹ chồng yêu con trai đến mức độ nhìn con dâu như quái vật trong chùm hài kịch ở Nhà hát Tuổi trẻ, với những động tác run rẩy chỉ thấy ở người già, rồi thoắt cái, bà mẹ chồng ấy lại hát nhạc chế như người ta vẫn thường gặp trong các clip trên mạng.
Cách chị làm chủ sân khấu khiến nhiều khi, một mình chị cũng đã đủ khả năng làm đầy sân khấu. Và bằng vốn ngoại ngữ tự học là chính của mình, Minh Hằng ít khi gặp khó khăn khi phải thể hiện thổ âm của các vùng miền khác nhau, góp phần cùng các nghệ sỹ của Nhà hát Tuổi trẻ làm sống lại sân khấu phía Bắc qua những chương trình hài “Đời cười” nổi tiếng từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Chuyện tự học ngoại ngữ của Minh Hằng, bắt đầu từ khi chị phải lao ra kiếm sống ở thời điểm mà sân khấu đang đi xuống. Chị tự học, và dịch các bài viết cho các tờ báo.
Để dịch được báo viết, ngoài vốn ngoại ngữ, người dịch phải có vốn sống, kiến văn rất rộng, điều mà ngay cả những sinh viên tốt nghiệp ngành ngoại nhữ còn rất thiếu.
Thế nhưng Minh Hằng đã làm được, và làm rất tốt. Và việc dịch thuật, phần nào đó, tác động trở lại nghề diễn của chị. Ít nhất, nó giúp chị thẩm tốt hơn các nhân vật mà mình sẽ thể hiện trong tương lai. Dịch là phản, dịch cũng là sáng tác một lần nữa.
Minh Hằng không phải là típ diễn viên bị gọi bằng tên nhân vật. Nếu như NSND Thế Anh luôn được gọi là Ba Duy, NSND Lan Hương được mệnh danh là “Em bé Hà Nội”, thì Minh Hằng vẫn chỉ được người ta gọi bằng cái tên thường thấy trên bảng phân vai. Đơn giản là bởi, chị luôn làm tốt các vai diễn đã nhận.
Lối diễn của chị tưng tửng như không diễn, không quá nhập vào vai diễn, luôn giữ một sự tỉnh táo nhất định. Cũng chính vì thế mà viết chân dung về chị, là một việc tương đối khó khăn.
Và cũng bởi, có một khoảng thời gian, chị tránh xuất hiện trên báo. Bởi chị có những chuyện riêng không muốn thổ lộ. Và công chúng thì luôn muốn biết về đời tư của nghệ sỹ, do sự tò mò chưa bao giờ thôi kích thích trong mỗi con người.
Trừ những tạp chí chuyên ngành, còn bình thường, khi viết về nghệ sỹ, người ta luôn muốn khai thác đời tư, để đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Chị không thể làm mẹ theo cách thông thườngMinh Hằng không được may mắn như những người phụ nữ khác. Chị không thể làm mẹ theo cách thông thường. Khoảng thời gian chị ít xuất hiện trên báo, cũng là khoảng thời gian chị sống một mình.
Chị vẫn vui vẻ trả lời báo chí những gì liên quan đến vai diễn của mình, đến nghề nghiệp của mình, nhưng luôn giao hẹn trước là không trả lời về đời tư.
Cũng đã từng dịch cho các báo, chị hiểu rằng không nên làm khó các nhà báo, bởi nghệ sỹ và nhà báo luôn song hành như điều tất yếu của nghề.
Tôi gặp chị lần đầu tiên cách đây cũng chừng 14,15 năm. Lúc đó, tôi thực hiện một chuyên mục mới cho Tạp chí Thế giới Điện ảnh có cái tên rất hấp dẫn là “Những người nổi tiếng từ A đến Z”.
Thực ra chuyên mục này cũng chẳng mới mẻ gì với báo chí nước ngoài, chỉ là hồi đó chúng tôi bắt đầu chán với những bài viết ngập chữ, những câu phỏng vấn bắt đầu bằng “Chào anh/chào chị, xin cho hỏi”, rồi kết thúc bằng “Chúc anh/chị thành công”.
Chuyên mục này dành cho những nghệ sỹ, những nhà văn hóa đã thành danh, chỉ đơn giản là tất cả các câu hỏi sẽ tuần tự bắt đầu và kết thúc theo thứ tự bảng chữ cái. Tôi nhận nhiệm vụ đưa câu hỏi cho Minh Hằng.
Nói thực là đọc các câu hỏi thì bò ra cười, bởi rất nhiều câu bị ép do chữ cái. Ai đời đến vần X tôi đặt câu hỏi là “Xôi hay sữa là món chị thích”, và chị trả lời đúng một chữ “Xôi”.
Thế nhưng, chuyên mục này vì tính ngộ nghĩnh của nó, lại được độc giả rất thích. Đại để như, khi phỏng vấn đạo diễn Lê Hoàng, đến vần O thì bí quá rồi, chẳng nghĩ ra chữ gì, chúng tôi hỏi “O với chữ L đằng trước phải chăng là tâm trạng của đạo diễn khi nhận phim”...
Sau khi trả lời xong những câu hỏi lúc thì nghiêm túc như hỏi thi, lúc thì như sự tò mò, Minh Hằng cũng không nhịn nổi cười. Đến khi gặp được người chồng bây giờ, chị cởi mở hơn với báo chí. Vì có nhiều việc gia đình để lo, chị cũng không nhận nhiều vai diễn nữa.
Từng ấy năm sống một mình, cũng là nhiều, cũng là đủ để chị dành khoảng thời gian sau này cho gia đình. Cũng chính vì thế, các vai diễn mà chị nhận đều được chị đầu tư cả thời gian lẫn chất xám nhiều hơn.
Khiến cho các vai diễn ấy luôn thành công và để lại ấn tượng cho khán giả. Chẳng hạn như, các đạo diễn phim hài luôn đo ni cho chị ở các vai mệnh phụ phu nhân, các bà huyện bà phủ trong các bộ phim hài cải biên từ tích dân gian.
Nói không quá, ở dạng vai này, Minh Hằng là lựa chọn hàng đầu. Ở cách diễn của chị, người ta thấy một chút lẳng lơ của các vai đào lẳng trong chèo, cái quý phái của các vai mệnh phụ trong kịch cổ điển, vẻ sang trọng của phụ nữ Hà Nội xưa.
Với một nghệ sỹ biểu diễn, để được là ngôi sao hàng đầu trong một mảng nào đó, cũng đã là quá đủ để tự hào về mình. Bởi trong nghệ thuật, một là tất cả, hai là không là gì.
Tức là người nghệ sỹ phải khẳng định được cái riêng của mình trong nghề, để không bị nhạt nhòa trong biển người.Và Minh Hằng đã làm tốt điều đó. Bền bỉ, chăm chỉ, như con ong hút mật cho đời.