NSƯT Đức Khuê: Không là cái bóng người khác

NSƯT Đức Khuê: Không là cái bóng người khác

(GD&TĐ) - Dáng người hơi lọ mọ, trông anh giản dị và chân thật như một trí thức nông thôn, thường được giao những vai hiền, nghèo, thật thà, khổ sở nhưng anh lại giữ được ấn tượng lâu bền trong lòng khán giả. Sự cần cù, chỉn chu, nghiêm túc trong công việc đã mang lại cho nghệ sĩ Đức Khuê nhiều thành công trong nghệ thuật. PV Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ về những trăn trở về nghề diễn.

Anh có thể chia sẻ về con đường đến với nghệ thuật của mình?

- Có thể nói rằng, con đường đến với nghệ thuật của tôi không suôn sẻ như một số anh em nghệ sỹ khác. Tôi tốt nghiệp Đại học Thương mại, nhưng lại không làm “công việc đã được đào tạo” mà lại xin vào làm việc tại Nhà hát Tuổi Trẻ với công việc ban đầu là bảo vệ, soát vé, sau đó may mắn đỗ khóa đào tạo diễn viên của Nhà hát (1990 - 1994) và rồi tôi công tác tại đó cho đến nay. 

Có người nói rằng Đức Khuê ở trên sân khấu diễn mà như không diễn. Anh nghĩ sao về điều này? Và đâu là bí quyết để làm nên điều đó?

- Có lẽ là do khán giả yêu mến và dành nhiều tình cảm cho tôi nên mới đưa ra kết luận như vậy thôi, chứ  thực sự tôi  cũng không biết là mình diễn hay không diễn là như thế nào. Tôi chỉ có thể nói về tôn chỉ nghề nghiệp của mình, đó là chân thực. Trong quá trình làm việc, tôi luôn thực hiện đúng tôn chỉ đó qua các vai diễn của mình trên sân khấu cũng như trên truyền hình và phải làm sao để các vai diễn đều mang theo nó hơi thở của cuộc sống, mẫu nhân vật phảng phất đâu đó quanh ta để gần gũi với khán giả.

Anh quan niệm thế nào về nghề diễn?

- Tôi luôn tâm niệm, nghề diễn cũng như một đứa trẻ, phải trải qua những bước chập chững đầu tiên trong đời, phải học bò, rồi mới tập đi, biết chạy. Bởi vậy, như một con chim ri tha lâu đầy tổ, biết rất rõ trên đời này làm gì có sẵn “của rơi” để nhặt, mà tất cả đều phải do mình tạo ra.

Vai diễn nào cũng vậy, tôi luôn cố gắng hết mình. Nhận kịch bản, tôi đọc rất kỹ, kể cả những phần không phải đất của mình. Để nhuyễn lời thoại – đương nhiên, nhưng còn là để hiểu thật sâu những điều mà tác phẩm muốn thể hiện, để ăn khớp với cả ê-kíp sáng tạo. Tôi luôn đặt câu hỏi “Nhân vật này là ai, tại sao lại có mặt, sự xuất hiện của nhân vật ấy đòi hỏi mình phải thể hiện như thế nào?” 

Nghệ sĩ Đức Khuê
Nghệ sĩ Đức Khuê

Khán giả cả nước biết Đức Khuê chủ yếu qua các vai hài trong chương trình Gala Cười. Dư luận gần đây lên tiếng khá nhiều về sự dung tục hóa trong hài kịch, không đánh giá cao những người làm hài, anh nghĩ sao về điều này?

- Tôi không sợ mình sẽ mất đi ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Công việc phải đặt trên hết, dù là hài kịch hay chính kịch thì người nghệ sĩ cũng phải cố gắng hết mình. Tuy nhiên khán giả đã quá quen thuộc Đức Khuê với những vai hài nên hễ tôi bước ra sân khấu, khán giả lại cười ồ lên, dù vai diễn của anh lúc đó chẳng có gì đáng cười cả: Một cụ đồ suy tư, một ông bố đầy nỗi niềm... Những lúc như vậy, tôi phải tự nhắc mình biết chấp nhận phản xạ tự nhiên của khán giả và cố gắng dắt họ dần dần trở lại vở kịch... 

Anh có chờ đợi một vai diễn để đời không?

- Không ai chọn được vai cho mình. Vai diễn hay hay dở là ở người diễn viên. Tôi chỉ tâm niệm: Đã là nghệ sỹ chỉ phải có cái riêng, không nên là cái bóng của người khác để qua mỗi vai diễn khán giả đều nhận ra mình. Hạnh phúc của người nghệ sỹ chỉ có thế thôi.  

Ai là người mang lại tiếng cười cho anh sau khi trở về từ sàn diễn?

- Không ai khác chính là mình thôi. Tôi có sự phân biệt rạch ròi giữa công việc (nghệ thuật) và cuộc sống đời thường nên ít rơi vào trạng thái buồn bã, hụt hẫng. Đôi khi, người ta cứ bị ám ảnh bởi vai diễn nên tự cho mình là vua, là hoàng hậu thì làm sao phù hợp với cuộc sống hiện tại. Tôi mà như thế thì vợ bỏ từ sớm. Gia đình, bạn bè là một cách để tôi tìm thấy sự cân bằng về cảm xúc. Đúng hơn là tôi sống khá an phận, xong việc thì về nhà hoặc lang thang cùng bạn bè, nhưng nhất định không bao giờ một mình. Tôi rất sợ sự cô đơn.

Quan niệm của anh về hạnh phúc như thế nào?

- Một công việc yêu thích, một người vợ hiền, những đứa con ngoan... Tôi hài lòng về cuộc sống của mình.  Hạnh phúc, với tôi, là những bữa cơm ngon vợ nấu, là những buổi chiều cùng đón con tan học, là những lần vợ nhắc thoại khi anh tập kịch... Chỉ vậy thôi, nhưng không phải dễ tìm ở những ai trót đa mang với nghệ thuật. Tổ ấm không sóng gió, biến động ấy chính là nơi giúp tôi có được sự tĩnh lặng cần thiết để cần mẫn hơn với những vai diễn của mình.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị!

Đăng Huyền (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.