NSND Đàm Liên: “Ông già” đi hội nơi nao

NSND Đàm Liên: “Ông già” đi hội nơi nao

Lòng say nghề hiếm có

“Bởi lòng say nghề hiếm có mà NSND Đàm Liên đã có nhiều đóng góp lớn cho sân khấu tuồng nước nhà, từ những sáng tạo mới cho các vai diễn đến việc đào tạo thế hệ trẻ và góp sức trong lĩnh vực phê bình!” - NSND Hoàng Khiềm – nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam bắt đầu câu chuyện về NSND Đàm Liên với lời cảm thán đầy mến phục và trân trọng ấy.

Ông dẫn giải, là người được học nhiều vai mẫu từ các nghệ sĩ nổi tiếng: Minh Đức, Ngô Thị Liễu... trong quá trình làm nghề NSND Đàm Liên đã có những đóng góp rất lớn từ việc sáng tạo để đi vào những vai trong vở tuồng đương đại qua đề tài lịch sử. Bà đã không ngừng kế thừa nghệ thuật truyền thống một cách toàn tâm, toàn ý để đem đến cho sân khấu những sáng tạo mới đáp ứng nhu cầu khán giả đương đại.

Lấy ví dụ từ vai diễn “Ông già cõng vợ đi xem hội” – vai diễn để đời của NSND Đàm Liên, NSND Hoàng Khiềm kể: Từ những năm 1980, khi được giao vai diễn này, NSND Đàm Liên đã gặp phải khó khăn không nhỏ. Đấy là không có cơ sở nào để học vai mẫu theo tính chất truyền nghề nên ngoài việc đạo diễn gợi ý, bà phải tự nghiên cứu những động tác, lời nói, câu hát sao cho phù hợp với nhân vật. Từ đó, bà đã rất dày công khổ luyện để tạo ra được một nhân vật rất độc đáo – nhân vật 2 trong 1: Vừa mang tính bay bổng của sự cách điệu, khoa trương trong nghệ thuật tuồng vừa mang tính chân thực. Khi đó, người xem thấy được một hình tượng có thật nhưng không phải là thật. Nhớ có lần Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn tiết mục tuồng cổ này ở Yên Phong, Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), NSND Đàm Liên đã khiến khán giả cứ tưởng có một ông già cõng cô vợ trẻ trên lưng là thật. Có đôi ba người bán tin, bán nghi nên tranh cãi. Để phân thắng bại, họ mạnh dạn đánh cược và kéo nhau vào cánh gà tìm gặp để rồi số đông ngã ngửa trước... “ông già” Đàm Liên.

“Có lần NSND Đàm Liên kể lại với tôi, khi nhận vai, bà không chỉ nghiên cứu kỹ lưỡng mà còn có trải nghiệm thực tế bằng cách cõng mẹ của mình xem sức nặng như thế nào để tạo bước đi cho chân thực. Có thể nói, bằng niềm say mê, tìm tòi hết sức tỉ mỉ, công phu và sáng tạo, NSND Đàm Liên đã tạo ra vai diễn không chỉ để đời cho bản thân mà còn để đời cho cả sân khấu tuồng Việt Nam” – NSND Hoàng Khiềm nói.

NSND Đàm Liên: “Ông già” đi hội nơi nao ảnh 1
NSƯT Kiều Oanh bên NSND Đàm Liên (trái) trong lần chị đến thăm người thầy, người mẹ thứ hai của mình cách đây 2 tháng. Ảnh: NSƯT Kiều Oanh cung cấp

“Không có cô thì không có tôi!”

Là học trò cưng của NSND Đàm Liên, NSƯT Kiều Oanh (Nhà hát Tuồng Việt Nam) bảo rằng, đến giờ chị vẫn thấy chống chếnh khi nghe tin NSND Đàm Liên qua đời. Trước đó hai hôm, bà vẫn còn gọi điện từ bệnh viện cho chị, và luôn luôn: “Cô nhớ nên gọi. Không phải lên thăm cô, dịch Covid-19 nguy hiểm lắm”. Vậy mà...

NSƯT Kiều Oanh là một trong số nghệ sĩ đã được NSND Đàm Liên trao truyền vai diễn “Ông già cõng vợ đi xem hội” và bà đã luôn tự hào, sung sướng vì người học trò này lĩnh hội xuất sắc thần thái nhân vật. Vậy nên, lúc nào bà cũng ngóng chuyện từ học trò xem nay biểu diễn ở đâu và có diễn “Ông già cõng vợ đi xem hội” hay không.

Những năm qua, khi mắc bệnh hiểm nghèo phải chịu nhiều đau đớn, thế nhưng mỗi lần nghe Kiều Oanh kể chuyện đi diễn hay nói về tuồng là dường như trong bà có một luồng sinh khí mới, quên hết cả bệnh tật và say sưa chuyện trò. Nhớ nhất là lần NSƯT Kiều Oanh mời NSND Đàm Liên đến với lứa học sinh khóa 2014 - 2018. Mặc dù lúc ấy đang phải chạy thận, sức khỏe yếu, rất khó khăn mới bước lên được sàn tập nhưng khi đã đứng trên sân khấu thị phạm cho học sinh thì bà bỗng như trở về một Đàm Liên năm xưa khiến bao người mê đắm trong từng vũ đạo, câu hát. Hay như lúc hướng dẫn cho cậu bé Đức Vĩnh hóa thân vào vai “Ông già cõng vợ đi xem hội”, NSƯT Kiều Oanh đã xin phép bà được truyền dạy vai diễn cho Đức Vĩnh. Vừa dứt lời, bà liền nói: “Trời ơi, quá tuyệt vời...”. Sau đó, ngày nào bà cũng điện thoại tư vấn cho học trò nên biên tập trích đoạn làm sao gọn ghẽ trong 6 phút mà vẫn giúp Đức Vĩnh khoe tài để giành giải quán quân Vietnam’s Got Talent 2015.

“NSND Đàm Liên là người yêu nghề, giỏi nghề và yêu học trò có lẽ ít ai sánh bằng. Không chỉ riêng tôi mà với bất kỳ học trò nào đam mê với tuồng và đến nhờ là cô không những chỉ bảo tận tình mà còn đau đáu đêm ngày tìm mọi cách để giúp trò thành công. Với riêng tôi, nếu không có cô thì không có tôi! Tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi từ tuổi 18, 19 đã được cô dìu dắt, truyền cho tình yêu nghề Tổ và luôn được cô coi như con gái. Lúc lâm bệnh, cô đã tặng tôi hình nộm của vai diễn “Ông già cõng vợ đi xem hội” nên mỗi khi biểu diễn, tôi cũng như thấy hình bóng cô tươi cười động viên tôi gắng gỏi giữ nghề. Giờ đây, tôi đành phải xa mãi người thầy, người mẹ thứ hai của mình để chẳng thể nhờ cậy, dỗi hờn được nữa!” – NSƯT Kiều Oanh bùi ngùi nói.

“Tôi có may mắn được cùng diễn đôi với NSND Đàm Liên trong nhiều vở diễn, tiết mục trong nhiều hội diễn, các chuyến lưu diễn nước ngoài... Chẳng hạn như trong “Đào Phi Phụng” tôi diễn vai Phi Phụng, chị đóng vai Liễu Nguyệt Tiêm, trong “Nữ tướng Đào Tam Xuân” tôi đóng vua Triệu Khuông Dẫn, chị đóng vai Hàn Tố Mai – vợ vua... Nhớ nhất là năm 1990, tại hội diễn sân khấu ở Hải Phòng, tôi trong vai Lý Phụng Đình, chị Đàm Liên trong vai Loan Dung (vở tuồng “Lý Phụng Đình”), cả hai chúng tôi đều được Huy chương Vàng hội diễn. Với tôi, chị Đàm Liên là một nghệ sĩ có nhiều sáng tạo trong biểu diễn, luôn quan tâm đến sự phát triển của tuồng. Chị đã dẫn dắt và ảnh hưởng rất nhiều tới nghệ sĩ thế hệ sau và được nhiều người kính trọng như một người thầy từ lúc còn trẻ. Chị đã được nhiều người ái mộ, tôn vinh là “Bà chúa của sân khấu Tuồng”, “Nữ hoàng của sân khấu Tuồng”...”. - NSND Lê Tiến Thọ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.