NS Phó Đức Phương: Kẻ quay lưng, người ủng hộ

Điều ngạc nhiên là dù trung tâm của NS Phó Đức Phương được lập ra nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhạc sỹ, thế nhưng trung tâm lại bị một số nhạc sỹ quay lưng.

NS Phó Đức Phương: Kẻ quay lưng, người ủng hộ

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCMPC) được thành lập với mục đích giúp các nhạc sỹ thu được tiền tác quyền từ những ca sỹ, các đơn vị tổ chức chương trình. 

Với mục đích ấy, lẽ ra họ phải được các nhạc sỹ ủng hộ nhiệt tình, thế nhưng trong thực tế không ít nhạc sỹ lại tỏ ra bất bình với cách làm việc của VCMPC. 

Một số nhạc sỹ chọn cách không ủy thác việc thu tiền tác quyền cho VCMPC và chấp nhận việc để cho những đứa con tinh thần của mình bị tự do khai thác, thậm chí nhạc sỹ Phú Quang sau một thời gian dài hợp tác với VCMPC thì cũng đã đơn phương xin chấm dứt mối quan hệ này.

Nguyên nhân khiến cho các nhạc sỹ "quay lưng" lại với VCMPC chủ yếu là do họ không đồng tình với cách thu và chi của VCMPC. Mặc dù nhạc sỹ Phó Đức Phương khẳng định, trong số tiền tác quyền mà VCMPC thu, họ chỉ giữ lại 25% phí dịch vụ, còn lại đều thanh toán cho các nhạc sỹ. Tuy vậy, các nhạc sỹ vẫn chưa thôi thắc mắc về việc thu chi của VCMPC.

Trung tâm Bảo vệ tác quyền Âm nhạc Việt Nam do nhạc sỹ Phó Đức Phương làm Giám đốc đã ra đời và hoạt động được 12 năm

Nhạc sỹ Phú Quang - người mới đây đã quyết định ngừng hợp đồng ủy quyền với VCMPC - cho hay ông không đồng ý với cách làm việc của VCPMC là thu tiền đơn vị tổ chức một kiểu nhưng trả tiền cho nhạc sĩ kiểu khác. Ông cũng cho rằng, bản sao kê tiền thu từ VCPMC gửi cho ông không rõ ràng thu từ chương trình gì, ở đâu...

Trước đó, vào năm 2012, nhạc sỹ Phú cùng một số nhạc sỹ như Quốc Trung, Trần Bình....đã gặp gỡ báo chí để trao đổi về kiểu cách làm việc mà theo ông là mập mờ và nhiều sai phạm của VCPMC.

Phú Quang cho biết, VCPMC có trích lại một phần số tiền khai thác tác quyền các ca khúc của ông để trả cho các nhà thơ có tác phẩm mà ông sử dụng để phổ nhạc. 

Tuy nhiên, các nhà thơ này lại không nhận được tiền, ngoại từ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha là 2 người mà ông "xui" tới "trấn" mới lấy được. 13 nhà thơ không có lấy được một xu.

Nhạc sỹ Phú Quang cũng không hài lòng với việc VCMPC không rõ ràng trong việc chi trả tiền tác quyền cho các nhạc sỹ. Họ không nhận được đầy đủ các thống kê ghi rõ số tiền tác quyền ấy lấy từ chương trình nào và mỗi chương trình thu bao nhiêu.

Mặc dù đã được nhạc sỹ Phó Đức Phương cùng các nhân viên của VCMPC giải thích riêng trước đó nhiều lần và trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều ngày 22/8, nhạc sỹ Phó Đức Phương cũng nói lại một lần nữa và khẳng định có chi trả cho các nhà thơ. Tuy nhiên, nhưng nhạc sỹ Phú Quang vẫn không bị thuyết phục. Ông cho rằng, những lời giải thích ấy chỉ là những lời "cãi chày cãi cối".

Nhạc sỹ Phú Quang vừa chủ động ngừng hợp tác với VCMPC

Nhạc sỹ Trần Bình - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam - bức xúc về cách thu tiền tiền quyền của VCMPC. Theo công bố của VCMPC, tiền tác quyền đối với mỗi show diễn được họ tính theo công thức 5% x 75% số vé x giá vé trung bình (đối với các show được tổ chức ở miền Nam) và 5% x 65% số vé x giá vé trung bình (đối với các show được tổ chức ở miền Bắc).

Theo nhạc sỹ Trần Bình cách tính trên hoàn toàn là do VCMPC đưa ra mà không dựa trên bất cứ quy định nào của pháp luật. Nếu áp dụng theo Nghị định 41 (ra ngày 21/9/2006) thì mỗi buổi biểu diễn, bên tổ chức sẽ phải chi trả 15 - 21% doanh thu tiền tác quyền cho các tác giả bao gồm nhạc sỹ, người phối khí, người dàn dựng, biên kịch, họa sỹ... Như vậy tác quyền cho các nhạc sỹ chỉ là một phần nhỏ và mức 5% trong công thức tính tiền tác quyền cũng chỉ là mức mà VCMPC đặt ra.

Tiếp đến, VCMPC lại có thể tự ý thay đổi cách tính trên một cách khá tùy tiện. Ví dụ như trong show Khánh Ly diễn ra tại Hà Nội vào ngày 2/8/2014, VCMPC tính tiền tác quyền theo cách 5% x 65% số vé x giá vé trung bình, thế nhưng sau một hồi thương lượng với đơn vị tổ chức, họ lại giảm từ 65% xuống còn 40%. 

Cũng với show diễn của Khánh Ly đấy, nhưng khi diễn tại Đà Nẵng vào ngày 8/8 họ lại tính là 65%. Cách tính không đồng nhất này theo NS Trần Bình sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới 130 đơn vị nghệ thuật và hơn 2.000 công ty tổ chức sự kiện lớn nhỏ trong cả nước.

Nhạc sỹ Trần Bình nêu vấn đề: "Việc nâng giá vé gửi xe máy, ô tô lên mà các cơ quan chức năng còn phải bàn lên tính xuống chán mới quyết định được, vậy mà việc điều chỉnh số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng lại diễn ra một cách rất nhanh chóng và chỉ phụ thuộc vào quyết định một vài cá nhân như thế thì thật khó hiểu".

Nhạc sỹ Trần Bình cũng cho rằng, giá tiền tác quyền âm nhạc ở Việt Nam quá cao. Ông cho biết: "Bên Singapore, họ cũng chỉ đưa ra mức giá vào khoảng 5 - 7 đô Sing" (tương đương khoảng 85.000 - 120.000 VNĐ).

Nhạc sỹ Trần Bình đã nhiều lần chia sẻ những bức xúc về VCMPC

Trong khi đó, nhạc sỹ Quốc Trung - Người không ký hợp đồng ủy quyền với VCMPC thì lại bày tỏ sự nghi ngại về năng lực của những người thực hiện việc thu tiền tác quyền. 

"Đã gần 20 năm xây dựng văn hóa tôn trọng bản quyền ở Việt Nam thì đến nay cảnh vị phạm bản quyền âm nhạc vẫn tràn làn, các quan hệ vẫn như kiểu chợ búa. Hình ảnh của một ông giám đốc Trung tâm "bảo vệ" bản quyền ăn vạ như vậy thì dễ dàng hình dung được quy mô năng lực của họ đến đâu" - Tác giả của Đường xa vạn dặm chia sẻ trên báo chí.

Hơn nữa, nhạc sỹ Quốc Trung còn cho rằng, VCMPC mới chỉ khai thác chứ chưa có năng lực bảo về các tác giả âm nhạc trước việc vi phạm bản quyền.

Còn Cục Nghệ thuật Biểu diễn - một trong những đơn vị đã làm việc với VCMPC về vấn đề tác quyền âm nhạc cũng chưa thực sự đồng tình với cách hoạt động của VCMPC. 

Ông Đào Đăng Hoàn - Phó Cục trưởng - dù khẳng định ủng hộ quyền thực thi quyền tác giả nhưng chia sẻ trên báo chí rằng: "Hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc vì phía VCMPC chưa rõ ràng định mức thu, định mức chi trả phần trăm cho những nhạc sĩ đã ủy thác cho Trung tâm".

Cục Nghệ thuật Biểu diễn cùng từng từ chối kiến nghị của nhạc sỹ Phó Đức Phương nhằm yêu cầu các đơn vị tổ chức phải chứng minh rằng đã giải quyết xong việc chi trả tiền tác quyền rồi mới cấp phép biểu diễn cho họ.

Trong khi Nhạc sỹ Trần Bình, Phú Quang và Quốc Trung thể hiện sự không tin tưởng đối với VCMPC thì nữ ca sỹ - nhạc sỹ Bảo Lan của nhóm 5 Dòng kẻ lại lên tiếng ủng hộ. 

Bảo Lan chia sẻ trên báo chí: “Nhạc sỹ Phó Đức Phương đã đích thân tới các show diễn để làm việc với Ban tổ chức - việc mà lẽ ra phải có một bộ phận riêng làm - cho thấy sự đau đáu và quyết tâm của ông trong việc đòi công bằng cho người nhạc sĩ. 

Điều này làm tôi cảm thấy chạnh lòng, nhất là khi thấy dư luận ồ ạt lên tiếng chỉ trích ông với nhiều lời lẽ rất thiếu hiểu biết. Trong khi những điều ông và VCPMC mang lại cho nhiều nghệ sĩ là không thể phủ nhận”.

Theo www21.24h.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ