Nông dân miền Tây “gồng mình” qua mùa dịch!

Nông dân miền Tây “gồng mình” qua mùa dịch!

Đang lệnh cách ly, bán biết có ai mua!

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, vựa lúa, thủy sản miền Tây điêu đứng vì hàng hóa ùn ứ, sức mua giảm. Hết thanh long đến dưa hấu, mít thái cần cả nước vào cuộc giải cứu. Tình trạng cửa khẩu sang Trung Quốc hạn chế giao thương gần 2 tháng khiến nông sản miền Tây bị ùn ứ nghiêm trọng. Hệ lụy là nông sản rớt giá thê thảm, nông dân thua lỗ.

Trước tình cảnh này, nhiều nhà nông đành bán tháo nông sản với giá rẻ hoặc trông chờ vào thị trường nội địa. Tình hình dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng tới mỗi nông hộ, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, mua bán của các công ty. Nhiều công ty thủy sản, chế biến nông sản đang phải hoạt động cầm chừng.

Ngồi buồn bên bàn trà trước hiên nhà, lão nông Lê Văn Bé, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) lo lắng vì xoài đến vụ thu hoạch nhưng giá cả bấp bênh. Thương lái hứa đến thu mua nhưng cũng biệt tăm. Điều khiến ông lo nhất là tình hình cách ly xã hội 15 ngày, việc vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa ít nhiều bị ảnh hưởng.

Ông nói: “Xoài trên cây bắt đầu chín. Nếu không hái kịp sẽ hư hỏng và giảm chất lượng rất nhiều. Trước đây, thương lái tìm đến tận vườn thu mua, cho người hái rồi chuyên chở đi xuất khẩu. Giờ đây, thương lái biệt tăm, kiếm người thu mua rất khó khăn, trong khi giá xoài xuống thấp. Tình cảnh này khiến gia đình đành hái xoài đem bán lẻ. Nhưng đang lệnh cách ly, biết có ai mua không!”.

Anh Trương Tỉa, một hộ dân nuôi tôm trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng ăn không ngon, ngủ không yên vì tôm bị rớt giá, ế hàng. Anh Tỉa cho hay, hiện anh còn 3 ao tôm (cỡ 50 - 55 con/kg), sản lượng ước tính hơn 10 tấn. Tới thời điểm thu hoạch, anh đang tìm thương lái nhưng báo giá thấp, không ai mặn mà thu mua.

Anh Tỉa chia sẻ: “Vụ này tôm phát triển tốt. Nhưng hiện mật độ tôm quá dày. Tôi định bán bớt để giảm gánh lo tài chính cho gia đình. Nhưng giá tôm hiện tại quá rẻ. Tôi có liên hệ nhiều thương lái, họ báo giá chứ không có ý định mua. Hiện tại, chí phí điện nước cho tôm mỗi tháng hơn 20 triệu đồng, chưa kể chí phí thức ăn và thuốc cho ao nuôi. Tình trạng kéo dài thế này tôi cũng không biết tính sao!”.

Chia sẻ hoạt động mua bán trong tình hình dịch Covid-19 và cách ly xã hội 15 ngày, nhân viên kinh doanh một công ty thủy sản ở TP Cần Thơ cho biết, việc vận chuyển từ nhà máy đến cảng thì hiện tại không bị ảnh hưởng do công ty có đội ngũ xe đầu kéo, xe tải đông lạnh. Còn hàng xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước bị ảnh hưởng nhiều. Một số hãng tàu bỏ chuyến hoặc dời ngày. Do container rỗng hiện đang tập trung tại Trung Quốc và lý do tình hình dịch bệnh khắp thế giới nên việc soi chiếu, kiểm tra hàng tại cảng nước nhập khẩu chậm lại.

Bám thị trường nội địa, cầm cự chờ qua dịch

Chia sẻ về hoạt động vận tải trong mùa dịch bệnh, theo đại diện một hợp tác xã vận tải ở TP Cần Thơ, việc vận tải hàng hóa và hành khách sụt giảm hơn 50%. Đặc biệt là khi có lệnh cách ly xã hội 15 ngày thì việc vận tải sẽ còn sụt giảm sâu hơn. Vận tải hành khách cũng tạm dừng. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến khâu vận tải nông sản của nông dân. Thời gian này hợp tác xã chỉ hoạt động cầm chừng, chờ qua dịch bệnh sẽ có phương án tăng cường khác.

Đại diện hợp tác xã này cũng thông tin, dù cách ly xã hội 15 ngày, tuy nhiên các siêu thị vẫn hoạt động. Xe vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp vẫn được lưu thông, hoạt động bình thường. Khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, xe vận tải sẽ đến kho hàng gần nhất để lấy và cung ứng.

Theo ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, Sở đã có buổi làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và các công ty, doanh nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố. Để ký kết bảo đảm nguồn cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Không để xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá và yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh bán hàng trực tuyến... Sở cũng cung cấp thông tin các đơn vị bán hàng trực tuyến trên địa bàn thành phố để người dân nắm rõ.

Đối với mặt hàng lúa gạo, vụ mùa Đông Xuân ở miền Tây đã thu hoạch. Diễn biến dịch bệnh Covid-19 không quá đáng lo bởi hiện nay, Trung Quốc không phải là thị trường chiếm thị phần nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên sau khi có quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo, hiện giá lúa trong dân đã giảm 300 - 500 đồng/kg. Nếu tạm dừng xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Theo người dân, mặc dù giá giảm nhưng chỉ giảm ở mức nhẹ, vẫn có lời. Trong bối cảnh bảo đảm an ninh lương thực, các doanh nghiệp và người dân sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo chia sẻ của nhiều nông dân, việc thực hiện cách ly xã hội 15 ngày là cần thiết và tất cả đồng lòng thực hiện. Giờ đây nông sản gặp khó trong việc xuất khẩu thì hướng đến thị trường nội địa, đặc biệt là cung ứng cho hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm… Với những mặt hàng phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong một thời gian nhất định. Bởi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các hoạt động xuất khẩu nông sản vào quốc gia này bị gián đoạn hoặc hạn chế. Giải pháp trước mắt, kể cả lâu dài là tăng cường thêm các kênh phân phối nội địa, tìm kiếm thêm những thị trường mới tiềm năng, ổn định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ