(GD&TĐ) - Nắng nóng kéo dài và gay gắt khiến 26 nghìn ha lúa vụ hè thu vừa gieo cấy của Thừa Thiên - Huế này có khả năng thiếu nước nghiêm trọng. Các địa phương, ban ngành trong tỉnh đang tập trung triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống hạn, mặn cho lúa hè thu.
Tích cực vớt bèo để khơi thông dòng chảy |
Nguy cơ thiếu nước trầm trọng
Những ngày này, bà con nông dân tại các xã thuộc khu 2, khu 3, (huyện Phú Lộc) đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống hạn cứu lúa vụ hè thu. Ông Bạch Văn Khai - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc - chia sẻ: Hầu hết cán bộ của đơn vị đều có mặt ở từng địa phương trong toàn huyện để hướng dẫn người dân nạo vét kênh mương, thủy lợi. Các đập tạm được tôn cao để giữ nước; đồng thời chuẩn bị 35 máy bơm sẵn sàng vận hành khi có khô hạn. Riêng những hợp tác xã nông nghiệp thành lập tổ thủy nông có nhiệm vụ điều tiết, phân phối và sử dụng tiết kiệm nước một cách hợp lý. Triển khai đóng kín tất cả các cống ngăn mặn, giữ ngọt cuối các sông, hói tại các địa phương. Kinh phí chống hạn cho vụ lúa hè thu 2013 ở huyện Phú Lộc ước tính khoảng 3 tỷ đồng.
Nắng hạn diễn ra gay gắt và kéo dài nhiều ngày khiến mực nước trên sông Hương và các sông tại Huế xuống thấp dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn trong đồng ruộng. Tình trạng xâm nhập mặn không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống người dân mà còn tác động xấu đến sinh trưởng cây lúa. Các địa phương thường xuyên bị nhiễm mặn chủ yếu là các vùng ven biển, đầm phá như các xã: Hải Dương, Hương Phong (thị xã Hương Trà), các xã: Phú Thanh, Phú Mậu (huyện Phú Vang), các xã: Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền)…
Theo ông Trần Kim Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không có mưa lớn khiến các hồ chứa không thể tích đủ nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là khâu tưới khi có nắng hạn. Nếu không có lũ tiểu mãn, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.500 ha lúa hè thu bị thiếu nước. Các vùng xảy ra khô hạn tập trung ở gò đồi, vùng núi, vùng cát ven biển, đặc biệt là khu 2, khu 3 thuộc huyện Phú Lộc. Các nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền cần nắm bắt lượng nước xả về sông Hương, sông Bồ để có kế hoạch điều tiết nước hiệu quả.
Nguy cơ vụ hè thu mất mùa
Tại khu vực Tây Nam Hương Trà, công trình thủy lợi hồ Thọ Sơn sau khi hoàn thành đã phát huy được hiệu quả trong việc cung cấp nước cho 250 ha lúa các xã Hương An, Hương Hồ, Hương Văn, Hương Xuân, Hương Chữ, Hương Toàn… Tuy nhiên, với lượng mưa các tháng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm nên đến thời điểm này tổng khối lượng nước của hồ chứa chỉ đạt 2 triệu m3/tổng dung tính của hồ chứa là 6 triệu m3, đạt 40% khối lượng dung tích hồ chứa. Với khối lượng nước hiện có của hồ chứa thì chỉ đủ cung cấp cho diện tích 170 ha lúa, khu vực các xã vùng trên Tây Nam thị xã Hương Trà, vì vậy để đảm bảo việc cung ứng đủ nguồn nước cho số diện tích còn lại công ty TNHH NN MTV Quản lý và Khai thác công trình thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế đang tăng cường, chạy hết công suất 4 trạm bơm: Văn Tây, Tây Xuân, Phú An 1 và Phú An 2 để cung cấp nguồn nước cho diện tích các xã vùng dưới như Hương Chữ, Hương Văn, Hương Xuân…
Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý và Khai thác Công trình thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế cho biết: Một trong những giải pháp cụ thể để đối phó kịp thời khi có tình hình nắng hạn diễn ra đó chính là phối hợp chặt chẽ với các địa phương nạo vét, khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương, sông suối nội đồng. Trong trường hợp cần thiết, khi mực nước các hồ chứa, sông suối sụt thấp công ty sẽ lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm chuyền nước từ các sông, hói vào đồng ruộng để cứu lúa. Tuy nhiên một trong những khó khăn hiện nay, đó là nạn bèo Tây đang xâm nhập và phát triển mạnh trên các sông Như Ý, Đại Giang… Đây cũng là yếu tố gây cản trở không nhỏ đến việc lưu thông nguồn nước, vì vậy yêu cầu các huyện, thị xã cần chỉ đạo các địa phương hỗ trợ nguồn kinh phí để vệ sinh, nạo vét khơi thông luồng chảy, tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp nguồn nước cho đồng ruộng.
Minh Ngọc