(GD&TĐ) - Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long rộ lên phong trào nuôi “tôm sú chân đỏ”, “tôm sú châu phi” với giá giống cao, kèm theo là những lời giới thiệu “có cánh” về sức đề kháng bệnh, tốc độ sinh trưởng và hiệu quả kinh tế của cơ sở cung cấp. Thế nhưng, theo khẳng định của các nhà chuyên môn, đó chỉ là những “chiêu” trong kinh doanh.
Theo giới thương lái tôm giống, dạo quanh một vòng các trại tôm giống đoạn Tắc Vân – Tp Cà Mau, có thể thấy nhiều trại tôm giống treo bảng bán "tôm sú chân đỏ". Khi hỏi mua sẽ được chủ cơ sở đưa ra giá với mức giá đắt hơn giá giống tôm sú “thông thường” từ 20-35 đồng/con và người mua có thể được nghe giới thiệu hàng loạt địa điểm đã nuôi thành công loại tôm này. Tương tự như vậy, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đang rộ lên phong trào nuôi tôm sú Châu Phi với giá cao hơn giống tôm sú thường khoảng 30 đồng/con.
Cảnh giác trước những chiêu mới của giới kinh doanh tôm giống |
Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, tôm sú chỉ có một loài với tên khoa học là Penaeus Monodon. Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào phát hiện giống tôm sú khác, chỉ khác chăng là nguồn gốc tôm bố mẹ. Việc rao bán tôm sú chân đỏ, tôm sú Châu Phi chỉ nhầm tạo ra sự mập mờ, nhầm lẫn và đánh vào tâm lý “ham” mới của người dân Nam Bộ để bán với giá cao.
Mặt khác, theo kết quả khảo sát của Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau tại các hộ thả nuôi tôm sú chân đỏ, chỉ có một số ít tôm xuất hiện chân đỏ và những cá thể này không có biểu hiện đặc điểm gì vượt trội so với tôm sú bình thường về tốc độ tăng trưởng, kích cỡ, tỷ lệ sống, khả năng thích nghi với môi trường, … Đối với tôm sú Châu Phi tại Tiền Giang, ngày càng có nhiều trường hợp tôm chậm lớn, bệnh đốm trắng phải hủy cả ao. Theo anh Nguyễn Văn Diệp - xã Tân Thạnh, huyện Gò Công Đông, bởi nghe tin có vài nơi nuôi tôm sú Châu Phi có hiệu quả cao nên vụ tôm năm nay anh Diệp thả 70.000 con tôm sú Châu Phi cho 2.000 m2 mặt nước. Kết quả, chưa đầy một tháng tôm tôi đã bị bệnh đốm trắng chết sạch và phải báo cho ngành thú y để tiến hành dập dịch. Ngoài trường hợp của anh Diệp, ở khu vực này cũng có vài ao tôm Châu Phi bị bệnh đốm trắng phải tiêu hủy.
Trước tình hình thực tế như trên, để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra, các nhà chuyên môn khuyến cáo nông dân cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định thả các giống “tôm sú mới”. Mặt khác, để đạt hiệu quả cao trong nuôi tôm, bà con nông dân cần chú ý chọn mua tôm giống ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn; có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng; tôm giống phản ứng nhanh với tiếng động, bơi ngược dòng nước, kích cỡ đồng đều và ruột đầy thức ăn; tôm giống có kết quả xét nghiệm âm tính đối với bệnh do virut gây ra (bệnh đốm trắng, đầu vàng, teo gan)./.
Công Bằng