Nón ngựa Phú Gia - nét văn hóa miền đất võ

GD&TĐ - Nón ngựa Phú Gia là món hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định. Chiếc nón được tạo nên từ bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ thủ công gắn bó với nghề từ khi còn rất trẻ.

Ông Lan với chiếc nón “gia bảo” - kỷ vật của người mẹ để lại
Ông Lan với chiếc nón “gia bảo” - kỷ vật của người mẹ để lại

Làng nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) có tuổi đời hơn 300 năm. Nón ngựa Phú Gia được xem là “kiệt tác” của loại nón lá. Gọi là nón ngựa bởi chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ thích hợp dùng đội đầu khi cưỡi ngựa.

Nó biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với những đội quân Tây Sơn thần tốc. Chính những nghệ nhân làm nên nón ngựa Phú Gia cũng thấy hứng khởi trước vẻ đẹp của chiếc nón họ làm ra.

Nghệ nhân Đỗ Văn Lan năm  nay đã 70 tuổi, có 55 năm gắn bó với nghề làm nón ngựa, cho biết thời xưa, nón ngựa chỉ dành riêng cho giới phong lưu, quyền quý với những mẫu hoa văn như long, lân, quy, phụng thể hiện quyền uy trong thời đại phong kiến. Những người có chức sắc khác nhau, các mẫu họa tiết sẽ khác nhau. Trông vào đó mà ta có thể biết được phẩm hàm của từng quan lại trong địa phương.

Bây giờ, nón ngựa trở thành một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo bởi sự cầu kỳ, tỉ mẩn và tài hoa trong từng đường nét. Để có được một chiếc nón thành phẩm, người thợ phải dụng công nhiều ngày.

Người làm nón phải lên thượng nguồn các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh giáp với Tây Nguyên để chặt cây giang đem về chẻ ra từng miếng cật dày, phơi khô và tước ra thành cây tăm thật nhỏ, đều. Lá kè (lá cọ) làm nón không được quá già hoặc quá non, đem phơi nắng, phơi sương để lá vừa khô vừa có được độ mềm dẻo cần thiết.

Các nguyên liệu khác như rễ dứa rừng, cước, chỉ màu, vải the... cũng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi bắt tay thực hiện 20 công đoạn làm nón ngựa sau đó. Trong đó, 4 công đoạn quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá cho nón.

Nón ngựa Phú Gia được xem là “kiệt tác” của loại nón lá

Ở làng nón ngựa Phú Gia, hầu hết người dân chằm hai loại nón ngựa, với giá cả khác nhau. Chiếc nón bình thường thì chóp nón để trần, trên đỉnh có một chùm chỉ ngũ sắc phất phơ như bông hoa.

Chiếc nón làm theo nguyên mẫu truyền thống này có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/chiếc, tùy kích cỡ. Đối với loại nón ngựa làm bắt mắt hơn thì trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, ly, quy, phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua.

Chi phí để làm chiếc nón ngựa này khoảng 2,5 triệu đồng nên giá thành cũng cao hơn chiếc nón bình thường. “Ở Phú Gia, vào ngày cưới, nếu gia đình giàu có thường rước dâu bằng kiệu, chàng rể đội nón ngựa độc đáo này. Còn gia đình nào nghèo nghèo cũng ráng sắm vài đôi nón ngựa truyền thống cho cô dâu chú rể đội đi trong ngày trọng đại”, ông Lan tâm sự.

Làng nón ngựa Phú Gia hiện nay có hơn 200 người làm nón. Về nơi đây, tôi chứng kiến cảnh nhộn nhịp, đầm ấm của người dân. Cứ hai, ba nhà tập trung lại với nhau, từ các bác, các chị phải đeo kính, tựa cột, đến các em học sinh tuổi 15, 17 đều vui vẻ trò chuyện trong tiếng thì thụp của mũi kim chằm nón. Ở đây, trẻ em 10 tuổi là đã được nhắc việc học làm nón, 15 tuổi đã ra thợ lành nghề. Ngoài giờ học, nhiều em ngồi chăm chỉ chằm nón, phụ giúp kinh tế gia đình.

Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và được chọn xây dựng mô hình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ