(GD&TĐ) - Có nhiều lý do để người phụ nữ quyết định là một người mẹ đơn thân. Có thể đó là một hạnh phúc không thực nhưng người mẹ không nỡ từ bỏ giọt máu của mình. Có thể đó là sự lựa chọn vì người đàn ông nào đấy không thể ở bên cạnh người mẹ ấy. Có thể là người mẹ ấy lầm tin vào tình yêu, tình người nhưng không thể dứt bỏ những thứ thuộc về mình... Để xóa đi khoảng trống thiếu cha trong đời sống tinh thần của trẻ, để giữ lửa trong gia đình, mỗi người mẹ đã tìm cho mình một giải pháp riêng...
Những cửa ải trần ai
Một mình lẻ bóng đã là một thiệt thòi lớn đối với phụ nữ. Một mình mang nặng đẻ đau, tự nuôi con lại càng vất vả và khổ sở gấp bội lần mà dẫu có kể ra, người ngoài cuộc cũng khó có thể cảm nhận được.
Làm mẹ đơn thân không phải dễ, nên những chị em nào chớm có ý định thì trước khi bước vào con đường này cần có sự chuẩn bị tâm lý ứng phó.
Chị Ngân (Quận Hoàng Mai, HN) tâm sự: Vì sao tôi yêu anh, quyết tâm lấy anh cho bằng được mặc sự ngăn trở của bố mẹ? Điều đó đến bây giờ tôi cũng không hiểu nổi, chỉ biết rằng khi ấy tôi đã yêu, yêu người đã luôn bên tôi, che chở tôi, yêu người dù không có tiền nhưng cũng luôn cố gắng làm đẹp lòng người yêu. Tôi đã cãi bố mẹ để được cùng anh ký vào giấy đăng ký kết hôn, không có đám cưới nào hết, tôi theo không anh về, nhủ thầm trong bụng mình sẽ sống tốt, sẽ thật hạnh phúc để bố mẹ chấp nhận anh, đón nhận con rể và cháu ngoại. Ước mơ chưa kịp thực hiện thì…
Lấy nhau xong, dù đang có bầu tôi vẫn bận rộn đi làm ở công ty, tranh thủ làm thêm, còn anh thì miệt mài kiếm tiền bên chiếu bạc, những mong sẽ đổi đời nhanh chóng từ đó. Hai chiếc xe máy đội nón ra đi cũng không làm đã cơn khát bạc của anh.
Anh tát tôi mỗi lần không đưa tiền, mà đưa thì không có tiền mua sữa, không cả tiền mua bỉm, mua thức ăn cho con, bế tắc… con được ba tháng tôi rời bỏ căn nhà trọ trong hẻm, nước mắt ngắn dài về xin sự cưu mang của bố mẹ đẻ, tự hứa với lòng mình sẽ không để con tim thêm lần nào mù quáng. Tôi làm đơn xin ly hôn, chấp nhận làm mẹ đơn thân từ đó, không cần bất cứ sự trợ giúp nào khi mà họ không sẵn lòng và cũng chẳng sẵn tiền...
Đối với những phụ nữ ly hôn, phải nuôi con một mình, luôn phải chịu cảnh chồng cũ không chịu đóng góp tiền nuôi con, tháng có tháng không, hoặc quỵt hẳn hằng năm trời, không ngó ngàng tới thăm nom con. Khi con hư hoặc ốm đau, người mẹ lại bị nhà nội trách móc là không quan tâm tới con hoặc “con hư tại mẹ”, hoặc đổ tại cha mẹ tan vỡ nên con cháu họ mới sinh hư hỏng. Những xô xát giữa hai bên nội - ngoại để giành giật ảnh hưởng của đứa cháu bị bỏ rơi càng khiến đứa con và người mẹ thêm đau buồn và áp lực. Bên cạnh sự giày vò về tinh thần của chính những người thân ruột thịt, người mẹ đơn thân còn phải chịu ánh mắt soi mói và phán xét tiêu cực của người ngoài. Những quan niệm lạc hậu như “mất gì gái đã ly hôn”, “gia đình tan vỡ là do người vợ không chu toàn, không thu vén được gia đình...” khiến nhiều người đàn ông đã có cái nhìn thiếu đứng đắn hoặc lợi dụng, không xác định nghiêm túc trong quan hệ với các bà mẹ đơn thân.
Đối với những phụ nữ sống độc thân, chưa kết hôn bao giờ nhưng lại sinh con thường phải chịu cảnh sống trong áp lực cao độ. Những cái liếc xéo đầy ngụ ý, những câu hỏi bóng gió hoặc cố tình độp vào mặt về đứa con không cha là điều tất yếu diễn ra từ những người sống quanh bạn, kể cả người thân, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp lẫn hàng xóm.
Không giống như chị Ngân, chị Hạnh làm một bà mẹ đơn thân trong hoàn cảnh khác. Trước đây chị là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, có tiếng ở phố huyện. Học xong đại học chị được nhận làm thư ký giám đốc cho một công ty. Công danh sự nghiệp có, lúc này chị chỉ thầm mong một bờ vai tin cậy để ngả vào... Và rồi chuyện gì đến cũng đến, sau những chuyến đi công tác dài ngày cùng với sếp, chị tưởng mình đã tìm thấy tình yêu với người đàn ông tài giỏi, lịch lãm ấy.Chị đắm đuối lao vào bất kể hơn thiệt, chẳng so đo cân nhắc.
Và rồi một mầm sống nhỏ đang hình thành, sinh sôi trong chị và chị tái dại người khi nghe người đàn ông kia lộ mặt, yêu cầu chị phá thai vì công danh sự nghiệp còn dang dở, vì chưa thể cưới ngay được... Bẽ bàng quá, chị gạt nước mắt, gạt sỹ diện để yêu cầu anh ta một tờ giấy đăng ký kết hôn, để con chị có cái họ của bố, rồi sau con có thắc mắc thì thiếu gì cách trả lời, chị chỉ cần hợp lý hóa tờ khai sinh cho con. Còn chị hiểu ra, bố nó có cũng như không mà thôi.
Nỗi khổ lớn nhất của các bà mẹ độc thân là không biết trả lời ra sao, không muốn nói dối, hoặc bị buộc phải nói dối khi con cái hỏi về cha của chúng. Dù bạn bù đắp tình thương yêu cho con đến đâu cũng không thể giúp chúng có được sự cân bằng về tâm lý như những đứa trẻ có cả bố và mẹ, dẫu họ đã ly hôn.
Chưa kể gánh nặng kinh tế, không ai giúp đỡ, bạn cũng không có ai để chia sẻ hoặc đỡ đần việc đón con, giúp con ăn... hoặc đơn giản chỉ là khoe một điểm 10 của con.
Giải pháp tình thế
Để đỡ “chòng chành như nón không quai”, các mẹ đơn thân cần phải chủ động ứng phó. Đối với các bà mẹ đã ly hôn, cần tích cực quan sát, khích lệ, thậm chí chế tài chồng cũ phải gửi đúng thời hạn các trợ cấp nuôi con; phân chia mức chi phí phải đóng giữa chồng - vợ thật hợp lý. Giải thích cho con cái về tình hình thực tế giữa bố và mẹ để giúp con không bị sốc và không mặc cảm. Không nên che đậy hoặc nói dối con.
Đối với những bà mẹ độc thân trước khi sinh con cần chuẩn bị trước một số vốn phòng thân. Việc tham khảo thêm nhiều sách vở, tài liệu trong cách nuôi dạy con sẽ giúp bạn vượt qua nhiều bỡ ngỡ khi làm mẹ. Ngoài ra bạn cũng nên tích cực tham gia các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức, câu lạc bộ phụ nữ để có người chia sẻ, tâm tình hoặc đóng góp lời khuyên khi cần thiết. Việc tích cực đưa con hòa nhập vào các hoạt động cộng đồng, chơi thể thao... sẽ giúp đứa trẻ hướng ngoại hơn, tính tình phóng khoáng, phát triển tâm sinh lý cân bằng, tránh mặc cảm...
Thủy Linh