Trong đơn kiện gửi các tòa án ở Đức và Tòa án liên bang Mỹ ở quận Đông Texas, Nokia cho biết, Apple đã vi phạm bản quyền tổng cộng 32 bằng sáng chế công nghệ của hãng về màn hình, phần mềm, giao diện tương tác người dùng, bộ vi xử lý, mã hóa video, ăng-ten và một số tính năng khác.
"Kể từ khi đạt nhất trí về giấy phép sử dụng một số bằng sáng chế trong danh mục đầu tư công nghệ của Nokia năm 2011, Apple đã từ chối các yêu cầu sau đó của Nokia về việc chứng nhận những phát minh khác của Nikia đang được ứng dụng trong nhiều sản phẩm của Apple", trích tuyên bố của hãng công nghệ Phần Lan.
Nokia đã bán mảng kinh doanh điện thoại di động cho Microsoft vào năm 2014 bằng một thỏa thuận trị giá 7,2 tỉ USD. Thương vụ này được coi là một sai lầm hao tiền, tốn của đối với Microsoft.
Ngược dòng quá khứ trở lại năm 2009, Nokia từng kiện Apple vi phạm 10 bằng sáng chế của công ty liên quan đến việc ra mắt mẫu iPhone đầu tiên của Táo khuyết vào tháng 6/2007. Vào thời điểm đó, Nokia quả quyết:
"Bằng cách từ chối công nhận các điều khoản thích hợp về quyền sở hữu trí tuệ của Nokia, Apple dự tính hưởng lợi miễn phí từ quá trình đổi mới, sáng tạo của Nolia".
Hai công ty rốt cuộc đạt được một thỏa thuận về việc sử dụng các bằng sáng chế nói trên và thỏa thuận này dự kiến hết hạn vào cuối năm nay.
Việc Nokia kiện Apple ra tòa ở Mỹ và Đức mới đây được coi là động thái trả đũa của công ty Phần Lan sau khi Táo khuyết khởi kiện hai cơ quan cấp bằng sáng chế là Công ty nghiên cứu Acacia và Công ty quản lý quyền sở hữu trí tuệ thông đồng với hành động chống cạnh tranh của Nokia để "bòn rút lợi nhuận và moi tiền quá mức, một cách không công bằng" đối với Apple và các hãng sản xuất smartphone khác.
Trong đơn kiện gửi tòa án liên bang ở California, Mỹ, Apple quả quyết, hai công ty cấp bằng sáng chế "đã âm mưu cùng Nokia sử dụng các tuyên bố chống độc quyền sáng chế bất công để đánh thuế những cải tiến của các nhà sản xuất smartphone".
Các vụ kiện nói trên cho thấy, những cuộc chiến pháp lý kéo dài và đắt đỏ về bản quyền sáng chế smartphone vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc sau khi Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết cuối cùng đối với một vụ kiện kéo dài tới 5 năm giữa 2 công ty thống trị thị trường smartphone thế giới - Apple và Samsung - về các đặc điểm thiết kế.
Trong vụ kiện đầu tiên kiểu này, được theo dõi sát sao, tòa quyết định Samsung phải bồi thưởng một khoản tiền nhỏ cho Apple. Phán quyết này bị coi là làm giảm các nguy cơ mà các nhà sản xuất smartphone khác có thể đối mặt khi sao chép sản phẩm của đối thủ.