Nơi thắp sáng ngọn lửa đổi mới sáng tạo

GD&TĐ - Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hảo, Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám: Nghề dạy học là nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo nên tôi luôn luôn suy nghĩ tìm tòi, phát huy sự sáng tạo và động viên khích lệ đội ngũ cán bộ giáo viên vận dụng sáng kiến kinh nghiệm, sáng kiến đổi mới, đưa các biện pháp có sức thuyết phục để sự đổi mới được lan tỏa trong tổ chuyên môn, tạo niềm tin yêu của phụ huynh và học sinh, xây dựng thương hiệu của nhà trường.

Nơi thắp sáng ngọn lửa đổi mới sáng tạo

Truyền lửa sáng tạo

Là ngôi trường có bề dày truyền thống dạy tốt – học tốt, lá cờ đầu của ngành giáo dục Thủ đô, Trường Tiểu học Lê Văn Tám có đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, nhiều thầy cô đã đạt giải cấp quốc gia, cấp thành phố...

Học sinh nhà trường đa số được phụ huynh quan tâm, nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế, quốc gia, thành phố, quận…. đây cũng là nôi của tinh thần đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Năm học 2017 - 2018 vừa qua, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Với mục tiêu xây dựng trường học: “Thân thiện - hiện đại - sáng tạo - hội nhập”, cán bộ giáo viên nhà trường đã không ngừng tìm tòi sáng tạo để đạt kết quả tốt trong hoạt động giảng dạy.

Được cụ thể hóa bằng: “Mô hình lớp học sáng tạo” và xây dựng đội ngũ “Năng động - hiệu quả”. Với kế hoạch dài hơi này, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hảo, sôi nổi trình bày phương án triển khai: Truyền lửa cho giáo viên sáng tạo, tôi luôn đặt ra các câu hỏi dành cho giáo viên và học sinh của trường: Thế giới thay đổi như thế nào trong 20 năm gần đây?

Giáo dục Việt Nam đã đổi thay như thế nào trong 20 năm qua? Cán bộ giáo viên chúng ta đã sẵn sàng cho sự thay đổi ấy chưa? Các thầy cô sẽ chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng với sự thay đổi của thế giới, đặc biệt với công nghệ 4.0 như thế nào? Cần trang bị kỹ năng gì cho học sinh trong tương lai để các em thích ứng tốt với sự thay đổi của thế giới?

Không chỉ đưa ra các phương án tình huống mà cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hảo và các thành viên Ban Giám hiệu nhà trường đã luôn theo sát, nhắc nhở và làm rõ việc: Yêu cầu từng cán bộ, giáo viên phải luôn xác định rõ mục tiêu và thảo luận chốt cách làm, phương pháp định hướng giáo dục; Tạo cho học sinh những kĩ năng chủ động, tự tin, sáng tạo. Khuyến khích các em tự tìm kiếm thông tin, có kỹ năng về sinh tồn, khám phá làm việc với robot, thích ứng đối diện với khó khăn, thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Đặc biệt giáo viên phải xây dựng kế hoạch để học sinh có thể phát triển, toả sáng theo đúng năng lực, sở trường của mình.

Kết thành trái ngọt

Với cách làm đó, ngọn lửa đổi mới sáng tạo đã được thổi bùng lên ở Tiểu học Lê Văn Tám, ở các lớp học giáo viên đã hướng dẫn học sinh tự học tự nghiên cứu, chủ động học tập dưới sự định hướng của các thầy cô.

Công việc của giáo viên không chỉ là dạy học đơn thuần, mà còn là tạo hứng thú, khích lệ sự ham học và hiểu biết cho học sinh bằng những hình ảnh động, các phần mềm hỗ trợ giáo dục như Edmodo, Imindmap, Scratch, Photoshop Cs6… Từ các đề tài của học sinh, giáo viên lựa chọn để các em tham gia các cuộc thi sáng tạo trong các Chi đội, trường, lớp, được cọ xát, giao lưu học hỏi lẫn nhau để cùng nhau thi đua, cùng sáng tạo với học sinh các trường bạn.

Khích lệ sáng tạo, khơi gợi đam mê, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hảo đã thực sự truyền lửa cho giáo viên và học sinh nhà trường. Hoạt động đổi mới sáng tạo trong dạy và học cũng như các phong trào chung đã góp phần ổn định đời sống tâm hồn, tình cảm và giúp học sinh thực hiện được nguyện vọng, ước mơ của mình.

Qua các hoạt động này, học sinh đã thực sự được trải nghiệm, được sáng tạo, được thuyết trình với các sản phẩm các bạn đã dành nhiều tâm huyết chế tạo. Chính vì vậy học sinh nhà trường đã có nhiều giải trong các cuộc thi của quận, thành phố. Hiệu quả của đổi mới sáng tạo đã lan tỏa trong các bạn học sinh, dấy lên phong trào thi đua trong toàn thể học sinh, khiến các em ham học, học giỏi và yêu thích khám phá hơn.

Trong năm học 2017 - 2018, đề tài “Ba lô siêu nhân giải cứu thế giới” với tác dụng tự giải cứu mình khỏi đám cháy, của nhóm học sinh lớp 5A10, do các bạn học sinh Nguyễn Tùng Lâm, Lại Hồng Anh, Giang Lan Phương, Đỗ Tuệ Linh và Nguyễn Đức Minh thực hiện, dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Minh Cương đã đoạt giải Đặc biệt tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên Nhi đồng thành phố Hà Nội và đạt giải Nhì cấp toàn quốc. Đây cũng là một trong nhiều giải thưởng mà giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám có được trong nhiều năm qua. Nói lên điều này để thấy việc lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong nhà trường có giá trị và ý nghĩa thiết thực, kết thành hoa thơm trái ngọt trong một nhà trường có giá trị lớn lao thế nào.

Cô Hảo tâm sự: Tôi luôn khuyến khích tất cả các cán bộ, giáo viên đưa ra các sáng kiến kinh nghiệm hay, đẩy mạnh hoạt động sáng tạo. Nhà trường luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất; phòng máy tính “online”để các thầy cô cùng sáng tạo và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Bởi có như vậy, giáo viên mới phát huy hết sở trường, bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh. Những nỗ lực của các cô giáo và học sinh đã đem đến cho trường 2 giải Vàng, 3 giải Bạc, 4 giải Đồng các cuộc thi Toán quốc tế; 1 giải Nhì lập trình tin học quốc tế lứa tuổi TH; 1 giải Đặc biệt cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên Nhi đồng cấp TP mang tên: Ba lô siêu nhân giải cứu thế giới và đã đạt giải Nhì cấp quốc gia. Trường đã được nhận cờ dẫn đầu thi đua của thành phố, của Hội đồng Đội Trung ương, của Thành đoàn và Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và nhiều giấy khen khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ