Nỗi niềm vùng tái định cư

GD&TĐ - Sau 10 năm nhường đất đai sản xuất, nhà cửa cho dự án thủy điện Đăk Mi 4, hàng chục hộ dân đồng bào dân tộc Giẻ Triêng đến với vùng đất tái định cư ở thôn Nước Lang (xã Phước Xuân, huyện miền núi Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) xây dựng cuộc sống với những niềm hy vọng mới. 

Nỗi niềm vùng tái định cư

Tuy nhiên, dù cố gắng làm lụng vất vả nhưng cuộc sống của họ vẫn chìm trong nghèo đói. Ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn thật xa vời đối với người dân nơi đây, bởi trước mắt họ phải đối diện với những nỗi lo nhà cửa xuống cấp, thiếu đất đai canh tác phát triển sản xuất; con em không được đến trường…

Tái định cư nhưng chưa… an cư

Cách đây 10 năm trước, làng tái định cư Nước Lang được hình thành. Đây là một trong hai làng tái định cư, sau khi nhường đất làng cũ cho dự án thủy điện Đăk Mi 4. Khi dời về khu tái định cư này, 25 hộ dân trong diện di dời được ban quản lý dự án xây cho mỗi gia đình một căn hộ khoảng 40m2 và cấp cho 200m2 đất sản xuất. Tuy nhiên, qua 10 sinh sống, đến nay số hộ dân trong làng đã tăng lên tới 40 hộ dân với gần 200 nhân khẩu. Nhu cầu đất đai phát triển sản xuất của người dân cũng không ngừng tăng nhưng vì nguồn quỹ đất chật hẹp nên không thể mở rộng. Cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn, nay càng chồng chất khó khăn!

Chị Y Nữ (40 tuổi) – Trưởng thôn Nước Lang - cho hay: 10 năm rồi nhưng làng tái định cư Nước Lang chẳng đổi thay là mấy. Dẫn chúng tôi đi quanh làng, chị Y Nữ chỉ lên những sườn núi dốc đứng bao quanh làng: “Đấy các anh xem, diện tích đất dành cho người dân làng tái định cư chỉ có chừng này, không thể mở rộng thêm nữa, mà xung quanh là núi bao bọc. Dân số thì cứ tăng thêm theo năm tháng, tất cả chen chúc như ở phố. Đất đai chật hẹp, thiếu thốn, người dân không thể chăn nuôi, trồng trọt thêm được bất cứ con gì, cây gì để cải thiện đời sống...”.

Một khó khăn khác của người dân làng tái định cư Nước Lang là không có mặt bằng đất làm nhà. Những gia đình có con cái lập gia đình không biết làm thế nào để con cái ra ở riêng. Để có chỗ ở, họ phải tự đi kiếm vật liệu về dựng chòi, che chắn tạm bợ để sống. Ông Hồ Văn Ní (50 tuổi) buồn bã nói: Bao năm nay, 8 người trong gia đình tui cùng “chui vào, chui ra” dưới căn nhà tạm chưa đầy 40m2. Cuộc sống chật chội, bức bí đủ thứ. Khổ nhất đứa mới lập gia đình, vợ chồng nó không biết ở mô nên che tạm cái chòi ở tạm mấy ngày qua.

Theo phản ánh của người dân, khó khăn nhất của làng bây giờ là vấn đề đất ở, nhà ở, những ngôi nhà dự án thủy điện xây cho 10 năm trước, hầu hết đã xuống cấp, tường nhà nứt nẻ, nhiều nhà đã mục nát hẳn. Hệ thống nhà vệ sinh hầu hết đã hư hỏng, vì chất lượng xây dựng kém, hơn nữa nguồn nước sinh hoạt thiếu, vào mùa khô, các nguồn nước tự chảy bị bồi lấp, khô kiệt, người dân phải lần xuống các khe suối sâu để cõng nước sinh hoạt.

Trưởng thôn Y Nữ bức xúc: Hiện nay, ngoài nỗi lo nguồn nước uống, nguồn nước dùng cho sinh hoạt, thì nguồn lương thực của người dân cả thôn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều gia đình thiếu đói, con cái nheo nhóc, học hành dang dở. Để có cái ăn, người dân phải vào rừng bứt mây, săn bắn thậm chí khai thác gỗ trái phép để bán... cuộc sống rất bấp bênh.

Cần sớm giúp dân ổn định cuộc sống

Một điều đáng băn khoăn nữa là hiện nay trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đều không được đến trường. Theo chị Y Nữ, hiện cả làng tái định cư Nước Lang có 15 trẻ trong độ tuổi mẫu giáo nhưng phần lớn trẻ không được đi học, vì trường học quá xa, các gia đình người dân lại không có điều kiện đưa đón con em đến trường. Chị Y Nữ cho hay: “Vấn đề này, người dân đã kiến nghị nhiều lần và bày tỏ mong muốn được có một điểm trường mẫu giáo ngay tại làng để tạo điều kiện cho con em đến lớp, chứ không phải đợi đến 6 tuổi rồi mới được đi học. Nếu tình trạng này kéo dài mãi như vậy thì con em trong làng chịu thiệt thòi quá!”.

Vì điều kiện khó khăn, cách trở nên chuyện học hành của con em làng tái định cư Nước Lang cũng hết sức dang dở. Hiện nay, ở Nước Lang chỉ có một điểm trường Tiểu học Võ Thị Sáu dành cho các em học sinh lớp 1, còn lại đều phải xuống trường ở trung tâm xã. Con đường đến trường, đến lớp của con em làng Nước Lang như càng gập ghềnh, chênh vênh hơn khi hoàn cảnh gia đình em nào cũng nghèo khó.

Ông A Ngo - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Xuân, lãnh đạo chính quyền xã Phước Xuân chia sẻ những khó khăn của bà con thôn tái định cư Nước Lang đang gặp phải. Ông cho biết: Hiện nay, khu tái định cư Nước Lang tồn tại quá nhiều vấn đề bất cập. Trước hết là đường giao thông lên thôn, quá hẹp, quá dốc, vô cùng nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa. Diện tích đất ở hẹp, nhà cửa xuống cấp, đây là nỗi lo không chỉ người dân, mà cả chính quyền xã cũng rất lo lắng. Theo đó, vấn đề làm sao có thêm đất để người dân sản xuất, chăn nuôi, chứ cứ tình trạng sống đắp đổi qua ngày như hiện nay thì quá bất ổn.

“Nhằm sớm giải quyết tình hình trên giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, UBND xã đã có kiến nghị với UBND huyện, ngành chức năng, ban quản lý dự án thủy điện Đăk Mi 4, xem xét nghiên cứu, để làm sao mở rộng mặt bằng diện tích đất ở cho người dân, mở rộng, cải tạo lại đường giao thông, mở rộng thêm đất sản xuất, mở lớp mẫu giáo, điểm trường tiểu học, cải tạo lại hệ thống cung cấp nước sạch” - ông A Ngo khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.