Nỗi niềm “sao” thể thao khoác áo lính

Tính từ thời điểm đất nước hoàn toàn thống nhất 30.4.1975, suốt 40 năm qua, trong sự phát triển của thể thao Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của những vận động viên (VĐV) mặc áo lính.

“Kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên được coi như “báu vật” của thể thao Việt Nam. Ảnh: Hiền Anh.
“Kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên được coi như “báu vật” của thể thao Việt Nam. Ảnh: Hiền Anh.

Tập luyện và… tập luyện

Hiện tại, 2 trong số ít gương mặt sáng giá nhất của thể thao Việt Nam đang là VĐV khoác áo lính. Nữ VĐV bơi lội trẻ tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã đạt tới đẳng cấp thế giới.

Trường hợp “viên ngọc” Ánh Viên thậm chí còn được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành ví như “báu vật” của thể thao nước nhà.

Để có những thành tích hiện tại, Ánh Viên và Xuân Vinh đã phải đổ không ít mồ hôi trên thao trường. Câu chuyện về Ánh Viên bắt đầu từ giai đoạn 2012. Khi đó, 16 tuổi, Ánh Viên đã rời xa bố mẹ và gia đình ở Cần Thơ để bắt đầu hành trình tập luyện nhiều năm tại Mỹ.

Ít người biết rằng, tạo dựng được thành công như bây giờ, Viên nhiều lần gạt nước mắt lao vào tập luyện, bỏ lại nỗi nhớ nhà sau lưng. Thông thường, với đa số VĐV xa nhà, họ tìm nguồn vui bằng việc điện thoại hay vào facebook giao lưu cùng người thân. Nhưng Ánh Viên tuyệt nhiên không có chuyện ấy.

Để tạo sự tập trung cao nhất, cô được yêu cầu chỉ tập luyện và… tập luyện. Đó là lý do vì sao gần như mọi liên lạc về Ánh Viên đều chỉ có thể nói chuyện thông qua HLV Đặng Anh Tuấn - người tham gia huấn luyện Ánh Viên tại Mỹ. Người thầy ấy có lẽ vừa là người huấn luyện đồng thời cũng là người bạn thân duy nhất của Ánh Viên trên đất Mỹ. Xa nhà biền biệt nhiều năm chỉ có tập và tập, điều Ánh Viên luôn chờ đợi là có dịp sẽ về quê ăn tết và sà vào lòng mẹ thưởng thức bằng hết những món ăn mẹ nấu cho mình.

Không ngừng cố gắng

Tương tự như Ánh Viên, thậm chí còn có phần căng thẳng hơn là trường hợp của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Đã có lúc ở tuổi 38, sau Olympic 2012, anh bày tỏ nguyện vọng muốn nghỉ ngơi. HLV Nguyễn Thị Nhung của đội bắn súng từng chia sẻ bà đã động viên Xuân Vinh cố gắng tập trung hơn nữa và hoàn thiện tốt hơn một số kỹ thuật cá nhân thì mới có kết quả cao.

Người trong giới hiểu rằng, một xạ thủ lâu năm kinh nghiệm và có tuổi đời nay đã ngoài 40 như Xuân Vinh sẽ có cái tôi rất lớn, không chịu nghe người khác. Nhưng Xuân Vinh làm được. Chính sự hoàn thiện tốt hơn đã giúp xạ thủ này có được 2 chiếc HCV nội dung sở trường 10m súng ngắn hơi trong các lần dự ISSF Word Cup bắn súng thế giới trong năm 2013 (tại Hàn Quốc) và 2014 (tại Mỹ).

Giữa tháng 4 vừa qua, Xuân Vinh tiếp tục giành HCĐ nội dung 50m súng ngắn bắn chậm tại Cúp bắn súng thế giới 2015 diễn ra ở Changwon (Hàn Quốc). Đây là lần đầu tiên anh có huy chương nội dung này ở đẳng cấp thế giới. Việc Vinh không thể bảo vệ thành công tấm HCV 10m súng ngắn hơi tại giải đấu này (chỉ xếp thứ 5) cũng không phải là điều gì quá thất vọng, mà ngược lại, vẫn thể hiện ý chí thi đấu tuyệt vời, luôn khao khát vượt qua chính mình của Xuân Vinh.

“Thành tích của Vinh vẫn thể hiện được sự ổn định đáng nể. Ở vòng loại 10m súng ngắn hơi nam, Xuân Vinh đã đạt 582 điểm và đây là thành tích rất tốt. Tiếc là khi vào chung kết thì Xuân Vinh đã không thể vượt qua các đối thủ rất mạnh” - HLV Phạm Cao Sơn chia sẻ.

Sau Cúp bắn súng thế giới 2015, Xuân Vinh và các đồng đội sẽ tiếp tục tập huấn ở xứ sở kim chi. Đầu tháng 5, toàn đội sẽ di chuyển sang Mỹ để dự Cúp bắn súng thế giới thứ 2 trong năm diễn ra từ 11 đến 19.5. Đây được coi là sự chuẩn bị cuối cùng của bắn súng Việt Nam trước khi bước vào SEA Games 2015.

“Chân dài” cũng khổ!

Chứng kiến những cô gái bóng chuyền của Bộ tư lệnh Thông tin và Phòng không Không quân tập luyện thi đấu, ai cũng ước ao một lần được như họ tỏa sáng trên sàn đấu. Nhưng mấy ai hiểu đã là cầu thủ áo lính của đội bóng chuyền, các cô gái sẽ phải tuân thủ quân lệnh là sau tuổi 25 mới được sinh em bé nếu lập gia đình. Người phụ nữ có thiên chức hạnh phúc nhất là sinh con đẻ cái. Nhưng đã theo nghiệp thể thao, thì cũng phải chấp hành quy định ấy.

Đội nữ Thông tin Lienvietpostbank (thuộc Bộ tư lệnh Thông tin) đã có nhiều trường hợp VĐV sau khi sinh con và lập gia đình gần như hết động lực thi đấu. Đó là lý do vì sao hiện tại đội hình 1 của đội bóng này gồm nhiều cầu thủ chưa lập gia đình.

Karatedo quân đội có Vũ Thị Nguyệt Ánh rất nổi danh. Những ngày chữa trị chấn thương trước đây, Nguyệt Ánh gần như chỉ có một mình bởi gia đình cô đang sinh sống ở nước ngoài. Hỏi Ánh vì sao không ra nước ngoài sinh sống, cựu võ sĩ số 1 của đội đối kháng (kumite) nữ từng kể, “đó là vì máu nghề với thể thao và chính sự kỷ luật của quân đội đã giúp tôi trưởng thành hơn nên rất khó để từ bỏ”.

Thể thao quân đội nói riêng còn nhiều VĐV thuộc các đơn vị như Biên phòng, các Quân khu 4, 5, 7, 9... đã và đang tập luyện thi đấu. Tất cả đều biết có khó khăn nhưng đã khoác lên mình màu áo lính, họ chưa một lần muốn giã từ và luôn quyết tâm thi đấu cao nhất để mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ