Trong căn phòng trọ hơn 10m vuông lợp mái proximăng, bên trong trần được căng bằng tấm vải bạt mà mỗi khi trời mưa nước chảy tong tỏng phải hứng bằng chậu, cô giáo người dân tộc Hà Nhì đầu tiên có bằng đại học trên vùng cao Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) Lý Thó Trụ chia sẻ:
Chồng cô đang dạy học bên Mường Khương (cách Y Tý 100 km), mỗi tuần chỉ về thăm vợ con vào hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật, thậm chí có dịp bận hay thời tiết đường xá không thuận tiện thì 2- 3 tuần gia đình mới được đoàn tụ.
Hoàn cảnh vợ một nơi chồng một chỗ và ngược lại như của cô giáo Trụ là phổ biến. Và cũng vì thế, nếu lên Y Tý dịp cuối tuần sẽ thấy nơi đây vắng lặng hơn ngày thường, cứ hết giờ dạy chiều thứ Sáu thì hàng đoàn xe máy của thầy cô giáo các trường tiểu học, mầm non lại vượt núi về xuôi cùng gia đình.
Giáo viên nào về gần thì đi vài chục cây số, xa có thể lên tới 100 km. Sau mỗi tuần dạy học, họ chỉ có thể dành cho gia đình, chồng, vợ, con cái... nhiều nhất hai ngày (với giáo viên THCS chỉ có một ngày vì thứ Bảy vẫn dạy học).
Các cô đã tâm sự với tôi rằng, làm chồng, vợ của giáo viên vùng cao đòi hỏi sự chia sẻ, cảm thông nhiều lắm. Với đàn ông thì phải biết vừa làm chồng vừa làm vợ và ngược lại với phụ nữ lại phải đủ vững vàng để vừa làm vợ vừa thay chồng gánh vác công việc nặng nhọc hằng ngày. Ở thì tạm bợ như vậy. Nói về điều kiện sinh hoạt của nữ nhà giáo vùng cao cũng không khỏi cảm thương.
Cô Trần Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Tý số 1 - cho biết: Hầu hết thầy cô đều cải thiện cuộc sống bằng trồng rau, nuôi gà. Đồng lương của giáo viên vùng cao chỉ giúp họ chi tiêu đủ bởi mua sắm cái gì trên này cũng đắt đỏ hơn dưới xuôi.
Cô Vũ Thị Điệp, đã 8 năm cắm bản, kể: "Từ Y Tý về đến thành phố Lào Cai mất hơn 3 giờ đồng hồ ô tô, thế nên đa số nữa giáo viên khi chuẩn bị vào cữ sinh nở thường phải xin nghỉ sớm 1 tháng về xuôi.
Có giáo viên trở dạ sớm chưa kịp về, lúc có dấu hiệu trở dạ thuê ô tô về đến Lào Cai chỉ kịp vào thẳng phòng đẻ mà không kịp làm thủ tục giấy tờ.
Hay năm 2012, trường hợp cô Thúy trường THCS Y Tý, 3 giờ sáng đi từ trường xuống TP Lào Cai, chưa kịp vào bệnh viện thì đã trở dạ, vào tới viện con tím tái, bác sĩ bảo chỉ chậm 10 phút nữa thì em bé có thể tử vong...
Sự nhọc nhằn, khó khăn của những người thầy chẳng thể đếm đo, kể hết. Chỉ có lòng yêu nghề mến trẻ, sự hy sinh thầm lặng mới có thể giúp họ trụ vững và “chèo đò” miệt mài cùng năm tháng.