(GD&TĐ) - Dự án hỗ trợ nhà ở, việc tạo công ăn việc làm cho làng chài Cao Bình (xã Hồng Tiến, Kiến Xương, Thái Bình) còn nhiều vướng mắc khiến khát vọng lên bờ của người dân có vẻ xa vời. Không biết tới khi nào, nơi đây mới xóa được cái tên làng “chỉ điểm”, “lăn tay”.
Sau hai cơn bão tháng 8 vừa qua, Cao Bình đón đợt nắng mới, làng chài dường như tươi hơn và có phần đỡ thưa vắng, heo hút. Không chỉ người già, trẻ con mà nhiều thanh niên cũng ở nhà. Nhưng cái sự đông đủ tụ họp ấy lại biểu hiện sự rỗi nghề thiếu việc.
Không có đất, nhiều hộ dân vẫn sống trên những con thuyền chật chội |
An cư nhưng chưa lạc nghiệp
Chạy vạy vay mượn được vài chục triệu đồng, cất tạm ngôi nhà mái phibrô xi-măng, nhưng cứ đợt mưa lớn nào, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thơm, ông Nguyễn Văn Rơi lại phải chạy sang trú ẩn nhà con rể. Nhất là hai cơn bão vừa qua, mái nhà bà hỏng nặng, nhiều mảng phibrô nứt gãy. Nước trên trời dội xuống, ngấm đẫm tường, nước ngoài đường tràn vào nhà, ngập qua mắt cá chân. Tiền vay xây nhà chưa trả hết, tiền sửa chữa lại càng không, nghề nghiệp không có, cuộc sống của hai ông bà cũng tạm bợ như căn nhà của họ. Trước khi lên thuyền, vợ chồng bà Thơm còn sống dựa vào sông nước. Từ năm ngoái, được cấp đất, xây nhà, ông bà bỏ thuyền, ở nhà trông cháu, kiếm sống bằng việc thu hoa hòe, bán cá cho con.
Không cứ gì nhà bà Thơm mà hầu hết các gia đình đã được cấp đất ở Cao Bình cũng rơi vào cảnh sống bấp bênh. Theo dự án hỗ trợ nhà ở của UBND tỉnh Thái Bình năm 2008, 63 hộ dân ở Cao Bình đã được cấp đất. Tỉnh cũng hỗ trợ thêm 10 triệu đồng cho mỗi gia đình để xây móng. Có móng, nhiều hộ lại chạy vạy đông tây để xây nhà, gọi là chỗ “an cư”. Có những căn nhà kiên cố, cửa kính, nền đá hoa, đầu đĩa, ti vi, âm li đầy đủ nhưng thực chất chủ nhà phải nợ tới gần trăm triệu mới đổi được cơ ngơi đó.
Nhà mới nhưng nghề không mới. Không nghề phụ, không đất trồng trọt, chăn nuôi, người dân Cao Bình vẫn tiếp tục bám sông trông nước. Anh Nguyễn Văn Thiệu, phó thôn Cao Bình cho biết, trong thôn hiện 150 thuyền/171 hộ, tăng thêm 30 thuyền so với năm 2008. Mà nghề chài lưới buông câu thì thật chênh vênh, phụ thuộc cả vào mùa nước. Một chuyến đi được 500 nghìn – 1 triệu đồng, nhưng sau đó lại phải nghỉ hàng tháng. Có gia đình, ăn hết số tiền của một chuyến đi sông rồi mới đi chuyến nữa. Cuộc sống tạm bợ như thế, dù nhà có to, nợ vẫn hoàn nợ.
Ngồi trên chiếc võng, đưa đẩy bông con, chị Nguyễn Thị Hoa nhăn nhó: “Mấy tuần nay nhà tôi có ai đi thuyền được đâu! Bão gió liên miên, động bể thế này, chắc còn phải nghỉ dài”. Nói “nhà tôi”, ý chị Hoa muốn chỉ gia đình nội ngoại gồm mấy chục người cả thảy. Vợ chồng chị Hoa cũng đã lên đất liền từ năm 2012. Từ ngày có nhà, chị không còn đánh bắt cá, nhưng hàng ngày chị vẫn đi xe tới Cồn Vành (Tiền Hải, Thái Bình) mua cá, mang ra chợ bán. Chồng chị làm trên xã, những khi không phải họp hành, thường trông con, bán quán. Thu nhập một ngày của hai vợ chồng chỉ khoảng 50 – 70 nghìn đồng.
Một số nhà bỏ thuyền, mở quán nhưng chủ yếu là buôn bán lặt vặt, số tiền kiếm được chỉ là vài ba chục nghìn/ ngày. Theo anh Thiệu, người dân ở đây không dám mở cửa hàng lớn, vì không biết chữ, không thể tính toán, ghi chép tiền chi trả. Khấm khá hơn, có quán sửa xe máy của anh Phạm Văn Tiến, ngày kiếm được trên dưới 100 nghìn đồng. Khách của quán chủ yếu ở những xã lân cận, còn người trong làng rất hiếm khi mang xe đi sửa.
Người dân Cao Bình chẳng dám mơ ước được cấp ruộng. Mong muốn trước mắt của họ là được chính quyền hỗ trợ để mọi người dân đều có nhà trú mưa trú nắng, có thuyền lớn ra sông ra biển. Khi chúng tôi nói tới chuyện ruộng nương, anh Nguyễn Văn Tiến, một người dân trong thôn, chững lại đôi phút rồi khẽ ậm ờ: “… cũng mong có vài sào lúa để những ngày bão gió có gạo thóc để ăn”. Dường như việc có ruộng không định sẵn trong mơ ước của anh. Còn ông Nguyễn Văn Mão, thanh tra thôn Cao Bình thì cười xòa, coi như đó là một sự viển vông. “Cái chuyện ruộng nương thì chắc không thể có”, ông Mão nói. Bởi ngay như ước muốn được cấp đất xây nhà của nhiều hộ dân Cao Bình còn khá chênh vênh.
Một số gia đình đã được lên bờ |
Thấp thỏm đợi lên bờ
Nằm trong diện được cấp đất đợt I nhưng khoảng 40 hộ dân thôn Cao Bình vẫn chưa có nhà ở. Dù đã làm xong móng nhưng những hộ này đành để vậy vì không có tiền xây tiếp. Đi vay ngân hàng, tài sản không đủ để thế chấp, ngân hàng không cho vay. Đã nhiều lần, ông chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, thanh tra thôn đề nghị xã cho người dân vay tiền. Ông bảo dự án lập nên với mục đích giúp dân có nhà ở. Đất, nhà nước đã cho; móng, dân đã làm, lẽ nào có vài chục triệu đồng để hoàn thiện cái nhà mà ngân hàng nỡ không cấp. “Mà người ta chạy đi đâu? Nếu họ có chạy, chúng tôi sẽ là đại diện thu lại cái đất này”, ông Nguyễn Văn Mão đứng ra phân tích nhưng ngân hàng vẫn không dám… liều. Những hộ có móng, không nhà lại tiếp tục sống trên thuyền và nhờ thuyền.
Trong khi đó, 70 hộ khác lại thấp thỏm đợi ngày được xây móng. Dù thuộc diện được cấp đất giai đoạn II (năm 2013) song các hộ này không khỏi sốt ruột, lo lắng khi thấy dự án cứ “dùng dằng”, bên xã “khất hết tháng này đến tháng sau”, lời hứa cứ “trôi sông trôi bể”. Anh Nguyễn Văn Tứ, một người dân chưa được cấp đất băn khoăn: Dự án hỗ trợ nhà ở triển khai từ năm 2008, nhưng đến năm 2012, giai đoạn I mới được thực hiện. Với giai đoạn II, mới đây chính quyền xã xem xét lại, dự định cấp đất cho 13 hộ thuộc Nam Hồng, một xã vốn thuộc huyện Tiền Hải!? Thanh tra thôn Cao Bình kiên quyết không ký nhận, yêu cầu xã cấp đất như danh sách các hộ dân ban đầu. Nhiều lần họp bàn, cho đến nay việc cấp đất giai đoạn II vẫn chưa ngã ngũ.
Dù đã có nhà nhưng chị Nguyễn Thị Hoa không khỏi rơm rớm nước mắt khi nói về gia đình người anh cả của mình còn lênh đênh sông nước. Hai vợ chồng, bốn đứa con, chen chúc trên con thuyền rộng chưa đầy 6m2. Đứa bé nhất mới hơn một tuổi, đứa lớn nhất phải bỏ học từ lớp 6, đi bể cùng bố mẹ. Đứa khác đi làm thuê, bị máy quấn đứt ngang cổ chân, giờ tập tễnh trên thuyền. Duy có cô con gái đang học lớp ba. Chia sẻ về mong muốn của mình, cậu con cả Nguyễn Văn Uyến nói em chỉ muốn cả nhà có đất, xây được nhà. Có như vậy, các em của Uyến may chăng mới được học hành đến nơi đến chốn.
Lên bờ cho con cái được đi học cũng là khát khao thường trực của anh Nguyễn Văn Tứ. So với nhiều hộ dân chưa có đất khác, gia đình anh Tứ vẫn may mắn khi đứa con đầu lòng được tới trường, nhờ ở với ông bà trên đất liền. Song nghĩ đến mấy đứa cháu và hàng chục đứa trẻ trong thôn sống trên thuyền còn chịu cảnh mù chữ, anh Tứ bảo rất xót xa. “Giờ nói chuyện giàu nghèo thì chúng em không dám, chỉ mong con cái được mở mày mở mặt với xã hội. Chúng em đã thiệt thòi không được đi học rồi nên cũng muốn các cháu có được cái chữ, chạm vào xã hội cho đỡ tủi thân”.
Có làng nhưng không có nhà, cuộc sống của người dân chài Cao Bình vẫn là những chuỗi ngày dài lênh đênh vô định. Những ngày trôi dạt ở biển Cồn Vành, Quất Lâm, Móng Cái… dù thuyền rỗi, họ cũng chẳng buồn về, bởi “về chẳng có nhà, cũng chỉ nằm dưới bến, nhìn lên bờ, càng ngao ngán”, một ngư dân lặng lẽ thở dài.
Quỳnh Vũ