(GD&TĐ) - Một ngày cuối đông, tôi cố thoát ra khỏi những ngả đường chật ních, ồn ã người và xe; những tin tức nóng la liệt trên các Vebsite, Blog, Facebook, hòng tìm được sắc màu, âm thanh mặn mòi, tươi mới để làm nguồn cảm hứng cho một trang viết có tên gọi mùa xuân. Cho tới lúc tưởng như cuộc kiếm tìm vô ích, thì Xuân lại ở đâu đó vồn vã gọi mời….
Bắt đầu từ một số lạ hiển hiện trên máy điện thoại cầm tay, rồi một giọng nam rặt xứ Quảng vang lên: “ Em chào cô ạ! Hôm nay đứng trên bục nhận bằng thạc sỹ Tài chính-Ngân hàng em chợt nhận ra cô đang cầm máy ảnh chụp ở bên dưới. Lúc ấy em mừng quá. Xong buổi nhận bằng em không tìm thấy cô ở đâu cả. Về nhà em vội gửi mail cho cô ngay. Cô cố gắng đọc cô nhé!.”.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng |
Và những dòng thư của em HS cũ đã làm tôi thực sự xúc động: “ Em ra trường đã được 4 năm, và đã đi làm được 3 năm rồi cô ạ. Công việc không vất vả lắm; thu nhập tiền lương hàng tháng của em dư đủ chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày. Duy chỉ có một nỗi niềm, lúc nào cũng canh cánh trong tâm trí, đó là sự tiếc nuối về một thời nhiều đam mê hồn nhiên, trong trẻo chốn học đường. Ngoài đời thực không như trang Văn cô đã dạy. Môi trường nghề nghiệp hiện tại của chúng em cũng khác xa. Tuy nhiên, thời gian em theo học để lấy bằng thạc sỹ tại Đại học Đà Nẵng vừa rồi đã đưa em trở lại tâm thế của thời áo trắng. Và em chợt có niềm tin những điều tốt đẹp ở bên trong cánh cổng trường không bao giờ mất!”
Tôi bất chợt thốt lên những lời cảm ơn em, trước khi đáp từ trở lại. Bởi những dòng thư ấy đã làm sống động những hoài niệm trong tôi với những ngôi trường. Sau những lần mệt nhoài vì công việc chuyên môn hay hành chính sự vụ, tôi lại tìm nơi trú ngụ ở góc khuất bình yên của tâm hồn, lại thao thức với những cái tên Đắc Nông, Kon Tum, Kon Rẫy, Đắc Tô, KonPlong, Gia Lai, Kông Chro, Chư Sê, Chưpăh…Nơi ấy, có những con đường ngoằn ngoèo, gập ghềnh lên cao, xuống thấp; có phố núi, đồi trọc mù sương, có làng bản đơn côi, xa vắng. Một tối nào quây quần ngồi quanh những bếp lửa bập bùng chung vui chén rượu cần nghe các thầy cô, giáo trẻ tâm sự về tình yêu và nỗi nhớ. Nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ quê, rồi thì cũng lại quay qua câu chuyện vận động học trò ra lớp, không nỡ vứt bỏ mái trường để quay về đồng bằng tìm kế khác sinh nhai. Một buổi sáng mai thức giấc nhìn ra bốn bề đồi núi, thấy đất trời ban mai thanh sạch. Cả âm thanh của tiếng suối, của sắc màu cũng trong trẻo tươi tắn lạ thường. Không có tạp âm đời, không có bon chen, hiềm tị nên gương mặt nào cũng thấy trẻ trung. Học sinh lội suối băng rừng mang biếu thầy cô của mài, củ sắn, mớ rau rừng mà lòng vui hỉ hả…
Nhưng không chỉ ở miền núi rừng xa xôi, cách trở! Ngay ở giữa chốn phồn hoa, đô thị, thi thoảng, những sợi dây xúc cảm tưởng như xơ cứng trong tôi vẫn rung lên những bồi hồi, xao động. Đó là vào một buổi sáng cuối tuần, định lên đỉnh Bà Nà By Night để xả thư giãn, tìm vui. Tới con đường thênh thang gần chục cây số ở vùng Tây Bắc huyện Hòa Vang dẫn lên khu du lịch, nhìn sang bên phải, khuôn viên Trường THPT Phạm Phú Thứ hiện ra bất chợt như gọi mời chúng tôi dừng bước. Tôi đã từng được nghe nói nhiều về ngôi trường nửa nông thôn, nửa thành thị, nửa đồng bằng, nửa miền núi này. Và tất nhiên vì định kiến bởi “nửa nọ, nửa kia”, lại nghe nói đầu vào ở đây thấp lắm, CSVC thiếu thốn nhiều, nên chưa một lần tôi tìm đến. Nay tận mắt chứng kiến mới thấy mình lạc hậu, ấu trĩ. Khuôn viên xanh đượm màu hoang dã của núi đồi, thiên nhiên đã được bàn tay trang trí rất nghệ thuật của con người làm cho ngôi trường có sức hấp dẫn rất riêng. Dấu ấn của cái khó còn đó, nhưng đã được che lấp bởi trang thiết bị dạy học hiện đại, nhà đa năng mới được bổ trợ.
Như hiểu rõ cái mà chúng tôi đang tìm kiếm, hiệu trưởng Phan Khôi (người có gần cả chục năm “đứng mũi chịu sào” chèo lái vận mệnh của ngôi trường) đưa chúng tôi tới một lớp học bồi dưỡng kiến thức cho học sinh đồng bào dân tộc. Hình ảnh thầy giáo trẻ cặm cụi bên từng HS, hướng dẫn cho các em giải từng phép tính là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của cuộc vận động “ Hai không” toàn ngành giáo dục. Và tôi chợt nhớ lại một buổi họp của Hội cựu giáo chức TP Đà Nẵng sơ kết hoạt động hội cách đây 2 năm. Buổi họp hôm ấy tổ chức ở một phòng học mượn tạm của một trường THPT nào đó, không trống chiêng, cờ hoa, nhưng không khí thật ấm cúng; những mái tóc bạc kề bên những mái tóc miếu tiêu. Không có sự tương hỗ của CNTT nhưng những bản báo cáo về thành tích cá nhân trong thực hiện Chỉ thị 24 của Thành ủy Đà Nẵng về chống tình trạng học sinh bỏ học có sức thu hút bởi độ chân thành của đức hi sinh, lòng nhân ái thầm lặng.
Một đôi lần tôi cũng đã được tham gia vào các buổi sinh hoạt Hội cựu giáo chức Quảng Nam và nhận ra điều này: chỉ có nghề nhà giáo mới nuôi dưỡng được ngọn lửa nhiệt thành với đời, với nghề một cách bền bỉ. Trên trang viết làm lời đề tựa cho một tạp chí chào mừng của Ngày nhà giáo Việt Nam của HCGC Quảng Nam có dòng tâm sự: Chúng ta may mắn từng được làm thầy giáo! Có lẽ chỉ khi đã xa tiếng trống trường, xa bục giảng về với đời thường, họ mới nói được những câu như vậy. Phải chăng, họ cũng như bao nhiêu nhà giáo về hưu khác đã nhận ra rằng, làm thầy giáo vất vả, thu nhập tiền lương hạn hẹp, nhưng bù lại, đó là niềm vui tinh thần không có nghề nào có được. Lần ấy ra Hà Nội tham dự một hội thảo về VN dân gian, tôi gặp nhà giáo Nguyễn Đình Chúc-nguyên GV Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên (khi ấy đã ngoài 70 tuổi). Ông tâm sự: đã trên chục năm rời xa mái trường mến yêu mà trong tôi, những kỷ niệm như vẫn còn nguyên vẹn. Rồi ông đọc lên những câu tự gan ruột mình: có rất nhiều để nhớ/ có rất nhiều để thương/có rất nhiều lưu luyến/có rất nhiều vấn vương. Và một ngày trở lại mái trường xưa, thầy giáo già mang cái xôn xao ngọt lành của tình yêu rạo rực”: Tôi về với em chiều nay/ phượng mùa hè đung đưa rực rỡ/bóng dáng trường đỏ giữa màu hoa./Tôi về với em trong ánh mắt hiền hòa/lớp học thân thương/ thầy cô trìu mến!
Bồi dưỡng kiến thức cho HS đồng bào dân tộc tại Trường THPT Phạm Phú Thứ-Đà Nẵng |
Đó cũng là tâm sự của hầu hết thầy cô giáo về hưu. Với họ, khi cánh cổng trường đã khép lại phía sau lưng thì ở phía trước sẽ chỉ còn là “con đường đời có lắm chông gai”. Trên chặng đường tác nghiệp của mình, tôi có cơ may mắn được tiếp xúc với nhiều GS, PGS, NGND, NGƯT, và luôn tự hào cho rằng về phương diện tinh thần, mình là người giàu có nhất thế gian. Ngày còn là cô giáo dạy Văn, quen với tên tuổi của GS Phan Trọng Luận qua giáo trình, SGV, SGK; cứ ước ao được gặp vị GS đầu ngành khoa phương pháp giảng dạy này. Cho tới khi tiếp cận, lại càng kính nể về sự dung dị, nét hiền từ trong từng cử chỉ, lời nói nơi ông. "Nói đến trường học là phải nghĩ tới một nơi đẹp đẽ, thiêng liêng. Ông thầy phải sang trọng, đàng hoàng, là thần tượng trong mắt học trò. Thầy không tử tế hỏi sao dạy được học trò? Chỉ tiếc, giờ vì hoàn cảnh nhiều người thầy không giữ được điều đó"- câu nói này của GS cùng với phong cách, đức độ của ông làm tôi nhận ra nét khác biệt không thể lẫn của môi trường giáo dục- dẫu cuộc đời có trắng, đen, vàng thau lẫn lộn tới bao nhiêu. Lại buồn thay cho những tờ báo lá cải, mù mờ về giáo dục, cứ chộp được con sâu nào là khuấy lên để làm rầu nồi canh, để được nổi đình nổi đám trong dư luận. Mà ngẫm đi ngẫm lại thì cũng chả nên trách những ai không chịu hiểu bản chất chốn học đường. Ngoài đời bây giờ lắm chuyện nhiêu khê. Không cần đọc báo, thử cà phê, cà pháo một buổi thôi là đủ thứ chuyện; nào là công trình này bị rút ruột hàng trăm triệu đồng, dự án kia đổ vào tiền tỷ mà không xong; quan chức A, quan chức B vừa mới bán mấy lô đất vàng để chạy “ghế”…
Tôi nhớ một đôi lần trong trạng thái “ngộ độc” về thông tin như vậy, nhưng khi tìm đến với những giảng đường đại học ở Huế, Đà Nẵng hay Quảng Nam, Quảng Ngãi thì lại thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”- không những tìm được trạng thái cân bằng tinh thần mà còn rất thú vị bởi chất lửa nhiệt thành về khoa học, về chuyên môn của nhiều CBQL, cán bộ giảng dạy. Câu nói của GS.NGND Trần Đình Sử đúng là chân lý: “ Chỉ có nhà trường mới đưa con người tự nhiên trở thành con người văn hóa, con người xã hội”.
Phải rồi, không có con người văn hóa, con người xã hội ấy thì làm gì mà có được mùa xuân nhân loại! Xin những cánh cổng trường hãy tiếp tục rộng mở trong mùa xuân nay, “để những ai nhìn đời toàn gai góc/ còn cơ may trông thấy được hoa hồng” ( ý thơ Rabindranath Tagore).
Bút ký của Nguyễn Thị Thúy Hồng