Nội lực của giáo dục toàn diện

Nội lực của giáo dục toàn diện

(GD&TĐ) - Phẩm chất đạo đức là gốc, là thành phần cơ bản của nhân cách con người. Vì vậy giáo dục đạo đức truyền thống cho học sinh, sinh viên (HS, SV) vừa là công việc thường xuyên, vừa mang tính cấp bách của mỗi nhà trường...

1. Thực tế cho thấy, sự phát triển nhanh chóng và nhiều mặt của thế giới ngày nay và nền kinh tế thị trường đã và đang tác động trực tiếp đến mọi quốc gia, làm thay đổi nhiều giá trị đạo đức vốn được xem là truyền thống của các dân tộc. Hiện tượng suy đồi đạo đức là có thật đang trở thành mối quan tâm, lo ngại của nhiều quốc gia trên toàn cầu.

Ở nước ta từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, bên cạnh rất nhiều cái được đã xuất hiện những cách sống và lối sống xa lạ, trái với các chuẩn mực của xã hội, bất chấp những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Trong môi trường học đường đã và đang xuất hiện những vấn đề rất đáng lo ngại làm ảnh hưởng đến đời sống môi trường, văn hóa học đường hiện nay đó là sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ HS, SV dẫn đến tình trạng có lối sống không lành mạnh, thiếu lễ độ với người lớn, với thầy cô giáo... xa rời thuần phong mỹ tục dân tộc.

Hoạt động ngoại khóa giúp học sinh phát triển toàn diện hơn
Hoạt động ngoại khóa giúp học sinh phát triển toàn diện hơn

Các hiện tượng, hành vi của một bộ phận không nhỏ HS, SV nổi lên gần đây như: Nói tục, chửi thề, gian lận trong thi cử, ham chơi, gây rối trật tự công cộng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự người khác, cờ bạc và đặc biệt là bạo lực học đường, vi phạm pháp luật... đang thực sự gióng lên những hồi chuông báo động.

Trước thực trạng đó, nếu không có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự xâm nhập của cái xấu thì liệu chúng ta mở cửa hội nhập để được cái gì? Rõ ràng, chúng ta không thể chấp nhận một sự tăng trưởng đơn thuần về kinh tế bằng mọi giá mà để cho bản sắc văn hóa dân tộc bị suy thoái, môi trường xã hội bị ô nhiễm, con người bị hạ thấp, nhân phẩm bị chà đạp, giống nòi có nguy cơ bị suy vong. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từng nhấn mạnh: Trong khi chăm lo phát triển kinh tế, coi đó là nhiệm vụ trung tâm, chúng ta nhận thức sâu sắc rằng động lực tạo ra sự phồn vinh và phát triển lâu bền của quốc gia, không chỉ đơn thuần là vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến và tài nguyên thiên nhiên giàu có, mặc dù điều đó là quan trọng, mà chủ yếu là trí tuệ của con người, đó là khả năng sáng tạo của toàn dân được hình thành từ truyền thống văn hoá Việt Nam. Đó là kho tàng tri thức, tâm hồn, đạo lý, tính cách, lối sống trình độ thẩm mỹ của từng người và của cộng đồng dân tộc.

Cho nên trong quá trình phát triển, cần phải có sự tính toán, sự chọn lọc, không phải vì lợi ích kinh tế trước mắt mà từ bỏ những chuẩn mực về văn hóa, những giá trị đạo đức truyền thống để du nhập văn hoá và lối sống ngoại lai không phù hợp với dân tộc mình. Nhất là hiện nay ở nước ta, trong lĩnh vực đạo đức xã hội đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái thiện và cái ác, giữa lối sống lành mạnh, có lý tưởng, trung thực, có ý thức xây dựng đất nước... với lối sống thực dụng, ích kỷ, sa đọa. Cái mới, cái tiến bộ đang từng bước du nhập vào. Trong khi đó cái xấu cái tiêu cực cũng nhân cơ hội này len lỏi vào các ngõ ngách của cuộc sống.

Sinh hoạt ngoài trời giúp học sinh yêu thiên nhiên
Sinh hoạt ngoài trời giúp học sinh yêu thiên nhiên

2. Vì vậy vấn đề đặt ra cho mỗi nhà trường là phải "gạn đục khơi trong", phải tăng cường giáo dục cho lớp trẻ HS, SV gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống như: Lòng yêu nước; lòng nhân ái, vị tha; tính trung thực; tinh thần ham học hỏi; truyền thống tôn sư trọng đạo; đức tính cần cù, giản dị... cùng với những giá trị mà UNESCO đã chỉ ra. Đó là giáo dục những giá trị chung: lý tưởng nhân đạo, chính sách nhân đạo, lối sống nhân đạo, vẻ đẹp tâm hồn, hòa bình - hòa hợp, bình đẳng – công lý nhân quyền, dân quyền; giáo dục những giá trị riêng: Lòng nhân ái, lòng vị tha, yêu thiên nhiên, sự lương thiện, thận trọng, sáng tạo, công bằng, sòng phẳng, tự giác, tự trọng.

5 định hướng giá trị sống cho thanh niên

1: Giá trị trong việc lựa chọn hành động;

2: Giá trị xã hội, đạo đức;

3: Giá trị đối với mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân;

4: Giá trị đối với cuộc sống;

5: Giá trị đối với thời gian nhàn rỗi;

Ngoài ra, cần giáo dục cho HS, SV sống hòa thuận, đoàn kết, thương yêu đồng bào, đồng loại, "thương người như thể thương thân" với những người gặp hoạn nạn, khốn khổ; có những hành vi ứng xử đẹp trong quan hệ cộng đồng vốn có của người Việt Nam; giáo dục lòng căm thù giặc ngoại xâm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; giáo dục sống thủy chung, biết ơn, tôn kính, noi gương những anh hùng, nghĩa sĩ có công đức với dân, với nước.

Đặc biệt là việc hướng những giá trị đạo đức cho HS, SV lòng yêu quê hương đất nước, có lòng vị tha, nhân ái, cần cù... Cung cấp cho HSSV những phương thức ứng xử đúng trước các vấn đề của xã hội... giúp cho các em có khả năng tự kiểm soát được hành vi của bản thân một cách tự giác, có khả năng chống lại những biểu hiện lệch lạc về lối sống.

Đây là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi sự công phu, kiên trì, liên tục, thực hiện có sự thống nhất, có sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trên cơ sở nắm vững các đặc điểm tâm lý, cá tính, hoàn cảnh của từng đối tượng. Đặc biệt phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và xã hội với việc xây dựng nội quy kỷ luật nhà trường, kiến tạo bầu không khí tâm lý tích cực trong nhà trường và ngoài xã hội. 

 8 kỹ năng để sống và sống tốt

1. Kỹ năng dùng tiếng mẹ trong giao tiếp hàng ngày

2. Kỹ năng dùng ngoại ngữ

3. Kỹ năng căn bản về toán, khoa học và kỹ thuật

4. Kỹ năng về tin học

5. Kỹ năng tự chủ để bươn chải tiếp tục học thêm suốt đời

6. Kỹ năng giao tiếp xã hội và có đạo đức cộng đồng công dân giáo dục

7. Kỹ năng sáng tạo và biết tổ chức gây dựng sự nghiệp

8. Có vốn liếng văn hóa và có khả năng rung cảm trước cái đẹp, có óc thẩm mỹ.

(Hội đồng Giáo dục châu Âu)

Minh Tư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ